1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mali: Binh sỹ tấn công dinh tổng thống, chiếm đài truyền hình

(Dân trí) - Các binh sỹ nổi loạn hôm qua đã tấn công phủ tổng thống Mali và chiếm đài truyền hình nhà nước với ý định thực hiện một vụ đảo chính ở đất nước Tây Phi này, Bộ quốc phòng và các nguồn tin ngoại giao cho hay.

Mali: Binh sỹ tấn công dinh tổng thống, chiếm đài truyền hình

Binh sỹ Mali trên đường phố ở thủ đô Bamako ngày 21/3.
 

 

Tiếng súng ầm ầm vang lên ở thủ đô Bamako của Mali và những binh sỹ nổi loạn, do bất bình về cách điều hành của chính phủ với cuộc nổi dậy ở sa mạc Sahara, phía bắc đất nước, đã buộc đài truyền hình nhà nước ngừng phát sóng sau khi chiếm một số khu vực của thủ đô.

 

Theo Xinhua, các binh sỹ đã tiến hành biểu tình từ một doanh trại quân sự ở Kati, cách thủ đô Bamako 15km và bắn súng trước khi xông vào đài truyền hình nhà nước, văn phòng phát thanh-truyền hình Mali (ORTM).

 

“Khoảng 3h chiều, các binh sỹ đã vào đây, yêu cầu các nhân viên trở về nhà bởi họ muốn kiểm soát tình hình”, một kỹ thuật viên trẻ cho biết. “Họ không có hành động bạo lực gì. Họ chỉ yêu cầu mọi người trở về nhà vì sự an toàn”.

 

“Giờ đây chúng tôi biết họ muốn thực hiện một cuộc đảo chính”, một quan chức Bộ quốc phòng đề nghị được giấu tên cho biết. Một nhà ngoại giao cũng xác nhận đã có đụng độ ở phủ tổng thống.

 

Bất bình gia tăng trong quân đội trong thời gian gần đây về cách điều hành cuộc nổi dậy do phiến quân Tuareg dẫn đầu, khiến hàng chục người thiệt mạng và buộc gần 200.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa.

 

Các binh sỹ đã kêu gọi chính phủ cung cấp vũ khí tốt hơn để chiến đấu với quân nổi dậy, được các tay súng trở về từ cuộc nội chiến ở Libya giúp đỡ, một trong những binh sỹ nổi loạn cho biết. Họ cũng muốn Tổng thống Amadou Toumani Toure phải ra đi.

 

“Ông ấy cần phải từ bỏ quyền. Chỉ có vậy thôi. Phong trào sẽ kết thúc với việc chiếm dinh tổng thống”, sỹ quan giấu tên cho hay.

 

Hiện chưa có thông tin chính thức từ phủ tổng thống Mali nhưng các tuyên bố được đăng tải trên trang Twitter của của cơ quan này cho biết không có âm mưu đảo chính nào.

 

Ông Toure, người lên nắm quyền từ năm 2002, cho biết ông dự kiến sẽ từ chức sau cuộc bầu cử tháng 4 tới. Cựu tư lệnh lực lượng nhảy dù này đã lật đổ chế độ độc tài ở Mali trong cuộc đảo chính năm 1991 và từ bỏ quyền lực một năm sau trước khi trở lại bằng một cuộc bỏ phiếu.

 

Pháp kêu gọi người dân Mali tôn trọng trật tự của hiến pháp và đảm bảo dân chủ. Mali từng là thuộc địa của Pháp.

 

Ném đá Bộ trưởng Quốc phòng, rồi sau đó bắn súng

 

Một nguồn tin quân sự cho biết sự việc được châm ngòi bằng chuyến viếng thăm doanh trại quân đội ở thị trấn Kati của Bộ trưởng Quốc phòng.

”Bộ trưởng đã tới nói chuyện với các binh sỹ nhưng cuộc nói chuyện diễn ra theo chiều hướng xấu và mọi người phàn nàn về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền bắc”, nguồn tin cho hay.

 

Một quan chức trong Bộ Quốc phòng, người tham dự cuộc họp, cho biết một binh sỹ đã cáo buộc Bộ trưởng phản bội họ, không cho họ đủ phương tiện chống quân nổi dậy. Các binh sỹ sau đó đã ném đá vào bộ trưởng trước khi lấy vũ khí trong xưởng và bắn chỉ thiên.

 

Bamako đã bị tê liệt trong một thời gian ngắn vào tháng trước, khi hàng trăm người Mali dựng hàng rào trên phố, đốt lốp xe để phản đối cách đối phó với cuộc nổi dậy ở miền bắc của chính phủ.

 

Chiến binh Tuareg, muốn vươn ra khỏi sào huyệt sa mạc ở miền bắc, đã thắng thế trong những tuần gần đây, đáng kể là chúng đã chiếm được thành phố nhà binh Tesalit gần biên giới Algeria vào tháng này.

 

Phong trào phiến quân MNLA đã được củng cố nhờ lực lượng Tuareg, được trang bị vũ khí tối tân. Lực lượng này mới trở về từ Libya sau khi không giúp ngăn cản được cuộc lật đổ ông Gadhafi vào năm ngoái.

 

Các cuộc đụng độ mới đã làm gia tăng tầng bất ổn mới đối với khu vực vốn đã bị bọn buôn lậu và các tay súng có liên hệ với al-Qaeda hoành hành. Chúng chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.

 

Vũ Quý

Theo Reuters, Xinhua