1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Maldives: Tổng thống từ chức khi bị “kề họng súng”

(Dân trí) - Tổng thống bị lật đổ của Maldives hôm qua cho hay ông đã buộc phải từ chức một ngày trước đó khi bị kề họng súng, và điều này đã làm nổ ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người ủng hộ ông.


Maldives: Tổng thống từ chức khi bị “kề họng súng” - 1

Ông Mohamed Nasheed cho biết phải từ chức khi bị "kề họng súng".

 

Ông Mohamed Nasheed, tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên vào năm 2008 tại quần đảo với 1.200 đảo, nổi tiếng với ngành du lịch xa xỉ, đã từ chức vào hôm thứ ba vừa qua, sau ba tuần vấp phải sự phản đối của phe đối lập, mà cực điểm là cuộc nổi dậy của lực lượng cảnh sát.

 

Chỉ một ngày sau khi ông từ chức, thể như ông đã “lùi bước” kịp thời, bởi cảnh sát chống bạo động và quân đội đã bắn lựu đạn hơi cay và đánh đập ông cùng những người ủng hộ khác. Hình ảnh này đã được thấy rất nhiều lần trong 30 năm nắm quyền của người tiền nhiệm Maumoon Abdul Gayoom.

 

Các nhân chứng cho hay khoảng 40-50 người, trong đó có cả ông Nasheed bị thương và một số bị thương nặng. Cảnh sát cùng các binh sỹ quân đội đã bao vây bệnh viện trung ương, ngăn các phóng viên tiếp cận Quảng trường Cộng hòa, địa điểm diễn ra biểu tình.

 

“Tôi đã ở rất gần ông ấy khi họ bắt đầu ra tay. Ông ấy bị vài vết cắt và bầm tím. Ông ấy đã bị thương khá nặng”, một người họ hàng của ông Nasheed, yêu cầu được giấu tên, cho biết.

 

Adam Manik, quan chức cấp cao của Đảng dân chủ Maldives (MDP), đảng của ông Nasheed, cho hay cựu lãnh đạo đã ở trong một ngôi nhà an toàn. Đảng này ra tuyên bố kêu gọi quốc tế giúp đỡ và ông Nasheed cho rằng đối thủ cũ Gayoon của ông đã gây ra cuộc khủng hoảng.

 

“Kề họng súng”

 
Maldives: Tổng thống từ chức khi bị “kề họng súng” - 2
Cảnh sát chống bạo động đá lựu đạn hơi cay về phía những người biểu tình do ông Nasheed dẫn đầu tại Quảng trường Cộng hòa ở Male, ngày 8/2.
 

Ngày 16/1, ông Nasheed đã yêu cầu quân đội bắt giữ chánh án tòa án hình sự, cho rằng ông này đang ngăn chặn các vụ tham nhũng nhiều triệu đô la và các vụ vi phạm nhân quyền chống lại các đồng minh của ông Gayoon. Vụ việc đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình, dẫn đến cuộc ra đi chóng vánh của ông.

 

“Vâng, tôi đã buộc phải từ chức khi kề họng súng”, ông Nasheed cho biết với các phóng viên sau khi phát biểu trước cuộc họp của đảng MDP trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi bị lật đổ. “Súng đã vây quanh tôi và họ nói với tôi họ không ngại sử dụng chúng nếu tôi không từ chức”.

 

Trước đó, một phụ tá thân cận của ông Nasheed cho biết hôm thứ ba vừa qua, quân đội đã áp ông tới văn phòng của ông để ông ra tuyên bố từ chức trên truyền hình nhà nước.

 

“Các cổng của văn phòng tổng thống bị bật tung và tiến vào là những chiếc xe lạ chúng tôi chưa từng thấy trước đó, rồi ông Nasheed bước ra với khoảng 50 binh sỹ vây quanh, những sỹ quan quân đội cấp cao mà chúng tôi chưa từng thấy trước đó”, Paul Roberts, cố vấn thông tin của ông Nasheed cho hay.

 

Trong phát biểu từ chức được phát trên truyền hình, ông Nasheed cho biết ông từ chức để tránh đổ máu cho người dân.

 

Phó Tổng thống Mohamed Waheed Hassan Manik lên thay ông làm tổng thống và vào ngày hôm qua, ông Waheed đã phủ nhận tham gia vào cuộc đảo chính, mặc dù báo chí đồng loạt đưa tin tại cuộc họp ngày 31/1 các đảng đối lập đã cam kết sát cánh cùng ông.

 

“Trông tôi giống với người mang đến cuộc đảo chính?”, ông Waheed cho biết trong một cuộc họp báo. “Không có kế hoạch nào cả. Tôi không được chuẩn bị gì hết.”

 

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ gửi nhà ngoại giao hàng đầu của mình ở khu vực, thứ trưởng ngoại giao Bob Blake, tới Male vào thứ bảy này, song cho biết không coi việc lật đổ ông Nasheed là vi hiến.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland cho biết Mỹ lo ngại về bạo lực, kêu gọi chính phủ cùng các đảng phái chính trị “phối hợp giải quyết tình hình một cách hòa bình”.

 

“Hành động khủng bố”

 

Ông Waheed, người đứng đầu một đảng nhỏ, cho biết ông dự kiến thành lập nội các trong vòng vài ngày nữa và sẽ mời tất cả các đảng phái tham gia vào chính phủ hợp nhất dân tộc và chính phủ này sẽ lãnh đạo đất nước cho tới kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 10/2013.

 

Đảng của ông Nasheed từ chối và kêu gọi ông Waheed từ chức.

 

“Tôi kêu gọi bộ trưởng tư pháp xem xét ai là kẻ đứng sau vụ đảo chính. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để đưa trở lại một chính phủ hợp pháp”, ông Nasheed tuyên bố trong cuộc tập hợp của những người ủng hộ đảng MDP vào ngày hôm qua.

 

Ngay sau cuộc họp ông Naseed đã dẫn đầu hàng ngàn người ủng hộ khắp thủ đô tới Quảng trường Cộng hòa, địa điểm diễn ra rất nhiều “khúc cua” chính trị tại Maldives, trong đó có cả cuộc nổi dậy của cảnh sát vào ngày thứ ba.

 

Tại đây, cảnh sát và binh sỹ được trang bị khiên chống bạo động đã bắn đạn hơi cay và dùng dùi cui đánh người biểu tình. Trên truyền hình nhà nước, cảnh sát Maldives gọi cuộc biểu tình là “hành động khủng bố”.

 

Thông tin chưa được xác nhận cho biết người ủng hộ ông Nasheed đã tấn công 2 đồn cảnh sát ở đảo san hô vòng lớn thứ hai nước này, đảo Addu.

 

Rất nhiều xe cứu thương vội vã rời quảng trường, trong khi hàng chục đôi dép nằm rải rác vỉa hè.

 

Những bất ổn chính trị tại quốc gia Hồi giáo Sunni này diễn ra cách xa chuỗi đảo “thiên đường” với những khu khỉ mát sang trọng, có giá lên tới 1.000USD/đêm. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn khuyến cáo người dân không đến Male.

 

Phan Anh

Theo Reuters