1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia “ngả” theo Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông?

(Dân trí) - Thủ tướng Malaysia ngày 5/6 đã đưa ra quan điểm dường như “ngả” theo Trung Quốc khi cho rằng nên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo hướng “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Thủ tướng Malaysia Najib Razak

 

Dường như “ngả” theo Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi các bên tranh chấp trên Biển Đông cùng phát triển các nguồn tài nguyên ở đây để tránh xung đột và ngăn chặn “các nhà nước khác trong khu vực” can dự vào tranh chấp.

 

Ông Najib đã trích dẫn khu vực phát triển chung trong vùng biển mà Thái Lan và Malaysia cùng tuyên bố chủ quyền như là một tiền lệ để có thể áp dụng trên Biển Đông. “Nhất trí chia sẻ sự thịnh vương, thay vì để nó chia rẽ chúng ta là giải pháp rất hợp lý”, ông Najib cho biết tại Kuala Lumpur.

 

Việt Nam và Philippines luôn phản đối giải pháp của Trung Quốc, “cùng phát triển” trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Mỹ, Nhật và Philippines ủng hộ trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp thay vì giải pháp cùng khai thác dầu khí và đánh bắt cá chung.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Najib cũng cho rằng một bộ quy tắc ứng xử về hoạt động trên vùng biển sẽ là khởi điểm tốt nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang. Ông cảnh báo sự can dự của “các nhà nước bên ngoài khu vực” có thể “gia tăng thêm một tầng phức tạp nữa cho tranh chấp”.

 

Tại hội nghị an ninh của giới chức quân sự ở Singapore hồi cuối tuần qua, Qi Jianguo, phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển nước này là “hoàn toàn hợp pháp”. Ông đưa ra tuyên bố này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết tại cùng hội nghị rằng Mỹ “phản đối mạnh mẽ trước bất kỳ nỗ lực bắt nạt nào nhằm thay đổi tình trạng hiện tại” trong vùng biển.

 

Cái được gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1940, mở rộng hàng trăm km xuống phía nam tới vùng xích đạo, sát tới bờ biển Borneo của Malaysia. Hồi tháng 3 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc đã viếng thăm bãi James, cách bờ biển Malaysia chỉ có 80km. Công ty dầu lửa ngoài khơi quốc gia Trung Quốc ước tính Biển Đông nắm giữ một lượng trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được phát hiện lớn gấp 5 lần trữ lượng ước tính mà Cục thông tin năng lượng Mỹ đưa ra.

 

Năm 1979 Thái Lan và Malaysia đã nhất trí cùng phát triển dầu lửa và khí đốt trong một khu vực tranh chấp. Theo con số thống kê của Bộ Năng lượng Thái Lan, khí đốt tự nhiên từ khu vực hiện đang tạo ra khoảng 20% sản xuất nội địa Thái Lan.

  

Vũ Quý

Theo SCMP