1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên minh Nga - Iran: Sự kết hợp hoàn hảo

(Dân trí) - Trong chuyến thăm Mátxcơva cuối tháng 7, Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran - đã bắn tín hiệu muốn hợp tác với Nga trong vấn đề Syria. Sau cuộc gặp bí mật với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và hội kiến với Tổng thống Putin, một liên minh mới đã hình thành.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lền Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 tại Ufa, Nga ngày 9/7/2015 (Ảnh: AFP/Getty)
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lền Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 tại Ufa, Nga ngày 9/7/2015 (Ảnh: AFP/Getty)

Mặc dù tới nay Nga vẫn phủ nhận thông tin trên, nhưng theo truyền thông Iran, trong các cuộc gặp, hai bên đã bàn thảo về vấn đề mua bán vũ khí và giải quyết các thách thức ở Trung Đông. Phương Tây cho rằng chuyến thăm là khởi điểm của kế hoạch Nga tăng cường can dự vào Syria, đồng thời đánh dấu sự “ra đời” của liên minh Nga - Iran để hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Một nguồn tin cấp cao giấu tên từ khu vực Trung Đông cho biết quyết định thành lập liên minh Nga - Iran trên thực tế đã được ấn định tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thủ lĩnh tối cao Iran Ali Khamenei cách đây vài tháng. Sau đó, Tướng Soleimani đã được đích thân Thủ lĩnh tối cao Khamenei “chọn mặt gửi vàng” vì ông có nhiều kinh nghiệm chiến trường và từ lâu đã được coi là chỉ huy thực sự của Iran trên chiến trường Syria. Ông cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ và phương Tây.

 

Soleimani là một vị tướng tài trong quân đội Iran (Ảnh: AP)
Soleimani là một vị tướng tài trong quân đội Iran (Ảnh: AP)

Cần nhấn mạnh rằng nền tảng quan trọng cho liên minh Nga - Iran là hai nước cùng muốn duy trì vai trò của Tổng thống Assad, đồng minh Trung Đông duy nhất của Nga và nằm trong trục Shi’ite do Iran dẫn đầu. Theo thỏa thuận, sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria sẽ hỗ trợ đắc lực cho các chiến dịch trên bộ của các lực lượng Iran, Syria và Hezbollah. Điều này xuất phát từ thực tế là các cuộc không kích dù sử dụng vũ khí chính xác đến đâu và có cường độ mạnh thế nào thì cũng khó có thể thể giành được thắng lợi quyết định nếu thiếu bộ binh.

Do vậy, trong khi các chiến đấu cơ Nga bắt đầu xuất kích từ căn cứ không quân Latakia hôm 30/9 vừa qua, các cuộc tấn công trên bộ cũng đã được các lực lượng Syria, Iran và Hezbollah khởi động. Để hỗ trợ trên thực địa, Nga đã điều lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Spetsnaz tới Syria, hòng nhổ tận gốc các phần tử khủng bố IS.

 

Spetsnaz được xây dựng trong những năm gần đây với nhiệm vụ tìm diệt các tay súng chống quân đội Nga tại Chechnya (Ảnh: AP)
Spetsnaz được xây dựng trong những năm gần đây với nhiệm vụ tìm diệt các tay súng chống quân đội Nga tại Chechnya (Ảnh: AP)

Không chỉ trên chiến trường, liên minh Nga - Iran còn hợp tác trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận và giá dầu giảm, việc tìm thị trường cho ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giúp Mátxcơva giải quyết phần nào bài toán kinh tế. Với những tính toán dài hơi, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Putin đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới khu vực Trung Đông với hai mục đích chính: tăng cường lợi ích kinh tế và đối phó với những đe dọa an ninh quốc gia. Đánh dấu sự trở lại sau một thập kỷ vắng bóng trên thị trường vũ khí Trung Đông là những hợp đồng bán máy bay, hệ thống tên lửa trị giá hàng chục tỷ USD cho Ai Cập, Algeria, Iraq và tất nhiên là cả Iran, Syria. Hiện tại, Nga đang cung cấp cho quân đội Syria nhiều loại vũ khí hiện đại để đối phó với phe nổi dậy. Việc thành lập những đơn vị mua bán vũ khí Nga - Iran sẽ giúp Nga tiếp cận được cả với những đồng minh Shiite tại Iraq, Yemen hay Libya.

Trở lại với bối cảnh trước chuyến thăm Nga của Tướng Soleimani, tình hình chiến sự tại Syria khi đó đang diễn biến bất lợi, buộc quân đội Syria và đồng minh Iran phải thoái lui trên nhiều mặt trận. Tỉnh Latakia, nơi có cảng Tartus đặt căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Từ đầu năm tới nay, IS và các chi nhánh của al-Qaeda, trong đó có Mặt trận Al-Nusra, đã giành được nhiều thắng lợi tại các tỉnh Hama, Idlib và chỉ còn cách Latakia chưa đầy 30 km. Trong bối cảnh đó, tại Mátxcơva, Tướng Soleimani “đã đặt bản đồ Syria lên bàn và chỉ cho Nga thấy mối nguy hiểm thực sự đối với chính quyền Damascus”. Ông không quên nhấn mạnh “tình thế hiện nay đang rất xấu với chính người Nga”.

Trong khi đó, tại châu Âu, “Lục địa già” đang phải chật vật đối phó với làn sóng người di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, do cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria. Vì thế, quan điểm của phương Tây vào lúc này bắt đầu có sự thay đổi: mềm mỏng hơn với tương lai của Tổng thống Assad. Các nước Anh, Pháp hay Đức không còn coi việc ông Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột đã khiến 240.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.Tất nhiên, đây chính là thời cơ tốt để các đồng minh Nga và Iran củng cố thế và lực cho ông Assad.

Về phía mình, Nga cũng đã có những bước đi rất bài bản để triển khai chiến lược của mình đối với Trung Đông. Đầu tiên là việc ủng hộ Iran và nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử hôm 14/7, cho phép Iran dần thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo của phương Tây.Tiếp đó, Nga nối lại hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 hiện đại cho Iran và đã bắt đầu bàn giao. Trên mặt trận ngoại giao, trước khi triển khai chiến dịch không kích, Tổng thống Putin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine hay với Quốc vương Saudi Arabia nhằm mục đích duy nhất là chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tại Syria bất chấp phương Tây có tán đồng hay không.

Nga và Iran hiện đang chia sẻ những lợi ích chiến lược tại Trung Đông với mục đích chung là phá vỡ vòng bao vây, kiềm tỏa của Mỹ và phương Tây. Nga có những lợi thế trên không với nhiều loại máy bay được trang bị tên lửa tấn công có sức hủy diệt lớn, độ chính xác cao, cùng hệ thống tác chiến gây nhiễu điện tử. Trong khi đó, Iran và lực lượng đồng minh đông đảo của mình có ưu thế vượt trội trên thực địa.Sự kết hợp hoàn hảo này đã tạo nên sức mạnh vô song cho liên minh Nga Iran, khiến phương Tây không thể không tính tới khi muốn bàn về tương lai của Syria và rộng hơn là bàn cờ chính trị Trung Đông.

Vũ Anh

 

Liên minh Nga - Iran: Sự kết hợp hoàn hảo - 4