1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Liên Hiệp Quốc "sửa nhà"

(Dân trí) - Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã quyết định tu sửa ngôi nhà tuổi thọ trên 50 năm của tổ chức này sau nhiều lần trì hoãn, gây ra những vấn đề về an ninh, hạ tầng Internet và chi phí năng lượng.

Rất nhiều đại biểu các nước tại LHQ cho rằng, còn nhiều chủ đề cần xem xét hơn là việc tu sửa trụ sở của tổ chức này. Nhưng cuối cùng dự án nâng cấp tòa nhà LHQ đệ trình từ năm 1996 đã được cụ thể hóa. Tháng 12/2006, Đại hội đồng LHQ nhất trí thông qua khoản ngân sách 1,5 tỷ euro để cải tạo khu liên hợp và cuối tháng 7/2007, tập đoàn xây dựng Skanska của Thụy Điển đã trúng thầu với 5,4 triệu euro trả trước trong tổng chi phí là 776 triệu euro để giám sát công trình cải tạo.

 

5 hãng thiết kế kiến trúc nối tiếng thế giới trong đó có Einhorn Yaffee Prescott, Helpern Architects và HLW cũng tham gia vào dự án này. Đại hội đồng còn thành lập nhóm làm việc gồm 40 người do ông Michael Adlerstein đứng đầu tham gia quản lý dự án. Dự án cải tạo tòa nhà LHQ do 192 quốc gia thành viên đóng góp và nước Mỹ gánh 22% tổng chi phí.

 

Các tòa nhà của LHQ - do kiến trúc sư người Pháp Charles Le Corbusier và nhóm kiến trúc sư quốc tế Wallace Harrison (Mỹ) và Howard Robertson (Anh) thiết kế, khánh thành năm 1952 với chi phí xây dựng lúc đó vào khoảng là 66,5 triệu USD. Tòa nhà 39 tầng hiện đang là nơi làm việc của đại sứ của các đại diện các nước thành viên và 4.000 nhân viên.

 

Các tòa nhà này đã có tuổi thọ hơn 50 năm việc tu sửa nâng cấp là rất cần thiết. Không khí đi qua mặt tiền bằng kính bên ngoài tòa nhà Tổng thư ký LHQ đã khiến các kết cấu bên trong nhiếm chất amiăng độc hại (tuy hiện không nguy hiểm cho sức khỏe vì amiăng cố định trong các vật liệu cách điện), nhưng sẽ là một vấn đề khi nội thất bên trong thay đổi. Hệ thống lò sưởi và làm lạnh hoạt động không ổn định, mạng lưới internet lỗi thời, hệ thống an ninh cần được nâng cấp và LHQ đã trả 129 triệu euro cho công ty Capital Master Plan nâng cấp khả năng bảo vệ tòa nhà khỏi một vụ nổ có thể xảy ra. 

 

Khi việc tu sửa hoàn tất vào tháng 4/2014, tòa nhà LHQ vẫn có hình dạng bên ngoài như hiện nay. Giám đốc dự án Adlerstein tuyên bố, trong 10 năm tới khó có thể nói rằng tòa nhà LHQ đã được cải tạo, trừ khi nhìn vào hóa đơn thanh toán năng lượng, lên đến 1,64 triệu euro trong năm 2006. Theo lời những người có trách nhiệm, dự án này sẽ giúp LHQ tiết kiệm được 30% chi phí dành cho năng lượng.

 

Ngày 5/6/2007, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, ông rất muốn trụ sở mới trở thành một mô hinh mang tính toàn cầu trong sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên. Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm sẽ được lắp đặt mới hoàn toàn, cùng với hệ thống dò tìm có khả năng tắt các bóng đèn khi trong phòng không có người và sử dụng hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời.

 

Công việc cải tạo tiến hành theo nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, nhân sự làm việc trong tòa nhà Đại hội đồng sẽ dời sang làm việc tại các tòa nhà thuê ở Manhattan, nhân sự các tòa nhà Tổng thư ký LHQ và Hội đồng Bảo an không phải dời đi nơi khác mà chỉ tạm thời di chuyển phòng làm việc bên trong tòa nhà.

 

Các quan chức LHQ cho rằng không nên chậm trễ triển khai dự án này. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, sự không ổn định của thị trường có thể đẩy giá vật liệu tăng cao, cho dù đã được tính ở mức lạm phát 7,5%. Đúng như khẳng định của ông Adlerstein: “Thời gian là vàng bạc” và vì lẽ đó mà LHQ muốn triển khai dự án càng sớm càng tốt để tránh những chi phí phát sinh.

 

Ngọc Nhàn

Theo BusinessWeek