1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2)

(Dân trí) - Y được mệnh danh là tên tội phạm “vĩ đại” nhất mọi thời đại, bậc thầy của nghệ thuật lừa đảo với 45 tên giả và thông thạo 5 ngoại ngữ. Riêng tại Mỹ, Viktor Lustig đã bị bắt 50 lần, nhưng lần nào cũng được thả do không có bằng chứng để kết tội.

 

5. Joseph Whale (1875-1976) - Ông chủ ngân hàng "dỏm"

 

Mussolini, trùm phát xít Italia, cũng từng là một trong số rất nhiều các nạn nhân của Joseph Whale - một trong những kẻ lừa đảo quốc tế thành công nhất nước Mỹ.

 

Whale đến Italia dưới lốt một kỹ sư công nghiệp mỏ để bán cho Mussolini quyền khai thác mỏ quặng giàu có ở bang Colorado (Mỹ). Phi vụ làm ăn trót lọt đó giúp y thu lợi 2 triệu USD lấy từ quỹ của Mussolini và cao chạy xa bay trước khi Cơ quan mật vụ Italia kịp phát giác vụ việc.

 

Một cú lừa ngoạn mục khác và nổi tiếng nhất của Whale là vụ Ngân hàng thương mại quốc gia Munsee. Khi ngân hàng này chuyển đến địa điểm mới, ngay lập tức Whale thuê lại ngôi nhà trống đó và thành lập một ngân hàng khác chỉ để thực hiện duy nhất một vụ giao dịch. Joseph Whale không giỏi về lừa đảo, mà là thiên tài về tổ chức. Hắn thuê cả một đám du thủ du thực đóng giả nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo vệ và khách hàng để diễn cảnh giao dịch y như tại một ngân hàng thật sự.

 

Mục tiêu nhắm tới của Whale trong thời gian đó là các triệu phú người Chicago với thông tin bí mật bị “bị rò rỉ” rằng chủ ngân hàng (và cũng chính là y) đang nắm quyền giao dịch một khu đất của chính phủ có giá chỉ bằng 1/4 giá thị trường.

 

Một vị khách đã trúng câu. Người này được đưa tới ngân hàng của Whale và được chứng kiến một vở kịch diễn cảnh giao dịch hết sức chuyên nghiệp do các “nhân viên” của y thực hiện. Bị thuyết phục trước cung cách làm ăn chuyên nghiệp đó, vị khách này quyết định mua khu đất và trao cho y 400 nghìn USD bằng tiền mặt mà không hề hay biết giấy tờ mình đang giữ chỉ là đồ giả.

 

Joseph Whale bị bắt và ngồi tù 10 năm. Y chết năm 1976 hưởng thọ 101 tuổi.

 

6. Victor Lustig (1890-1947) - Kẻ hai lần rao bán tháp Eiffel

 

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 1

 

Victor Lustig sinh năm 1890 tại Bohemia, khi đó thuộc Đế quốc Áo-Hung. Khi tốt nghiệp phổ thông Lustig đã thông thạo 5 ngoại ngữ: Séc, Anh, Pháp, Đức, Ý. Sau một thời gian lang thang khắp châu Âu, Lustig quyết định định cư tại Paris.

 

Y được mệnh danh là tên tội phạm “vĩ đại” nhất mọi thời đại, một bậc thầy về nghệ thuật lừa đảo với 45 tên giả. Chỉ riêng tại Mỹ, Viktor Lustig đã bị bắt 50 lần, nhưng lần nào y cũng được thả do không có bằng chứng để kết tội.

 

Đầu Thế chiến I, Lustig cầm đầu một tổ chức cờ bạc bịt bợm trên những chuyến tàu du lịch xuyên Đại Tây dương. Vào những năm 1920, y hay du lịch đến Mỹ và chỉ trong vòng 2 năm đã lừa đảo lấy đi hàng trăm ngàn USD từ các ngân hàng và các doanh nhân nước này.

 

Tuy nhiên, tất cả những vụ lừa đảo đó chỉ là chuyện “cỏn con” chẳng thấm vào đâu so với việc Lustig dám cả gan rao bát bán tháp Eiffel - một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Pháp.

 

Vào năm 1925, tình cờ Lustig đọc trên một tờ báo nói về những khó khăn tài chính lớn của Tòa thị chính thủ đô Paris trong việc duy tu tháp Eiffel. Lập tức, bộ óc “thiên tài” của y đã phác họa ra một kế hoạch táo bạo và quyết định bắt tay ngay vào việc thực hiện.

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 2

 

Hắn ta làm giấy tờ giả, mạo nhận mình là Thứ trưởng Bộ Bưu điện Pháp, sau đó làm giấy mời giả và mời 6 nhà tư bản ngành luyện kim đến một khách sạn sang trọng để bàn bạc về số phận tháp Eiffel. Tại đây Lustig nói rằng, chi phí tu sửa tháp Eiffel quá lớn, Chính phủ không đủ sức gánh vác nên dự định sẽ bán danh thắng lịch sử này làm sắt vụn thông qua một cuộc đấu giá kín. Làm ra bộ để tránh phản ứng dữ dội từ phía dư luận, y thuyết phục những người tham dự hôm đó phải giữ kín chuyện này.

 

Tháp Eiffel có tổng khối lượng lên đến 9.000 tấn, trong đó có 7.300 tấn thép, thế nhưng giá khởi điểm mà vị “Thứ trưởng” này đưa ra lại thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế trên thị trường. Điều đó tạo nên cơn sốt cho các nhà đầu tư. Nhiều người đã phải chi những khoản tiền “đi đêm” rất lớn với y để mong được trúng thầu. Cuối cùng, quyền tháo dỡ tháp thuộc về triệu phú Andre Poisson, sau khi đã trao cho Lustig một khoản tiền lên đến 50.000 USD.

 

Phải đến mấy ngày sau, khi Andre Poisson đưa công nhân đến để tháo rỡ tháp Eiffel thì mới vỡ lẽ ra là mình bị lừa, còn Lustig lúc đó đã cao chạy xa bay với một va li tiền nặng trịch. Andre Poisson đã thật sự bị sốc vì sót của, nhưng sợ bị “mất mặt” nên đành nín lặng, không đệ đơn kiện kẻ đại bịp kia.

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 3

 

Đầu những năm 1930, Viktor Lustig quay trở lại Paris và tiếp tục lừa bán tháp Eiffel một lần nữa. Phi vụ lừa bán tháp Eiffel lần thứ hai này cũng trót lọt và y đã thu được 75.000 USD tiền mặt.

 

“Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, cuối cùng Lustig kết thúc sự nghiệp lừng danh của mình ở nhà tù Alcatraz - California (Mỹ) vào năm 1935 sau khi bị kết án 15 năm tù vì tội làm tiền giả và thêm 5 năm vì tội trốn tù. Năm 1947, Lustig chết tại đây vì bệnh sưng phổi.

 

7. Ferdinand Demara (1921-1982) - "Kẻ mạo danh vĩ đại"

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 4

 

Ferdinand Demarra được biết đến với cái tên “Kẻ mạo danh vĩ đại”. Trái ngược với Christopher Rocancourt, động cơ của “chuyên gia giả mạo” này không phải vì tiền bạc, mà chỉ đơn thuần để thỏa mãn những cảm giác mạnh khi hóa thân thành những con người khác nhau và hòa nhập vào mọi tầng lớp xã hội.

 

Trong cuộc đời, y đã thủ rất nhiều vai khác nhau như: kỹ sư xây dựng, quận phó, nhân viên cai ngục, bác sĩ tâm lý, luật sư, chuyên gia của Tổ chức bảo vệ trẻ em, thầ tu, biên tập viên, chuyên gia về ung thư, bác sĩ phẫu thuật và giáo viên… Điều kỳ lạ là, mặc dù có trình độ học vấn thấp (chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông), thế nhưng trong bất kỳ vai nào y cũng diễn một cách hết sức tài tình kể cả về tài tùy cơ ứng biến lẫn chuyên môn trong từng vai diễn.

 

Vai diễn đầu tiên của Demarra là một nhân viên phục vụ trong Quân đội Mỹ vào năm 1941, núp dưới cái tên của một người bạn.

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 5

 

Vai diễn nổi tiếng nhất của Demarra là vai bác sĩ phẫu thuật Joseph Kear. Phải nói rằng, y vô cùng khéo léo để có thể xoay xở được vai bác sĩ phẫu thuật trong một thời gian dài khi diễn ra cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên. Các bệnh nhân của y lúc đó đều đươc chữa trị bằng những liều kháng sinh hào phóng. Demarra chỉ bị lộ diện khi bà mẹ của bác sĩ Joseph Kear thật phát hiện ra và báo cho chính quyền.

 

Ferdinand Demarra mất năm 1982 thọ 61 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của con người này đã được viết thành truyện và được dựng thành bộ phim có tên "The Great Imposter".

 

8. Frank Abagnale (1948) - "Hãy bắt tôi nếu có thể"

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (2) - 6

 

Tuy chỉ mới 17 tuổi, thế nhưng Frank Abagnale đã nhanh chóng trở thành một trong những tên cướp ngân hàng thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Câu chuyện đó bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Bằng những tấm séc ngân hàng tự tay làm giả một cách khéo léo, Abagnale đã dễ dàng cuỗm đi gần 5 triệu USD của rất nhiều các ngân hàng khác nhau.

 

Tất cả điều này đều diễn ra khi Abagnale chưa tròn 20 tuổi. Đặc biệt, y gần như có mặt thường xuyên trên các chuyến máy chở khách để đi khắp thế giới khi tự nhận mình là phi công của Hãng hàng không PanAm.

 

Chỉ trong có 5 năm, Abagnale đã trải qua đến 8 nghề, và những trò bịp bợm của y đã gây thiệt hại trên diện rộng với nạn nhân là các ngân hàng tại 26 nước trên thế giới.

 

Trong cuộc đời của mình, Abagnale đã thủ rất nhiều “vai” như giáo sư xã hội học, bác sĩ nhi khoa trong một bệnh viện ở bang Georgia... Tuy nhiên, chiến tích lẫy lừng nhất của y là tự “vẽ” cho mình bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Harvard để được nhận vào làm việc tại văn phòng của Tổng chưởng lý bang Louisiana.

 

Điều trớ trêu là, Abagnale bắt đầu “khởi nghiệp” khi mới có 16 tuổi và nạn nhân đầu tiên lại chính là cha đẻ của y. Năm 21 tuổi thì Abagnale bị bắt, nhưng sau đó thì được tha và đầu quân cho Cục Điều tra liên bang (FBI) với vai trò là chuyên gia chống làm giả.

 

Những cuộc phiêu lưu của y đã trở thành cảm hứng để dựng thành bộ phim nổi tiếng “Hãy bắt tôi nếu như có thể” với diễn xuất của nam tài tử Leonardo Di Caprio trong vai chính.

 

Anh Nguyễn

Tổng hợp