1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỹ sư chương trình tàu sân bay Trung Quốc đột tử do quá căng thẳng?

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc hôm qua 26/11 ca ngợi kỹ sư cấp cao Luo Yuan trong chương trình tàu sân bay của nước này là “anh hùng”. Ông qua đời vì đau tim sau khi giám sát cuộc hạ cánh đầu tiên của chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh cuối tuần qua.

Trung Quốc khoe ảnh chiến đấu cơ tự chế hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Ông Luo đột tử sau khi giám sát cuộc hạ cánh đầu tiên của chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh vào cuối tuần qua.
 

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã phát tin về cái chết của ông Luo Yuan ngay đầu bản tin chiều qua 26/11, nhằm vinh danh nhà khoa học nổi tiếng trong giới làm chương trình tàu sân bay của nước này. Ông Luo, 51 tuổi, đã giám sát quá trình phát triển chiến đấu cơ ném bom J-15, được thiết kế riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc do nước này tân trang lại từ một vỏ tàu cũ của Liên Xô.

 

Điều này chứng tỏ Bắc Kinh coi trọng và đặt ưu tiên hàng đầu cho chương trình tàu sân bay, chương trình thể hiện sức mạnh đi lên của Trung Quốc từ một nước nghèo đói trở thành một cường quốc mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự trong vài thập niên qua. Tàu sân bay Liêu Ninh được xem là “bản lề” cho các tàu sân bay trong tương lai do Trung Quốc sản xuất.

 

Có rất ít thông tin về ông Luo, người qua đời vào hôm chủ nhận vừa qua. Được biết ông là người gốc Thẩm Dương, là chủ tịch công ty máy bay Thẩm Dương, chi nhánh của Tập đoàn công nghiệp máy bay nhà nước Trung Quốc. Công ty của ông đã sản xuất hàng ngàn chiến đấu cơ quân sự hiện đại và nhiều chiếc, như J-15 được cho là lấy từ các mẫu của Nga.

 

Các học giả Trung Quốc được chỉ định làm việc cho các dự án của chính phủ như dự án tàu sân bay thường gánh chịu áp lực lớn và căng thẳng được xem là một trong những “thủ phạm” lớn nhất của các nhà trí thức nước này. Trung Quốc đã trải qua rất nhiều khó khăn về kỹ thuật để có thể phát triển được chiếc tàu sân bay chạy được trên mặt biển Liêu Ninh, sau khi mua lại vỏ tàu mới hoàn thành một nửa từ Ukraine. Chiếc tàu đã được kéo về Trung Quốc mà không có động cơ, vũ khí hay các hệ thống dẫn đường hàng hải.

 

Hầu hết quá trình tái phát triển tàu Liêu Ninh được thực hiện ở cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc. Hôm chủ nhật vừa qua, khi ông Luo qua đời, tàu Liêu Ninh vừa mới trở về sau đợt thử nghiệm mới nhất trên biển.

 

Mặc dù đã đạt được bước tiến bước ngoặt trong hoạt động trên không, Liêu Ninh vẫn còn mất nhiều năm nữa mới có khả năng tham chiến như các tàu sân bay của Mỹ, Nga. Hải quân Trung Quốc vẫn cần phải chứng tỏ tàu có thể triển khai được một lượng lớn máy bay cùng lúc và tổ chức được một nhóm tàu chiến sân bay, bao gồm cả tàu ngầm và tàu hộ tống.

 

“Cuộc hạ cánh đầu tiên có thể là một bước ngoặt, nhưng mới chỉ là khởi đầu”, Toshi Yoshihara, giáo sư nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại đại học Chiến tranh hải quân Mỹ tại Đảo Rhode cho hay.

 

Trong khi đó tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua 26/11 cho biết Mỹ tiếp tục theo dõi sát những phát triển về quân sự của Trung Quốc.

 

Người phát ngôn Victoria Nuland kêu gọi Bắc Kinh minh bạch nhất có thể về khả năng cũng như dự tính quân sự của mình và dùng khả năng đó, trong đó có cả tàu sân bay, theo hướng xây dựng, đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Vũ Quý

Theo AP