1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất trong 17 năm bất chấp cấm vận

(Dân trí) - Nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2016 đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong vòng 17 năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt liên tiếp của cộng đồng quốc tế nhằm kìm hãm chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Người dân Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Người dân Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Reuters dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015. Trước đó, nền kinh tế Triều Tiên bị sụt giảm do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và giá hàng hóa xuống thấp.

Theo báo cáo của ngân hàng Hàn Quốc, GDP thực tế của Triều Tiên năm 2016 đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). Trong khi đó, GDP cùng năm của Hàn Quốc đạt 1.508,3 nghìn tỷ won (tương đương 1,34 nghìn tỷ USD).

Theo đó, 2016 là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999 - khi nền kinh tế của nước này tăng 6,1%.

Thống kê của ngân hàng Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu của Triều Tiên năm 2016 đạt mức tăng cao nhất kể từ sau mức tăng 11,8% hồi năm 2013. Tổng sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên, không bao gồm trao đổi thương mại với Hàn Quốc, tăng 4,6% trong năm 2016, đạt 2,82 tỷ USD nhờ vào việc xuất khẩu các mặt hàng từ cá.

Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu của Triều Tiên tăng 4,8%, đạt 3,73 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là sản phẩm công nghiệp và hàng dệt may.

Khai khoáng và sản xuất vẫn là hai ngành phát triển mạnh nhất trong nền công nghiệp Triều Tiên, chiếm khoảng 33,2% tổng sản lượng công nghiệp trong năm 2016.

Báo cáo của ngân hàng Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên giảm 87,7% trong năm 2016 do khu công nghiệp chung Kaesong giữa hai nước bị đóng cửa. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm 92,5% tổng kim ngạch thương mại của Bình Nhưỡng trong năm 2016.

Mặc dù Triều Tiên không công bố các số liệu về kinh tế nhưng Ngân hàng Hàn Quốc vẫn duy trì việc cung cấp các dữ liệu về kinh tế Triều Tiên từ năm 1991 đến nay. Các dữ liệu này được đưa ra dựa trên các thông tin thu thập được từ các cơ quan của chính phủ, gồm Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Cơ quan Tình báo Quốc gia.

Triều Tiên đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 đến nay liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử tên lửa của nước này.

Thành Đạt

Tổng hợp