1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kiểm lâm đấu không lại lâm tặc

Thế giới cần những nhân viên kiểm lâm bảo vệ đời sống hoang dã ngày càng bị lâm tặc phá tan, nhưng đa số nhân viên kiểm lâm châu Phi chẳng nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Họ cũng trở thành nạn nhân chịu chết vì những nhát rựa của bọn phá rừng, săn trộm…

Theo báo Guardian, bọn lâm tặc ngày càng lộng hành, mỗi năm có hàng chục kiểm lâm người châu Phi bị những tên săn trộm có tổ chức và trang bị vũ khí giết chết, trong cuộc xung đột đẫm máu ở vùng hoang dã của châu lục đen.

Số phận bạc bẽo của người kiểm lâm

“Quỹ Tuyến Xanh mong manh” (một tổ chức phi chính phủ ở Úc) chuyên hỗ trợ gia đình của các kiểm lâm bị giết, cho biết trên toàn thế giới có 1.000 kiểm lâm “hy sinh khi làm nhiệm vụ” trong 10 năm qua, 75% số vụ giết người này do bọn săn trộm thương mại và các tổ chức bán quân sự thực hiện, trong khi kiểm lâm thường trang bị kém, lương ít và thường không được tôn trọng.

Nhiều kiểm lâm không hề được chính quyền thăm hỏi, hỗ trợ đời sống. Kiểm lâm ở Kenya và Tanzania hưởng mức lương quá “bèo”, chỉ khoảng 50-60 USD/tháng và kiểm lâm bị giết, gia đình của họ thường bị bỏ mặc.

Quỹ Hoang dã thế giới (WWF) cũng đã tiến hành một thăm dò với 570 kiểm lâm ở 12 quốc gia châu Phi, nêu bật điều kiện làm việc khó khăn của họ: 82% kiểm lâm được hỏi cho biết họ luôn phải đối mặt những tình huống đe dọa mạng sống (do bọn săn trộm hoặc hung thủ gây ra), 59% nhận định họ không được trang bị phương tiện làm việc tốt (như giày bốt, lều, thiết bị định vị toàn cầu GPS), 42% thừa nhận họ không được huấn luyện bài bản, 75% bị lâm tặc đe dọa, và 77% mỗi tháng chỉ gặp gia đình (vợ chồng, con cái) khoảng 10 ngày hoặc ít hơn.

Kiểm lâm Nam Phi phải đạp xe tuần tra trong Công viên quốc gia Kruger.
Kiểm lâm Nam Phi phải đạp xe tuần tra trong Công viên quốc gia Kruger.

Một nghiên cứu khác của WWF ở 10 quốc gia châu Phi phát hiện chỉ có 60% kiểm lâm có bảo hiểm sức khỏe, 50% có bảo hiểm nhân thọ, 40% có bảo hiểm thương tật lâu dài.

Anna Phiri được 15 tuổi khi mẹ cô, một kiểm lâm ở Zambia bị bọn lâm tặc giết chết. Ngày 2-9-2010, bà Esnart Paundi và một đồng nghiệp đang canh gác 2 tên lâm tặc bị họ bắt quả tang đang xả thịt rừng. Nhưng tên lâm tặc thứ ba núp trong bụi rậm đã nhảy xổ ra và dùng rìu xả xuống đầu bà.

Paundi không vũ khí phải bỏ chạy, nhưng bọn chúng đã rượt theo rồi giết người nữ kiểm lâm 38 tuổi phải nuôi 5 đứa con. Bà Paundi chết khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ đời sống hoang dã của Gambia nhưng bà không thể mua bảo hiểm nhân thọ, con bà phải chịu cảnh mồ côi, chính quyền không hỗ trợ gia đình bà. Phiri kể với báo New York Times: “Họ thậm chí chẳng nói gì với chúng tôi”.

Sean Willmore, người lập “Quỹ Tuyến Xanh mong manh”, nói: “Hãy tưởng tượng sự sup sụp tinh thần thế nào, khi phải chứng kiến một đồng nghiệp bị giết, rồi phải chứng kiến gia đình họ bị buộc rời khỏi nhà, con gái họ không được đến trường vì họ không được trả lương và không được một lời cảm ơn vì sự hy sinh”.

Theo ông Willmore thì đạo đức giữ vai trò lớn trong việc kéo giảm nạn săn trộm. Và việc chính quyền tham nhũng khiến nghề kiểm lâm trở nên khó khăn hơn ở nhiều vùng thuộc châu Phi: “Bọn săn trộm có sự bảo kê của không ít quan chức nhiều nước. Nhưng kiểm lâm vẫn lâm vào rắc rối dù ở nơi họ làm việc không có tham nhũng”.

Từ hai năm qua, “Quỹ Tuyến Xanh mong manh” đã chi 1,2 triệu USD để mua phương tiện làm việc và huấn luyện cho kiểm lâm, hỗ trợ cho hơn 150 gia đình của các kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ, như gia đình của bà Paundi. Con cái của bà được Quỹ này giúp đi học.

Tổ chức từ thiện “Vì Kiểm lâm” cũng đã tặng xe, dụng cụ y tế trị giá 200.000 USD và giúp đỡ gia đình cho các kiểm lâm ở 10 công viên quốc gia trên toàn châu Phi kể từ tháng 4-2014 đến nay. “Vì Kiểm lâm” quyên được tiền từ những sự kiện thể thao cực đoan, do Peter Newland lập.

Newland là Giám đốc huấn luyện của Công ty bảo vệ tư nhân 51 Độ ở Kenya. Ông nói: “Các Mạnh thường quân ở ngoài châu Phi muốn có những giải pháp kỹ thuật cao, như máy bay không người lái, thiết bị cảm ứng trên bộ, chứ họ chưa hề biết kiểm lâm ở đây cần giày bốt, quần áo ấm và thức ăn ngon. Không có tổ chức phi chính phủ lớn nào có thể chi nhiều tiền, nên có nhiều kiểm lâm xin tôi tặng vớ (bít tất)”.

Kiểm lâm bị giết vì dân châu Á thích sừng tê giác

Ngày 29-1-2016, nhà bảo tồn môi trường Roger Gower 37 tuổi thuộc Quỹ Bảo tồn Friedkin lái trực thăng trên Công viên bảo tồn Maswa của Tanzania, trông thấy xác một con voi đẫm máu nằm chết dưới đất. Bỗng một tràng đạn súng máy đâm thủng sàn trực thăng, găm vào người Gower rồi xuyên thủng trần.

Gower bị thương nặng nhưng ông đã cố gắng hạ cánh trước khi qua đời, còn hướng dẫn viên Nick Bester phải trốn vào rừng. Sau này, 9 nghi can bị bắt, 4 tên bị buộc tội giết người. 5 tên còn lại bị buộc tội phá hoại kinh tế và tàng trữ vũ khí trái phép, và mỗi tên bị kết án 20 năm tù.

Những gì xảy ra ở châu Phi hiện không như cuộc khủng hoảng săn trộm thời những năm 1980, khi các tay lâm tặc sử dụng vũ khí thô sơ. Vì nhu cầu hưởng thụ “hàng độc lạ” ngày càng tăng, nhất là người châu Á “thích đủ thứ” từ ngà voi, thịt tê tê và người châu Phi thèm xơi thịt rừng, các tập đoàn buôn lậu đời sống hoang dã nhà nghề hiện có đủ nguồn lực, điều kiện tài chính để trang bị cho bọn phá rừng những vũ khí và phương tiện “ngon lành” hơn phương tiện làm việc của kiểm lâm địa phương. “Đồ chơi” của chúng có cả những phương tiện quân dụng như: trực thăng, súng máy, ống nhòm hồng ngoại tuyến và xe bọc thép.

Kiểm lâm đấu không lại lâm tặc - 2

Theo Guardian, giới giàu xổi châu Á ngày càng thích dùng bột sừng tê giác, nên có thị trường mới trong lĩnh vực buôn lậu trái phép mặt hàng nay là đối thủ của vàng về giá trị này. Nhiều người tưởng bột sừng tê giác là bài thuốc chữa bách bệnh, nên ở những bữa tiệc của các “đại gia” vô học, sừng tê giác là “thức uống thời thượng” và các trang web quảng cáo là “rượu của triệu phú” khi sừng được cắt vụn và pha với rượu.

Sừng tê giác chứa nhiều protéin keratin và từ lâu được Đông y sử dụng vào các bài thuốc. Nhưng các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ lợi ích y tế nào từ sừng tê giác. Họ nói “nhai bột sừng tê giác chẳng khác gặm móng tay người”.

Dù vậy, chiếc sừng vẫn bán được giá cao ở chợ đen: 1kg có giá từ 65.000 - 75.000USD và Tổ chức Cảnh sát châu Âu (EUROPOL) nói tùy theo kích cỡ và chất lượng, một chiếc sừng tê giác có thể bán được từ 25.000 - 200.000 euro. Nạn buôn lậu đời sống hoang dã cũng đạt 10 tỷ USD/năm. Số tiền này kích thích bạo lực cực đoan và khiến có chuyện hiện đại hóa vũ khí và phương tiện cho đường dây lâm tặc, và mỗi con tê giác hoặc voi chết càng làm tăng giá trị của những con còn sống.

Bọn lâm tặc đời mới sử dụng vũ khí quân dụng vốn được các tổ chức tội ác mua về, lợi dụng tình hình chính trị - xã hội bất ổn ở Libya, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Mali và Somalia. Các tổ chức khủng bố ở miền Trung châu Phi thường lấy chuyện săn trộm để có kinh phí hoạt động, và thậm chí các đơn vị quân đội quốc gia tham nhũng cũng dính líu vào hoạt động lâm tặc.

Trong báo cáo năm 2015 của Tổ chức Thống kê vũ khí nhỏ (do nhiều chính phủ tài trợ) dẫn lời các nhà quan sát độc lập khẳng định “quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là các tay săn trộm ngà voi bạo tàn nhất, chịu trách nhiệm trên 75% tổng số vụ săn trộm ở 9/11 địa bàn điều tra số voi ở DRC”.

Hậu quả là những vùng sinh thái như Công viên Quốc gia Kruger (Nam Phi) trở thành những vùng chiến sự. Công viên 20.000 km2 này là nơi sinh sống của đa số tê giác còn sống của châu Phi, và giáp giới Mozambique, nơi chính quyền tham nhũng và bất lực về kinh tế dẫn đến đói nghèo cùng cực và là một địa bàn dung dưỡng lâm tặc. Năm 2016, Kruger mất 1.175 con tê giác vào tay bọn săn trộm (đa số là người Mozambique). Kiểm lâm thuộc công viên này nay cần được huấn luyện kỹ năng quân sự, đã tiêu diệt khoảng 500 tên săn trộm Mozambique từ năm 2011 đến 2015.

Tướng Johan Jooste, hiện là chỉ huy nỗ lực chống lâm tặc của Nam Phi, nói: “Chúng tôi đang có “một cuộc chiến tranh” bảo vệ tê giác trong Công viên Kruger, vì sừng tê giác có giá trị hơn cả vàng hoặc platinum. Đấy là mặt hàng đắt giá nhất thế giới. Trên khắp châu Phi, kiểm lâm đang giữ vai trò quân sự để chống bọn săn trộm. Chúng tôi phải quân sự hóa đội ngũ kiểm lâm, vì vấn nạn này sẽ không kết thúc”.

Luật Nam Phi cấm kiểm lâm hoạt động gây chết người, nên họ phải bằng mọi cách bắt sống lâm tặc, đòi hỏi mất nhiều thời gian và nguồn lực.

Với khoảng 500 kiểm lâm dưới quyền tướng Jooste, một công viên quốc gia lớn như Kruger thì họ chỉ có thể tuần tra một vùng nhỏ trong mỗi lần làm nhiệm vụ. Nhiều kẻ săn trộm ở đây không phải là dân nghèo kiếm tiền sống qua ngày. Họ thường là tội phạm chuyên nghiệp, có kỹ năng sống sót trong tự nhiên và rành sử dụng vũ khí hạng nặng.

Ông Jooste nói đó là tổ chức tội phạm quốc tế, cực giàu và không hề sợ pháp luật, có nguồn tin tình báo tốt và tài lực “bao la”.

Theo Bảo Vĩnh (tổng hợp)

Cảnh sát toàn cầu