1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang rất nguy hiểm

(Dân trí) - Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang gây nguy hiểm cho nền kinh tế của ít nhất 5 nước Liên minh châu Âu (EU) khác - người đứng đầu nhóm bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone cảnh báo, khi nhóm này chưa thỏa thuận được gói cứu trợ thứ 2 cho Hy Lạp.

 
Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang rất nguy hiểm  - 1
Biểu tình đã xảy ra ở Hy Lạp để phản đối chiến dịch thắt lưng buộc bụng của Thủ tướng George Papandreou.
 
Thủ tướng Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker, cho biết Đức đang “đùa với lửa” với kế hoạch liên quan đến các chủ nợ tư trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các nhà đầu tư tư nhân cần được khuyến khích chia sẻ một số gánh nặng nợ Hy Lạp bằng cách cho phép nước này có thêm thời gian trả nợ.

Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho biết, trừ phi được quản lý đúng cách, cuộc khủng hoảng “có thể lây truyền sang Bồ Đào Nha và Ireland, và sau đó là Bỉ và Italia vì gánh nặng nợ nần cao ở các nước đó, thậm chí vi phạm trước cả Tây Ban Nha”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders cảnh báo Hy Lạp phải được cứu trợ tài chính một lần nữa, nếu không, châu Âu có nguy cơ sẽ đối mặt với các rắc rối lớn hơn từ một hiệu ứng đôminô.

Hiện các chính trị gia trong lẫn ngoài Hy Lạp đang vội vã tiếp cứu quốc gia nhiều công nợ này, hy vọng vấn đề của Athens sẽ không lôi kéo cả châu Âu vào một cuộc khủng hoảng to lớn hơn.

Các bộ trưởng tài chính khối sử dụng đồng euro dự kiến sẽ ra các khoản cho vay 12 tỷ euro vào cuối ngày 19/6. Nhưng hôm qua, sau hai ngày họp tại Luxembourg, bộ trưởng tài chính các nước khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức liên quan đến gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp và tiếp tục gây sức ép yêu cầu Athens áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ.

Các khoản vay 12 tỷ euro là đợt mới nhất trong gói cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được đồng ý hồi tháng 5/2010, với tổng trị giá là 110 tỷ euro. Hy Lạp cần từ IMF 12 tỷ euro và khoản vay từ EU nhằm tránh bị vỡ nợ đối với các khoản đến hạn phải trả trong vài tháng tới. Nhưng tiền được cung cấp với điều kiện chính phủ phải thực hiện một loạt cải cách đau đớn trong nước, vốn đã gây ra cuộc đình công toàn quốc, cùng các cuộc biểu tình bạo lực và bạo loạn trên đường phố thủ đô.

Nhưng nhiều người nghi ngờ về việc liệu con số đó có đủ để cứu nền kinh tế của đất nước hay không. Hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành trước tòa nhà quốc hội Hy Lạp để bày tỏ sự tiếp tục tức giận trước chiến dịch thắt lưng buộc bụng của Thủ tướng George Papandreou, vốn sẽ dẫn tới những cắt giảm đáng kể các dịch vụ công cộng và việc phải bán đi các doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc cải tổ nhân sự ngày 17/6, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã chỉ định đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Evangelos Venizelos làm Bộ trưởng Tài chính mới, trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng.

Việt Hà
Theo BBC, Reuters