1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi gái mại dâm muốn truy tố khách làng chơi

(Dân trí) - Trong suốt thời kỳ làm gái mại dâm ở New Zealand, Sabrinna Valisce đã vận động để hợp pháp hóa mại dâm. Nhưng khi điều đó thực sự xảy ra, cô đã thay đổi quan điểm và lập luận rằng những ai sử dụng dịch vụ này cần phải bị truy tố.

Cô Sabrinna Valisce. (Ảnh: Sabrinna Valisce )
Cô Sabrinna Valisce. (Ảnh: Sabrinna Valisce )

Dòng đời xô đẩy

Khi người cha ruột tự sát vào năm 12 tuổi, cuộc đời Sabrinna Valisce đã đi sang một ngã rẽ khác. Trong vòng 2 năm, mẹ cô tái hôn và gia đình mới chuyển từ Australia sang Wellington, New Zealand.

Valisce nhớ lại: "Tôi rất bất hạnh. Cha dượng tôi vũ phu và không có ai để trò chuyện". Cô mơ ước trở thành một vũ công chuyên nghiệp và muốn mở một lớp ballet tại trường học. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, Valisce đã phải ra đường phố, bán dâm để sống sót.

Câu chuyện bắt đầu khi cô đi bộ qua một công viên trên đường về nhà, một người đàn ông đã đưa 100 USD để gạ gẫm cô. "Tôi đang mặc đồng phục trường nên không thể bị nhầm tuổi", cô nói.

Với số tiền đó, Valisce bỏ trốn khỏi gia đình đến Auckland, nơi có một chi nhánh Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA). Cô cố gọi điện nhờ giúp đỡ từ buồng điện thoại bên ngoài ký túc xá, nhưng máy bận. Một cảnh sát tiến đến hỏi, anh ta không tin những gì Valisce trả lời và đẩy cô vào tường để khám xét, tìm bao cao su vì cho rằng cô là gái đứng đường. Phía sau chi nhánh YCMA là phố Karangahape, địa chỉ mại dâm nổi tiếng.

Sau cú sốc đó, Valisce đã quyết định đến đường Karangahape, bắt đầu bước chân vào con đường mại dâm chuyên nghiệp. Cô được một gái mại dâm khác hướng dẫn cách hành nghề và tặng cô vài chiếc bao cao su.

“Cô ấy tên Samoan, rất trẻ nhưng rõ ràng đã dày dạn ở đó”. Valisce nhớ lại. Sau hai năm đứng đường, Valisce đến thăm Hợp tác xã mại dâm New Zealand (NZPC) ở Christchurch và trở thành điều phối viên một tiệm massage. Lúc này cô là người ủng hộ nhiệt tình cho chiến dịch kêu gọi phi hình sự hóa tất cả các hoạt động mại dâm, bao gồm cả những những người môi giới mại dâm.

Vỡ mộng


Phố mại dâm Karangahape trong một bức ảnh năm 2003 (Ảnh: Getty)

Phố mại dâm Karangahape trong một bức ảnh năm 2003 (Ảnh: Getty)

Năm 2003, New Zealand chính thức phi hình sự hóa mại dâm. Valisce đã tham dự bữa tiệc mừng của tập thể gái mại dâm nơi mình làm việc.

Nhưng rồi cô nhanh chóng vỡ mộng.

Đạo luật cải cách mại dâm cho phép các nhà chứa hoạt động như mọi nghề hợp pháp khác, mô hình thường được ca ngợi như lựa chọn an toàn nhất cho phụ nữ trong thương mại tình dục. Tại Anh, Ủy ban Nội vụ đang cân nhắc một số hướng tiếp cận khác nhau đối với mại dâm, bao gồm cả việc phi hình sự hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, Valisce nói rằng ở New Zealand điều đó là thảm hoạ, và chỉ có lợi cho người môi giới và khách làng chơi.

"Tôi đã nghĩ rằng nó mang lại nhiều quyền lực hơn cho phụ nữ," cô nói. "Nhưng rồi tôi sớm nhận ra thực tế là ngược lại”. Vấn đề là Đạo luật cải cách mại dâm cho phép chủ nhà chứa cung cấp cho khách mua dâm một thỏa thuận trọn gói, trong đó họ sẽ trả tiền để được làm bất cứ điều gì mình muốn.

Tuy nhiên điều khiến Valisce băn khoăn chính là việc này đã khiến gái mại dâm mất đi hoàn toàn quyền tự quyết cho bản thân. Họ không thể tự định giá, không thể lựa chọn phục vụ điều họ muốn làm. Đây là những điều cốt lõi mà Valisce kỳ vọng khi đạo luật hợp pháp hóa mại dâm được thông qua, nhưng cô đã thật sự “vỡ mộng”.

Ở tuổi 40, Valisce đến một nhà chứa ở Wellington, New Zealand để làm việc, và bị sốc bởi những gì cô thấy. "Trong lần thay ca đầu tiên, tôi thấy một cô gái chạy tới, hoảng loạn, run bần bật, khóc và không thể nói được. Nhân viên phụ trách gào lên, ra lệnh cô ấy quay trở lại làm việc. Tôi đã rời đi ngay lập tức", cô nói.

Valisce đã kể lại chuyện này cho Hiệp hội gái mại dâm và hỏi liệu có phương pháp hay một có thể bảo vệ quyền lợi cho những cô gái mại dâm trong trường hợp này hay không. Nhưng Valisce hoàn toàn bị phớt lờ. Sau đó, cô cũng đã rời khỏi hiệp hội này.

Cho đến trước khi bỏ đi, Valisce đã coi đây là nơi duy nhất ủng hộ cô, không phán xét hay đánh giá vì cô làm nghề mại dâm. Nhưng chính những tháng ngày làm tình nguyện ở tổ chức, cô dần dần đã hình thành tư tưởng chống lại chế độ nô lệ trong mại dâm.

Phản đối thương mại hóa tình dục

Quảng cáo tuyển dụng gái mại dâm của một nhà thổ ở New Zealand. (Ảnh: Getty)
Quảng cáo tuyển dụng gái mại dâm của một nhà thổ ở New Zealand. (Ảnh: Getty)

Valisce bỏ nghề mại dâm vào đầu năm 2011, chuyển tới Gold Coast, Queensland, Australia, cố gắng tìm kiếm hướng đi mới trong cuộc sống. Khi người hàng xóm cố gắng dụ dỗ cô vào nghề mại dâm trực tuyến, cô đã từ chối một cách lịch sự. Valisce nói: "Tôi cảm thấy như mình có dấu "gái mại dâm" đóng trên trán vậy, làm sao mà cô ấy biết được? Giờ đây, tôi nhận ra lý do duy nhất chỉ vì mình là phụ nữ". Sau đó người hàng xóm đã lăng mạ Valisce bất cứ lúc nào nhìn thấy cô.

Valisce bắt đầu gặp các nhà bình quyền nữ chống lại việc phi hình sự hóa mại dâm, và mô tả mình là người theo chủ nghĩa bãi nô. Mô hình này hiện đang được xem xét bởi Ủy ban Nội vụ Anh, chỉ truy tố những kẻ ma cô và khách mua dâm, trong khi không truy tố người hành nghề mại dâm.

Valisce thành lập nhóm Nữ quyền cấp tiến Australia và được mời đến dự hội nghị tổ chức tại Đại học Melbourne vào năm ngoái. Đây là sự kiện đầu tiên chống lại hoạt động mại dâm được tổ chức ở Australia, nơi nhiều bang đã hợp pháp hóa thương mại tình dục.

Cô mô tả giai đoạn trở thành nhà hoạt động nữ quyền chống lại thương mại tình dục, và cảm thấy mình được giải phóng khỏi quá khứ, "bắt đầu cuộc sống mới", cô nói.

Sau khi hội nghị kết thúc, Valisce đi khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn sau chấn thương tâm lý (PTSD). "Đó là hệ quả của giai đoạn làm nghề mại dâm - ảnh hưởng khá xấu nhưng tôi giấu giếm được. Sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm lại các cảm xúc" cô nói.

Đối với Valisce, phương pháp điều trị tốt nhất là giúp đỡ mọi cô gái định đặt chân vào con đường mại dâm, và sát cánh với những ai sẵn sàng hành động để vạch trần hậu quả do mại dâm gây ra.

Đỗ Anh

Theo BBC