1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khi cử tri "vẽ lại" nền chính trị nước Pháp

Cuộc đua khó đoán định trong vòng một bầu cử tổng thống Pháp ngày 23-4 vừa qua cuối cùng cũng xác định được hai ứng cử viên đi tiếp vào vòng hai. Xen lẫn những cảm xúc vui-buồn của người thắng, người thua là sự háo hức trong lòng nhiều cử tri chờ thời khắc bước vào một kỷ nguyên chính trị mới sau hai tuần nữa.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay có 11 ứng cử viên tham gia, nhưng thực chất là cuộc đua “tứ mã” sít sao với các gương mặt cũ có, mới có, có bề dày kinh nghiệm chính trường cũng như chưa một lần là nghị sĩ... Điều này càng khiến cho cuộc bầu cử trở nên khó đoán định hơn so với thời điểm 5 năm trước đây.

Trong vô số kịch bản được đưa ra trong các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử, kịch bản đối đầu giữa ông Emmanuel Macron, ứng cử viên độc lập theo tư tưởng trung dung và bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) ở vòng hai cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Với tỷ lệ ủng hộ sít sao lần lượt là 23,9% và 21,4%, ông Macron và bà Le Pen cùng dắt tay nhau bước vào cuộc bầu cử vòng hai diễn ra ngày 7-5 tới. Trong khi đó, cựu Thủ tướng François Fillon, đại diện của đảng Những người Cộng hòa (LR) giành được 19,9%, còn nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Mélenchon nhận được 19,6% số phiếu ủng hộ.

Công dân Pháp sống ở Tunisia đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại thành phố Tunis ngày 23-4 - Ảnh: Reuters
Công dân Pháp sống ở Tunisia đi bỏ phiếu bầu tổng thống tại thành phố Tunis ngày 23-4 - Ảnh: Reuters

Kết quả vòng một tuy không có nhiều bất ngờ, song đã tạo ra bước ngoặt trong chính trường Pháp khi nó “vẽ lại nền chính trị nước Pháp”. Dù kết quả bầu cử vòng hai có như thế nào đi chăng nữa thì lần đầu tiên kể từ năm 1981, cả hai đảng lớn là đảng LR và đảng Xã hội (PS) Pháp đều mất quyền lãnh đạo đất nước.

Nếu trong cuộc bầu cử năm 2012, tỷ lệ cử tri ủng hộ hai đảng này là 56% thì nay con số chỉ chưa đầy một nửa, còn 26%. “Một thất bại lịch sử cho thấy nước Pháp đang bị chia rẽ đến mức độ nào và uy tín của các đảng phái lớn, từng cầm quyền ở Pháp nhiều thập kỷ qua đã sa sút ra sao”, tờ Le Monde của Pháp nhận định.

Thắng lợi của ông Macron và bà Le Pen ở vòng một cũng cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong sự lựa chọn của cử tri. Xuyên suốt chiến dịch tranh cử là làn sóng phản đối chính giới cùng sự bất mãn của người dân từ tình trạng kinh tế bất ổn đến những quan ngại về an ninh.

Chưa bao giờ nước Pháp phải đối mặt với thách thức “khủng bố” như trong thời điểm hiện tại. Ngay trước thềm cuộc bầu cử cũng đã diễn ra vụ tấn công khủng bố ở Khải Hoàn Môn, một biểu tượng về chiến thắng và sức mạnh của nước Pháp.

Và lẽ dĩ nhiên, (chống) khủng bố đã trở thành chủ đề vận động bao trùm của các ứng viên trong những giờ cuối cùng trước khi cử tri bỏ lá phiếu quyết định. Ai cũng muốn chứng tỏ mình là sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí lãnh đạo đất nước để bảo đảm an toàn cho người dân. Ứng viên Fillon một lần nữa kêu gọi các biện pháp đối phó với “các mối đe dọa đã nhận diện” và “những thầy tu cực đoan”.

Trong khi đó, ứng viên phe cực hữu Le Pen lặp lại “câu thần chú” nổi tiếng của bà, rằng Pháp phải rút khỏi khu vực tự do đi lại trong EU (Schengen), đóng cửa biên giới và chấm dứt “nhập cư ngoài tầm kiểm soát”.

Tất nhiên, người Pháp không để bất cứ điều gì thay đổi kế hoạch bầu cử vào ngày 23-4, và vụ tấn công khủng bố mới đây cũng không thể khiến họ sợ hãi, bởi đơn giản họ không cho phép những kẻ khủng bố được đắc ý. Chỉ có điều, dù ít dù nhiều, vụ việc cũng tác động đến lá phiếu của không ít cử tri, khiến họ phải cân nhắc nhiều hơn khi thực hiện nghĩa vụ công dân trong bối cảnh đầy phức tạp hiện nay.

Bên cạnh đó, quá chán nản với những vụ bê bối liên quan đến “việc trả tiền lương thật”, “nhận hối lộ” trong giới chính trị Pháp, nhiều cử tri đã chống lại các chính đảng truyền thống và quay sang ủng hộ phong trào trung dung của ông Macron và trào lưu dân túy của bà Le Pen.

Bầu cử vòng hai giữa bà Le Pen và ông Macron được xem như là cuộc đối đầu giữa "nước Pháp mới" và "nước Pháp cũ", giữa "sự co cụm" và "mở cửa, cởi mở", giữa một nước Pháp "tự do và độc lập" và "một nước Pháp "hội nhập với châu Âu". Với quan điểm đối lập trên, hai nhân vật này được cho là sẽ mang lại cho nước Pháp hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau.

Với phòng trào “Tiến bước" mới ra đời của mình, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron chủ trương chính sách theo “đường lối vừa tự do, nhưng vẫn giữ xu hướng thiên tả". Nét chính trong cương lĩnh tranh cử của ông Macron là nỗ lực giảm bội chi ngân sách và nợ công, với mục tiêu tiết kiệm 60 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm nhờ giảm đội ngũ viên chức nhà nước và cắt bớt ngân sách cho các chính quyền cấp vùng.

Chính trị gia 39 tuổi này cũng mong muốn đẩy mạnh hội nhập chính trị, kinh tế, tài chính trong Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone); duy trì Hiệp định tự do đi lại trong khối Shengen, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới ngoài EU. Ông Macron cũng muốn hợp tác với Đức để xây dựng “một EU hoàn toàn mới”.

Trong khi đó, đối thủ ở vòng hai của ông Macron, bà Le Pen sẽ tập trung đưa nước Pháp ra khỏi Eurozone và chặn đứng dòng người nhập cư. Tuy có thể không đóng sập cửa hoàn toàn, nhưng nếu chiến thắng, bà sẽ hạn chế lượng người nhập cảnh hợp pháp vào Pháp ở mức 10.000 lượt người mỗi năm, tức là chỉ bằng 1/20 mức hiện nay.

Bà cũng khẳng định sẽ thực hiện nhiều đề xuất gây sốc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU nhằm đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và tìm kiếm các không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng euro…

Chỉ còn hai tuần nữa sẽ đến vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Lợi thế chênh lệch khá sít sao hiện đang nghiêng về ông Macron không có nghĩa ông đã hoàn toàn thuyết phục được cử tri, mà chủ yếu do tâm lý lo ngại đảng cực hữu lên cầm quyền. Cơ hội để "hiện tượng Macron" trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất nước Pháp đang hiện rõ dần, tùy thuộc rất nhiều vào những cử tri đã bỏ phiếu cho các ứng viên thất bại trong vòng một vừa qua có chuyển hướng sang ủng hộ ông hay không.

Tuy nhiên, không thể hoàn toàn loại trừ một “cơn địa chấn” chính trị với chiến thắng thuộc về bà Le Pen trong vòng hai. Kinh nghiệm cho thấy việc khéo léo khai thác nỗi bất an của người dân trước nguy cơ khủng bố cũng như hiện tượng nhập cư bất hợp pháp đã từng mang lại những kết quả choáng váng trong những sự kiện được quyết định bởi các lá phiếu của số đông cử tri.

Đây là điều mà EU vô cùng lo ngại. Sau việc nước Anh quyết định ra khỏi EU (Brexit), thắng cử của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, cú thoát hiểm của Chính phủ Hà Lan ở cuộc bầu cử quốc hội tháng 3-2017 và những diễn biến ở nước Pháp trong thời gian vừa qua… thì những lo ngại sâu sắc và tâm trạng bất an trong EU là hoàn toàn có cơ sở. Dù chuyện xảy ra ở Mỹ hay Anh, Hà Lan hay Pháp thì cũng đều buộc EU phải ngẫm nghĩ và nhìn lại chính mình.

Tương lai của quốc gia hình lục lăng và có thể cả châu Âu đang phụ thuộc vào kết quả vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 7-5 tới.

Theo Linh Oanh

Quân đội nhân dân