1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khả năng săn ngầm của Nhật xứng đáng xếp thứ 2 thế giới

Các chuyên gia quân sự cho rằng, các phương tiện tác chiến chống ngầm, thiết bị phát hiện tàu ngầm và vũ khí tấn công tàu ngầm của Nhật Bản đều thuộc loại hiện đại trên thế giới. Đặc biệt là về khả năng chống ngầm từ trên không, về cả số lượng lẫn chất lượng, Nhật Bản hiện được xếp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

 

Ngày 13/05 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Nhật phát hiện hành tung của 1 chiếc tàu ngầm lạ hoạt động ở khu vực tiếp giáp hải phận Okinawa. Nếu như chiếc tàu ngầm này xâm phạm lãnh hải, lực lượng tự vệ trên biển của Nhật sẽ ra tay hành động, bức chiếc tàu ngầm này phải nổi lên mặt nước ngay lập tức. Lời tuyên bố này của ông Odonera không phải là huênh hoang, vì quả thực năng lực tác chiến chống ngầm của Nhật là mạnh nhất châu Á.

Theo giới thiệu của Tạp chí “tàu thuyền Thế giới” của Nhật Bản, lực lượng tác chiến chống ngầm của Nhật chia làm 2 bộ phận: Một là lực lượng tác chiến chống ngầm mặt nước do các tàu khu trục và tàu hộ vệ phụ trách. Hai là lực lượng săn ngầm từ trên không, được cấu thành bởi lực lượng trực thăng trên hạm và máy bay chống ngầm cánh cố định xuất phát từ đất liền.

Máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion

Máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion

Tàu ngầm vốn dĩ là lợi thế quan trọng trong tác chiến “ngầm chống ngầm”, nhưng từ lâu 16 tàu ngầm của Nhật đã chuyên chú vào công tác huấn luyện phá hoại các tuyến đường trên biển và mật phục ở các eo biển, nên tính năng đối ngầm không phải là sở trường, nhiệm vụ này được giao phó cho các tàu mặt nước và máy bay chống ngầm.

Hiện nay, hạt nhân của lực lượng chống ngầm mặt nước Nhật Bản là các tàu khu trục và tàu hộ vệ chuyên dụng chống ngầm, thuộc dạng tàu săn ngầm mặt nước hàng đầu thế giới hiện nay. Số tàu này có nòng cốt là các tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, lớp Haruna và lớp Shirane có khả năng mang theo ít nhất 3 trực thăng săn ngầm.

Ngoài các loại sonar tần số thấp (sóng dài) lắp đặt trên tàu, nó còn sử dụng các loại sonar số hóa dạng mảng kéo và sonar tự biến độ sâu. Các hệ thống trinh sát này có tính năng phát hiện tàu ngầm rất mạnh, phù hợp với các vùng biển nước sâu, nên được triển khai chủ yếu ở khu vực biển phía bắc và phía đông hướng ra Thái Bình Dương.

 
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản mang theo ít nhất 3 chiếc trực thăng săn ngầm
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Nhật Bản mang theo ít nhất 3 chiếc trực thăng săn ngầm

Các loại tàu khu trục và hộ vệ sử dụng sonar trung tần (tần số trung bình) có khả năng phát hiện tàu ngầm rất tốt ở vùng nước nông, nên chủ yếu được triển khai ở các cảng khu vực biển phía tây, hướng vào Trung Quốc và Triều Tiên, phụ trách tác chiến chống ngầm toàn bộ khu vực biển Hoa Đông.

Ngoài các tàu chuyên dụng chống ngầm, các chiến hạm thông thường từ tầm trung trở lên của Nhật Bản, đều được lắp đặt các hệ thống sonar chống ngầm tự thân của tàu. Đồng thời cũng được biên chế mang theo 1 trực thăng săn ngầm, cự ly và khả năng trinh sát chống ngầm có thể nảo đảm cho một hạm đội cỡ vừa trở xuống. Trong cuộc diễn tập “vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC) lần trước, khả năng đối ngầm của hải quân Nhật đã được quân đội Hoa Kỳ ca ngợi là “tuyệt vời”.

Hiện lực lượng tác chiến chống ngầm trên không của Nhật Bản, có 101 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion. Loại máy bay này có thể mang theo 9 tấn vũ khí đối ngầm và 87 phao sonar, bán kính tác chiến có thể bao trùm toàn bộ các vùng biển thuộc lãnh hải Nhật Bản.

 
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Nhật Bản
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Nhật Bản

Có một số phân tích cho rằng, các phương tiện tác chiến chống ngầm, thiết bị phát hiện tàu ngầm và vũ khí tấn công tàu ngầm của Nhật Bản đều thuộc loại hiện đại trên thế giới. Đặc biệt là về khả năng chống ngầm từ trên không, về cả số lượng lẫn chất lượng, Nhật Bản hiện được xếp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Vấn đề là, Nhật Bản vận dụng những loại trang bị, vũ khí này trong tác chiến chống ngầm như thế nào? Tạp chí “Tàu thuyền Thế giới” cho biết, sau khi phát hiện có dấu hiệu tàu ngầm hoạt động, lực lượng tự vệ trên biển của Nhật lập tức cử các máy bay cánh cố định có vận tốc nhanh nhất, đến khu vực đó để trinh sát (hoặc trong quá trình bay tuần của loại máy bay này tự nó phát hiện các dấu hiệu của tàu ngầm).

Đầu tiên, nó sử dụng các thiết bị tìm kiếm bằng sonar, hồng ngoại hoặc quan sát bằng mắt thường để tìm kiếm, phát hiện các dấu vết của kính tiềm vọng hoặc ống thông khí của các tàu ngầm trên mặt biển. Khi phát hiện và xác nhận có dấu hiệu tàu ngầm hoạt động trên mặt biển, các máy bay chống ngầm khác và tàu tác chiến chống ngầm sẽ bí mật hướng tới mục tiêu.


Ngư lôi săn ngầm Type MK-46 trang bị trên các chiến hạm Nhật Bản

Ngư lôi săn ngầm Type MK-46 trang bị trên các chiến hạm Nhật Bản

Các máy bay P-3C sẽ căn cứ vào các số liệu thủy văn ở khu vực biển đó để rải các bãi phao sonar bị động vô hướng. Sau khi rải xong, các máy bay sẽ bay giám sát trên khu vực bãi sonar đó đợi tín hiệu của mục tiêu. Sau khi nhận biết và xác nhận sự tồn tại của tàu ngầm, lập tức định vị, xác định phương hướng để khóa chặt mục tiêu. 

Đối với các tàu chiến trang bị trực thăng chống ngầm, có thể sử dụng các phao sonar dạng mảng kéo để tiến hành tìm kiếm trên diện rộng, sau khi phát hiện tiếng ồn của mục tiêu, lập tức tung các máy bay trực thăng chống ngầm đến khu vực bãi sonar đó để trinh sát phát hiện tàu ngầm.

Trực thăng sẽ bay treo trên khu vực bãi sonar của tàu chiến, tiếp tục thả các mảng sonar treo dưới bụng máy bay để đo đạc và định vị chủ động. Sau khi xác định được đầy đủ các tham số của mục tiêu, trực thăng sẽ tấn công tàu ngầm. Sự kết hợp của các phương tiện săn ngầm này bảo đảm không có tàu ngầm nào có thể thoát được, ngay cả khi nó "nằm im không hoạt động".

Theo Nguyễn Ngọc
An ninh thủ đô/“Tàu thuyền Thế giới”/Nhật Bản