1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Karl Rove - dấu ấn chính trị cuối cùng của ông Bush

(Dân trí) - Chúng ta đã được biết "những chuyến đi cuối cùng", "những cuộc họp cuối cùng" và cả "những thất bại cuối cùng" của Tổng thống Mỹ George W.Bush. Ít ai biết rằng đang có một "nỗ lực cuối cùng" cứu danh tiếng dòng họ Bush của một người tên Karl Rove.

Người kết thúc một kỷ nguyên chính trị?

           

Trưa một ngày trung tuần tháng Tám năm ngoái, Karl Christian Rove xuất hiện trước báo giới với tuyên bố từ chức với lý do "giản dị" - dành thời gian cho một cuộc sống gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà cả hai vợ chồng Tổng thống Bush đều có mặt trong buổi tiễn đưa mà ai cũng hiểu là do có liên quan đến nhiều bê bối chính trị này.

 

Ngay trước các nhà báo, Tổng thống Bush gọi cấp dưới của mình là “thần đồng”. Còn hơn thế, Karl Rove là cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Bush, một người bạn thân thiết của gia đình Tổng thống Bush và là kiến trúc sư của mọi thành công lớn nhất của Bush trong gần 12 năm qua.

 

Cố vấn Karl Rove đã đưa ông Bush lên những nấc thang ngày càng cao hơn trong đời sống chính trị nước Mỹ. Nhờ vào cố vấn của mình, ông Bush đã hai lần giành được chức Thống đốc bang Texas (1994, 1998) và cũng chính Karl Rove đã giúp ông đã hai lần đắc cử Tổng thống năm 2000 và 2004, cũng như đã giúp Đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát Quốc hội vào năm 2002 và 2004. Phe đối lập - lực lượng đã phải gánh chịu nhiều "đòn" của Karl Rove và luôn hướng mục tiêu chỉ trích vào ông, cũng phải thừa nhận đây là nhân vật này mới là quyền lực,  là “Thủ tướng” không chính danh trên chính trường Mỹ, người định ra mọi bước đi cho Nhà Trắng.

 

Việc ông Rove từ chức không bất ngờ vì từ lâu ai cũng hiểu rằng sớm muộn gì rồi ông Rove cũng phải ra đi. Nhưng dưới con mắt của nhiều người, thì sự ra đi của ông Karl Rove - một trong những nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất nước Mỹ, là một tổn thất lớn cho Tổng thống Bush và là dấu hiệu khởi đầu cho một kỷ nguyên chính trị đang đi đến hồi kết.      

 

Người gây ra mất mát lớn nhất của ông Bush?

 

Là cố vấn cấp cao và thân cận nhất của Tổng thống Mỹ George Bush về các vấn đề chính trị và chính sách trong nhiều năm liền, ông Karl Rove luôn được Tổng thống dành cho những tên gọi đầy trân trọng như “bậc kỳ tài”, “bộ não của tôi”. Nhưng những gì công luận đánh giá về ông xem ra còn đáng nể hơn nhiều. Báo chí Mỹ nhận định ông là "quân sư của Nhà Trắng", “tổng công trình sư”, là “nhạc trưởng trong sự nghiệp chính trị” hiện nay của Tổng thống Bush.

 

Đó cũng chính là lý do khiến báo chí khẳng định Rove mới là mất mát lớn nhất của ông Bush, dù không phải là công sự thân cận đầu tiên của ông này phải ra đi. Trước Rove, đã có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, nhà tư tưởng Scooter Libby đến Dan Barlett, một trong những cố vấn trung thành nhất của Tổng thống trong vòng 13 năm. 

 

Cần phải nhắc thêm rằng, không chỉ phò tá cho Bush-con, Rove còn từng là cánh tay phải của Bush-cha. Năm 1973, khi Bush-cha đắc cử chức Chủ tịch đảng Cộng hoà tại bang Texas - Karl Rove cũng đắc cử chức “Chủ tịch đảng Cộng hoà” của Trường đại học thuộc bang Texas. Lúc Bush-cha quyết định ra tranh cử chức Tổng thống năm 1980 - Karl Rove là người đầu tiên được ông thuê làm cố vấn và đây là dấu mốc đầu tiên trong đời làm cố vấn của Rove.

 

Người đầu tiên ông Karl Rove phụ trợ thành công là Krimenz - trở thành Thống đốc đầu tiên của đảng Cộng hoà tại bang Texas trong 100 năm qua.  Năm 1993, khi Bush-con tuyên bố chính thức ra tranh cử chức Thống đốc bang Texas, Karl Rove lập tức trở thành cố vấn chính và đến năm 1999, Karl Rove quyết định bán công ty tư vấn của mình để dốc toàn bộ tâm lực giúp Bush-con giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000.

 

Rove rời khỏi Nhà Trắng đúng vào lúc mức độ tín nhiệm của Tổng thống Bush đang xuống thấp nhất từ trước đến nay và đang phải chật vật chung sống đầy khó khăn với những đối thủ Dân chủ.

 

Người đón Bush cuối chặng đường?

 

Có thể các nhà phân tích chính trị kỳ cựu của tờ "Bưu điện Washington" đã đúng khi nói rằng lời giã từ của ông Rove là kết quả tất yếu của chu trình vận động lên xuống, và trong chặng đường cuối của ông Bush, ông Rove sẽ còn quay trở lại, dù dưới hình thức nào "bởi những cố vấn chính trị không bao giờ biến mất hoàn toàn. Tính chiến đấu nằm trong máu của họ. Với họ, bỏ rơi chính trị cũng có nghĩa là ngừng ăn và ngừng hít thở”.

 

Giữa lúc ông G.Bush đang hoàn thành nhiệm kỳ hai của ông ta trong sự mất lòng dân, Karl Rove - hiện là cộng tác viên của Wall Street Jourrnal, Newsweek và kênh truyền hình  Fox News,  lại một lần nữa ra tay.

 

Trong bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi dành cho báo chí phương Tây, cựu cố vấn Tổng thống Mỹ gần 60 tuổi này đã vẽ nên bức chân dung rất đáng tung hô của vị chủ Nhà Trắng mà theo ông là một con người thông minh và dũng cảm. Ông lên tiếng bênh vực Bush trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh và mọi cuộc chiến mà Bush đang bị dư luận nhắm đến.

        

Rove ngợi ca trí nhớ, văn hoá, đến nhân cách của Bussh là "tuyệt vời". Rove biện minh việc Bush theo đuổi chủ nghĩa can thiệp sau vụ khủng bố 11/9 là "hoàn toàn có lý". Rove tự hào về những điều ông cho là "chiến công" của xếp cũ: giải phóng 50 triệu người Afghanistan và Iraq khỏi ách Taliban và Saddam Hussein, thực hiện thành công chính sách về cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân, và lớn nhất "sẽ là" cuộc chiến chống khủng bố.

 

Nhưng Rove thừa hiểu rằng dư luận sẽ đang chú ý đến những mối hằn thù mà Bush để lại, nhiều hơn là cố đi tìm hiểu những trắc trở của Bush.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp tư liệu nước ngoài