1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iraq yêu cầu Mỹ đưa ra kế hoạch rút quân

(Dân trí)- Ngày 7/7, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki lên tiếng yêu cầu chính quyền Mỹ cung cấp lịch trình rút quân đội nước này khỏi Iraq, sáng kiến vốn được phong trào của giáo sĩ cấp tiến người ShiiteMoqtada al- Sadr ủng hộ nhưng ngay lập tức đã bị Lầu Năm Góc bác bỏ.

Trong thông cáo, ông Maliki tuyên bố đã đến lúc cần phải đạt được ghi nhớ thoả thuận hay thiết lập lịch trình rút quân đội Mỹ khỏi nước này. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Iraq đề cập đến thời gian triệt thoái các lực lượng đa quốc gia, chủ yếu là binh sĩ Mỹ dưới sự chỉ huy của Mỹ nhằm đáp ứng đòi hỏi của các nhóm đối lập người Shiite,  trong đó có phong trào của giáo sĩ Moqtada al-Sadr.

 

Phát ngôn viên Salah al-Obeïdi của phong trào này cho hay, họ ủng hộ mọi tiến bộ liên quan đến việc rút các lực lượng quân đội Mỹ khỏi Iraq, một sự triệt thoái hoàn toàn hay lịch trình rút quân cụ thể và sẽ ủng hộ chính phủ trong quá trình  đạt đến mục tiêu đó.

 

Thủ tướng Iraq nhấn mạnh các thương thuyết liên quan đến cách thức hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq năm 2008 vẫn tiếp tục, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền của Iraq. Mỹ và Iraq đang tiến hành thương lượng một thoả thuận an ninh lâu dài nhằm giải quyết vấn đề hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia vùng Vịnh sau năm 2008.

 

Thoả thuận trên phải tạo ra một khung pháp lý cho việc duy trì quân đội Mỹ, sẽ hết thời hạn vào ngày 31/12/2008 và nhiệm kỳ của Lực lượng đa quốc gia do Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra. Gần đây, các thảo luận lâm vào bế tắc do vấp phải thái độ phản đối mạnh mẽ của các lãnh tụ chính trị Iraq. Phong trào của giáo sĩ Moqtada al-Sadr, lực lượng nổi dậy chống Mỹ luôn yêu cầu một lịch trình rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và lên án thoả thuận an ninh sắp tới  là “công cụ nô lệ vĩnh viễn” đất nước Iraq.

 

Từ đầu năm 2008, bạo lực giảm mạnh tại Iraq trong khi chính phủ nước này tiến hành một cuộc phản công ngoại giao nhằm tăng cường tính hợp hiến. Về phần mình, Tổng thống Mỹ George W. Bush cực lực phản đối một thời hạn rút quân đội Mỹ khỏi Iraq, muốn thay đổi chiến thuật sao cho phù hợp với tình hình tại đây và bỏ ngoài tai ý kiến của các tướng lĩnh Mỹ.

 

Các đối thủ thuộc đảng Dân chủ chiếm đa số tại Quốc hội đã không thành công trong việc ép ông Bush đưa ra thời hạn rút quân sau 18 tháng nữa. Vấn đề rút quân và một thời hạn rút quân tuỳ thuộc vào tình hình xung đột đang là một trong những chủ đề tranh cử chính giữa hai ứng cử viên John McCain của đảng Cộng hoà và Barack Obama trong  bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.

 

Ông Bush luôn tuyên bố, chính phủ Mỹ đưa quân vào Iraq theo “lời mời của chính phủ Iraq” và rằng Iraq là một quốc gia có chủ quyền, nhưng sau khi nhận được yêu cầu trên từ chính phủ Iraq, Bộ quốc phòng Mỹ ngay lập tức bác bỏ. Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, ông Bryan Whitman cho hay, thời hạn rút quân tuỳ thuộc vào tình hình tại Iraq, đồng thời khẳng định về lâu dài Washington không có ý định triển khai các đội quân thường trú tại quốc gia này.

 

Thảo thuận an ninh Iraq-Mỹ bao gồm các điều khoản quy định thời hạn hiện diện quân đội Mỹ tại Iraq tuỳ thuộc vào tình hình và số lượng căn cứ quân sự mà Washington có thể duy trì ở đây, quân đội Mỹ có quyền bắt giữ thường dân Iraq và quyền miễn trừ dành cho các quân nhân Mỹ.

 

Giới chính trị Iraq tỏ ra rất dè dặt trước các điểm trên. Một điểm gây tranh cãi trong thoả thuận được giải quyết vào tuần trước, sau khi ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari khẳng định, Mỹ đã từ bỏ quyền miễn trừ dành cho các công ty an ninh tư nhân của họ, hiện đang có hàng ngàn nhân viên được triển khai tại Iraq.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP