1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hy vọng mong manh cho Syria

Phát biểu ngày 12-2 sau hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng Syria tại thành phố Munich của Đức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc ngừng các hoạt động thù địch tại Syria là một nhiệm vụ rất khó khăn, song đó lại là một bước tiến quan trọng nhằm khởi động đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn này sẽ không được áp dụng đối với các tổ chức như cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Mặt trận al-Nusra.

Theo Ngoại trưởng Nga, cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cần được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể với sự tham gia của tất cả các nhóm đối lập Syria.

Nhà lãnh đạo người Nga nêu rõ: “Tôi muốn nhấn mạnh tới nhiệm vụ khôi phục bàn đàm phán hòa bình Syria vốn bị đình trệ khi một số nhóm đối lập giữ lập trường không xây dựng và cố gắng đặt ra điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Hòa đàm Syria phải được khôi phục sớm nhất có thể và tuân thủ chặt chẽ Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc về việc không đặt điều kiện tiên quyết. Các cuộc hòa đàm cũng phải bao gồm nhiều lực lượng đối lập tại Syria”.

Ngoại trưởng Nga (trái) và người đồng cấp Mỹ tại hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng Syria tại thành phố Munich của Đức hôm 11-2.
Ngoại trưởng Nga (trái) và người đồng cấp Mỹ tại hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng Syria tại thành phố Munich của Đức hôm 11-2.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga sẽ không chấm dứt các cuộc không kích tại Syria, đồng thời hối thúc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu hợp tác với quân đội Nga tại Syria, bởi cả hai đều có “chung một kẻ thù”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng tuyên bố quan điểm cho rằng, sự thay đổi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có những tác động tích cực chỉ là một sự ảo tưởng.

Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo âm mưu biến tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria thành một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ từ bên ngoài và nhấn mạnh tiến trình này phải được thực hiện qua sự thỏa thuận giữa chính quyền và phe đối lập mang tính đại diện đầy đủ.

Chia sẻ quan điểm của Ngoại trưởng Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu các lực lượng Arab “nhảy” vào cuộc chiến tại Syria, họ sẽ làm bùng phát “một cuộc chiến tranh thế giới mới”.

Thủ tướng Medvedev đặt câu hỏi: “Người Mỹ và các đối tác Arab cần phải suy tính thật kỹ về việc liệu họ có muốn chiến tranh xảy ra liên miên hay không? Liệu họ có thực sự nghĩ rằng họ có thể đánh nhanh thắng nhanh không? Điều này là không thể xảy ra, đặc biệt trong thế giới Arab, nơi mọi người chiến đấu chống lại nhau, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ phức tạp và cuộc chiến này có thể sẽ kéo dài vài năm, thậm chí vài thập kỷ. Tại sao họ lại muốn can thiệp vào việc này? Lẽ ra tất cả các bên phải ngồi vào bàn đàm phán thay vì tìm cách làm bùng nổ một thế chiến mới”.

Trước đó, ngày 11-2, Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry cho biết, nhóm 17 quốc gia ủng hộ Syria (“nhóm Quốc tế ủng hộ Syria”) đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn, tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria và cung cấp viện trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận kế hoạch ngừng bắn vừa đạt được là một thỏa thuận “tham vọng” và việc kiểm nghiệm thực tế sẽ cho thấy các bên có tôn trọng cam kết đã đưa ra hay không.

Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho rằng, thỏa thuận giữa các cường quốc nhằm giảm bạo lực ở Syria cần chờ thêm thời gian để đánh giá là thành công hay không: “Chúng tôi sẽ chỉ có thể xem đây là một bước đột phá khi điều này thể hiện rõ trong một vài ngày tới”.

Và không chỉ có vậy. Đáng quan ngại hơn, mặc dù thỏa thuận ngừng bắn đã được thông qua nhưng vẫn còn tồn tại những bất đồng chưa thể hóa giải ngay trong lòng “nhóm Quốc tế ủng hộ Syria”. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn giữ nguyên định kiến về các cuộc không kích của Nga tại Syria, cho rằng phần lớn mục tiêu nhằm vào các nhóm đối lập đang tìm cách lật đổ chính chính quyền Tổng thống Assad.

Người phát ngôn Nhà Trắng Mark Toner thậm chí còn cho rằng, chính sự hậu thuẫn của Nga dành cho Tổng thống Assad trong những tháng qua, và gần đây nhất là trong cuộc vây hãm tại Aleppo đã khiến cho cuộc xung đột trở nên trầm trọng và dữ dội hơn. Trong khi đó, Pháp kêu gọi Nga chấm dứt những hoạt động quân sự nhằm “chống lưng” cho Tổng thống Assad.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh: “Chúng ta cần đảm bảo việc Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực. Vào thời điểm hiện tại, với sự hậu thuẫn của người Nga, ông ta đang tàn sát người dân của mình, cho dù ông ta cũng đang hành động chống lại một số kẻ khủng bố. Tôi yêu cầu Nga chấm dứt sự giúp đỡ đó của họ”.

Còn Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thì khẳng định, việc chấm dứt chiến sự ở Syria chỉ có thể thành công nếu Nga dừng các cuộc không kích hỗ trợ lực lượng Chính phủ Syria chống lại phe đối lập. “Nếu thực hiện đầy đủ và đúng cách, thỏa thuận sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp giảm sự giết chóc và đau khổ ở Syria… Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ thành công nếu có một sự thay đổi lớn liên quan đến chế độ chính trị của Syria…”, quan chức ngoại giao người Anh nói.

Rõ ràng “lệnh chấm dứt hành động thù địch” mà “nhóm Quốc tế ủng hộ Syria” mới đạt được chỉ là một bản thỏa thuận trên giấy. Từ đó tới hiện thực vẫn còn là một đoạn đường khá dài khi vẫn còn đó những bất đồng sâu sắc giữa các “ông lớn”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Syria vẫn chìm trong vũng lầy chiến tranh, máu của người dân Syria vẫn đang chảy thì thỏa thuận đó ít nhiều cũng mang lại được một tia hi vọng, mặc dù rất mong manh.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân