1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hội nghị quốc tế về Syria chỉ đạt được đồng thuận tối thiểu

(Dân trí)– Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, đã đạt được đồng thuận tối thiểu về việc thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời ở Syria. Hội nghị cũng nhất trí để người dân Syria có quyền tự quyết “sinh mệnh chính trị” của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các gương mặt chính tham dự Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/6/2012.
Các gương mặt chính tham dự Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/6/2012.

Sau các cuộc thảo luận căng thẳng ngày 30/6, các cường quốc thế giới đã đạt được nhất trí về một kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo ở Syria thông qua tiến trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.

“Hội nghị Nhóm hành động về Syria đã nhất trí rằng chính phủ chuyển tiếp ở Syria có thể bao gồm các thành viên chính phủ hiện nay, cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác. Chính phủ này sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung", đặc phái viên chung của Lieenn hợp quốc – Liên đoàn Ảrập (LHQ – AL) Kofi Annan cho biết sau cuộc họp.

Cũng theo ông Annan, văn kiện cuộc họp cũng nêu rõ các cường quốc chỉ đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo chung trong tiến trình chuyển giao quyền lực sắp tới ở Syria.

“Các cường quốc chỉ đưa ra các chỉ đạo nhằm hỗ trợ các bên ở Syria trong tiến trình thúc đẩy chuyển giao quyền lực, thành lập chính phủ chuyển tiếp và tiến hành những thay đổi theo yêu cầu”, ông Annan khẳng định sau khi cho biết các cường quốc đã nhất trí trao tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad vào tay người dân Syria.

Theo nhận định của giới phân tích, kết quả đạt được tại hội nghị lần này cho thấy phương Tây đã có sự nhượng bộ đáng kể trước quan điểm kiên định của Nga và Trung Quốc. Bản thân Ngoại trưởng Anh William Hague cũng phải thừa nhận điều này.

“Nga đã thành công trong việc thuyết phục các nước khác đi theo quan điểm của mình”, ông Hague nói với các nhà báo.

Phản ứng của các nước

Mặc dù đã nhất trí với kế hoạch đưa ra tại hội nghị song Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vẫn tỏ ra cứng rắn khi phủ nhận bất kỳ vai trò nào của ông Assad trong chính quyền chuyển tiếp Syria.

Các gương mặt chính tham dự Hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/6/2012.

Nét mặt của bà Hillary Clinton biểu lộ rõ sự không hoàn toàn nhất trí với kết quả đạt được tại hội nghị.

"Ông Assad vẫn sẽ phải ra đi…Những gì chúng tôi làm ở đây là loại bỏ sự tưởng tượng rằng ông Assad và những người mang bàn tay nhuốm máu trong chính quyền của ông có thể níu kéo được quyền lực", bà Hillary tuyên bố.

Bà Hillary cũng cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy một nghị quyết ở HĐBA nhằm áp đặt những biện pháp trừng phạt trực tiếp, kể cả hành động quân sự, đối với Syria nếu như tiến trình chuyển giao chính trị không được thực hiện.

Tuy nhiên, tuyên bố này của bà Hillary ngay lập tức vấp phải sự phản đối của người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

“Nga phản đối mọi nỗ lực của phương Tây nhằm đưa kế hoạch chuyển giao ở Syria lên HĐBA LHQ”, ông Lavrov phản bác.

Cũng theo Ngoại trưởng Lavrov, việc loại bỏ bất kỳ bên nào ra khỏi tiến trình chuyển giao chính trị ở Syria là điều "không thể chấp nhận được".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

 “Việc chuyển giao được tiến hành như thế nào sẽ do chính người dân Syria tự quyết định. Sẽ là sai lầm khi loại bỏ bất kỳ bên nào trong tiến trình này. Hơn nữa, vấn đề ra đi của ông Assad hoàn toàn không xuất phát từ kế hoạch nêu ra tại hội nghị”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói.

Cùng quan điểm với Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng nói rằng mọi kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Syria phải được người Syria chấp thuận, chứ không phải do sự chỉ đạo từ bên ngoài.

“Giải pháp chính trị cho vấn đề Syria chỉ có thể do người Syria thực hiện và được các bên liên quan chấp thuận. Các thế lực bên ngoài không thể ra quyết định thay cho người dân Syria”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rõ.

Hội nghị Nhóm hành động về Syria được tổ chức theo sáng kiến của đặc phái viên quốc tế Annan, thu hút sự tham gia của ngoại trưởng 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và các nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait và Qatar. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn dữ dội tại Syria trong ngày 30/6 làm ít nhất 83 người, hầu hết là dân thường, thiệt mạng. Ngoài ra, bạo lực cũng làm hàng trăm người mắc kẹt tại thành phố Douma gần thủ đô Damascus.

Theo thống kê không chính thức, đã có gần 16.000 người thiệt mạng do bạo lực ở Syria kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền hồi tháng 3/2011.

Đức Vũ

Theo Reuters, AFP, Xinhua