1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Học giả Trung Quốc khuyên về Biển Đông: Cứ đánh, khỏi đàm

(Dân trí) - Một học giả Trung Quốc ngang nhiên kêu gọi Bắc Kinh tấn công khi cần thiết để giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

 
Hạm đội Trung Quốc tập khai hỏa trên Thái Bình Dương

Học giả Trung Quốc cho rằng sức mạnh hàng hải của Bắc Kinh hiện nay đủ mạnh để bảo vệ lợi ích và quyền lợi quốc gia.
 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với một đài phát thanh ở Thượng Hải, ông Hàn Húc Đông, một giáo sư có tiếng của đại học Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng rất khó giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực thông qua quyền lực mềm, như “vận động ngoại giao,” mà thay vào đó Bắc Kinh nên “tấn công bất cứ lúc nào cần thiết đối với bất kỳ nỗ lực nào của các  nước khác nhằm kiểm soát các đảo nhỏ trên Biển Đông”.

 

Học giả này cho rằng, ngoại giao chỉ phát huy tác dụng “khi có quân đội đứng sau” và đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh lại không có ngay hành động quân sự tại bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough.

 

Ông Hàn Húc Đông phân tích rằng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc hiện nay đủ mạnh để bảo vệ lợi ích và quyền lợi quốc gia nước này, và Bắc Kinh nên kết hợp ngoại giao với sức mạnh quân sự để đạt mục tiêu của mình.

 

Phát biểu của ông Hàn được đưa ra giữa lúc đang có những căng thẳng mới trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ngày 27/5, Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc phản đối việc tàu Trung Quốc ngăn cản và đâm tàu cá của Việt Nam đang hoạt động trong khu vực “hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm vỡ tàu và đe dọa tính mạng ngư dân.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức trắng trợn phủ nhận, với  Tân Hoa xã ngày 28/5, đưa tin rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Cáo buộc của Việt Nam là hoàn toàn sai sự thật”.

 

Ông Hồng Lỗi còn lớn tiếng khẳng định rằng giới chức trách Trung Quốc “có quyền thực hiện các biện pháp tư pháp,” và yêu cầu phía Việt Nam “quản lý ngư dân, ngừng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)”.

 

Ngoài ra, xung đột giữa Trung Quốc và Philipines quanh bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tuần trước cũng thu hút sự quan tâm của quốc tế vào tuần trước, sau khi Manila cáo buộc tàu chiến Trung Quốc lượn lờ ở khu vực “một cách trái phép và khiêu khích”. Phía Philipines cũng phái tàu tới bãi Cỏ Mây, nơi một nhóm lính thủy đánh bộ Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu mắc cạn, từng là tàu đổ bộ xe tăng của Mỹ được giới chức Philippines chủ ý để lại để làm căn cứ tại khu vực.

 

Ông Hàn cho rằng Philippines đã nhắm chiếm các đảo ở Biển Đông từ khi giành được độc lập sau Thế chiến II. Nhưng vào thời điểm đó Trung Quốc đang sa lầy trong chiến tranh và lực lượng hải quân không có khả năng. Ông Hàn cũng cho rằng thậm chí đến những năm 1980, hải quân Trung Quốc vẫn yếu và các đảo, bãi đá ở Biển Đông vẫn nằm ngoài tầm với của Trung Quốc. Và ông nhận định chính vì Trung Quốc thiếu quan tâm đến khu vực trong thời gian dài, nên Philippines đã có cơ hội đưa lính thủy đánh bộ đồn trú ở vùng biển quanh bãi Cỏ Mây năm 1999 và tuyên bố chủ quyền với bãi này. Cũng vào năm đó, sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị Mỹ nã bom khiến Bắc Kinh nhận ra thực tế cần phải củng cố sức mạnh hải quân để bảo vệ các lợi ích biển của nước này.

 

Chính từ những tuyên bố chủ quyền chống chéo nhau và những tranh chấp căng thẳng kéo dài mà không tìm thấy giải pháp, ông Hàn Húc Ðông khuyên Trung Quốc, quốc gia đang nhanh chóng phát triển sức mạnh quân sự trong khu vực, “cần cứ đánh, khỏi đàm”.

 

Vũ Quý

Theo CNA