1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Họa sỹ biệt tài trong chiến dịch làm tiền giả của phát xít Đức

Có tiếng với tài làm tiền giả trước khi bị đưa vào trại tập trung, Isaac Smolyanov là một trong số 142 họa sỹ người Do thái bị giam tại trại tập trung và buộc phải làm ra những đồng USD và đồng bảng Anh giả cho quân Đức. Cũng nhờ có “tài năng” này, 138 người trong số đội ngũ họa sỹ người Do thái làm tiền giả trong trại tập trung đã thoát khỏi lò thiêu.

Biệt tài vẽ tiền giả

Là con trai út trong một gia đình Do thái, Isaac Smolyanov luôn làm cho cha mình phải đau đầu. Khác với những đứa trẻ khác hay đọc kinh thánh Do thái một cách thành kính, Smolyanov ngay từ thuở nhỏ đã có tiếng nghịch ngợm và thích tự do.

Theo nghiệp họa sỹ, cái nghề theo ý kiến của cả gia đình là “có phần phù phiếm” này đã giúp Isaac Smolyanov tồn tại sau những trận “diệt chủng” của phát xít Đức cướp đi sinh mạng hàng triệu người Do thái. Mặc dù những bức vẽ của Smolyanov không trang trí cho thư viện hay bảo tàng trên thế giới, nhưng tài năng của ông ta được ghi nhận bằng danh hiệu “vua tiền giả”.

Thời thanh niên, Isaac quan tâm đến hội họa một cách bất ngờ sau chuyến thăm tình cờ tại Trường mỹ thuật tư nhân do danh họa nổi tiếng Grigory Miasoedov mở ra. Smolyanov bắt đầu theo học Ivan Miasoedov - là con trai của Grigory và đã rất dễ dàng nắm vững được kỹ thuật vẽ và hội họa. Mặc dù có sự khác biệt về tuổi tác, nhưng cậu học trò và thầy giáo đã nhanh chóng có tiếng nói chung và không lâu sau đã trở thanh bạn bè.


Hình minh họa

Hình minh họa

Smolyanov đã rời đất nước và đi khắp các nước châu Âu, sau đó lấy vợ và ly dị, đến năm 1925 thì định cư ở Berlin. Tất cả những năm tháng đó đã giúp cho tài năng của người họa sỹ này, ông từng vẽ chân dung, vẽ áp phích trên các bức tường. Tuy vậy, tiền kiếm được cũng chỉ đủ ăn.

Rồi bỗng nhiên ông gặp lại người thầy và người bạn Ivan Miasoedov cũng đã rời nước Nga nhưng trước đó Ivan đã phải ngồi tù ở Đức vì tội làm hàng giả. Do thiếu tiền nên họa sỹ tài năng Smolyanov đã bước vào con đường phạm tội. Dưới sự hướng dẫn của Miasoedov, ông đã dần nắm được mọi thủ thuật và sắc thái của tiền giấy ngân hàng của các nước khác nhau.

Không lâu sau những loại tiền giả mà bạn bè của ông làm ra đã bị phát hiện tại các ngân hàng khắp châu Âu. Smolyanov đã tổ chức một mạng lưới rộng lớn những kẻ buôn tiền giả. Cảnh sát thỉnh thoảng bắt giữ ai đó trong số họ nhưng trong suốt một thời gian dài vẫn không tìm được những kẻ tổ chức.

Thế nhưng cuộc sống vương giả của Smolyanov chẳng kéo dài mãi và ông đã phải trả giá. Nhưng thời hạn hai năm tù không làm cho Smolyanov nhụt chí và mong muốn tiếp tục làm tiền giả vẫn còn chưa nguôi. Sau khi được tự do ông lại bắt tay vào việc cũ hết năm này đến năm khác để hoàn thiện kỹ năng của mình.

Đến giữa những năm 1930 thì tiếng tăm của Smolyanov nổi như cồn, số lượng “sản phẩm” được lưu hành đã làm đau đầu nhiều quốc gia, cảnh sát tuyên bố truy nã Smolyanov. Bị bắt vào năm 1936, ông lại bị kết án, tuy nhiên, bốn năm tù đối với ông vẫn không phải là quá nghiêm trọng. Ông đã học cách điều khiển hoạt động từ trong tù và bình thản chờ đợi mãn hạn tù để được sống sung túc. Có điều lần này mong ước đó đã không được thực hiện.

Bức vẽ chân dung thay đổi số phận

Một năm trước khi ông được tự do, cũng là thời kỳ bắt đầu cuộc chiến tranh Thế giới lần hai, Isaac Smolyanov bị coi là tù nhân Do thái và bị đưa khỏi nhà tù đến “trại tử thần” Mauthausen. Ban đầu, cuộc sống trong trại cũng giống với các tù nhân khác.

Cùng với họ ông phải nhẫn nại làm việc nặng nhọc từ sáng đến đêm, bị cai tù đánh đập hàng ngày và đã chứng kiến cái chết của những người bạn tù khác. Smolyanov không muốn cuộc đời mình cũng có kết cục bi thảm như vậy. Tình cờ, mà cũng có thể là chủ ý, khi một bức chân dung ông vẽ một giám thị được bỏ lại, đã thu hút được chú ý của các cai tù.

Smolyanov bắt đầu được thoát khỏi công việc hàng ngày để vẽ chân dung của các quan chức cao cấp phát xít Đức và các thành viên của gia đình họ. Ông còn vẽ áp phích và các tranh nghệ thuật khác trên những bức tường của trại tập trung. Điều này giúp ông có được những sự nhượng bộ nhất định của cai ngục.

Thế rồi sau ba năm sống trong trại, đột nhiên một mình Smolyanov bị đưa đến Sachsenhausen. Thì ra trước khi ông có mặt ở trại tập trung, quân Đức đã tiến hành một chiến dịch bí mật làm các tài liệu và tiền giấy giả mạo mang tên “Bernhard” (Bernhard Kruger là người lãnh đạo và thuộc cấp trực tiếp của Himmler). Mục đích nhằm làm suy yếu hệ thống tài chính của Anh và Mỹ bằng cách “bơm” tiền giả vào các nước đó.


 Isaac Smolyanov (giữa) và một số cộng sự thời gian trong trại tập trung phát xít Đức

Isaac Smolyanov (giữa) và một số cộng sự thời gian trong trại tập trung phát xít Đức

Tất cả các máy khắc, máy in, giấy in được thu thập lại và nhiều họa sỹ, công nhân giỏi nhất từ các ngân hàng đã được chiêu mộ. Đến năm 1944 chiến dịch đã tập hợp được 142 người và họ bắt đầu in những đồng bảng Anh, rồi sau đó là đồng USD.

Tất cả họ đều là người Do thái và mặc dù trong trại đã trang bị cho họ hai doanh trại riêng biệt, ăn uống đầy đủ, có cả sách và được phép chơi các trò chơi vào ngày nghỉ, nhưng tất cả đều hiểu rằng khi kết thúc dự án thì số phận của họ sẽ không còn được bảo đảm.

Isaac Smolyanov đứng đầu đội ngũ này như một tù nhân là chuyên gia làm tiền giả chuyên nghiệp. Những chi tiết về cuộc sống của các tù nhân đặc biệt này sau đó đã được Adolf Burger, một trong số những người tham gia chiến dịch, trình bày trong cuốn sách “The Devil's Workshop". Dựa vào nội dung cuốn sách trên, bộ phim “Tiền giả” đã được dựng và giành giải Oscar.

Trong những năm hoạt động của đội ngũ này, đã có hơn 13 triệu đồng bảng Anh được sản xuất. Và ngay cả những chuyên gia ngân hàng Anh cũng không thể phát hiện được dấu hiệu giả mạo của loại tiền giấy này. Chỉ sau một thời gian dài, việc này mới bị phát giác.

Trong cái rủi có cái may

Tất cả các tù nhân thực hiện công việc làm tiền giả một cách miễn cưỡng. Một số trong đó vẫn ngấm ngầm phá họa vì không muốn tiếp tay cho những kẻ đã giết hại những người thân của họ. Smolyanov không chia sẻ những quan điểm của những người phá hoại nhưng luôn cứu họ khỏi cái chết trong tầm tay. Rồi sau đó ông tự tay làm ra được những đồng tiền có chất lượng theo yêu cầu.

Ông đã tiếp tục công việc cho đến khi kết thúc chiến tranh. Sau khi được tự do, mọi vết tích về Isaac Smolyanov đã bị mất hẳn một thời gian và ông lại có tên trong danh sách những tội phạm nguy hiểm nhất trong suốt nhiều năm.

Vào năm 1948 ông đã bị cảnh sát Italia bắt ở Roma và bị thẩm vấn do sự kiện cả thành phố ngập tràn tiền đô la giả. Do thiếu bằng chứng nên ông đã được thả và rời khỏi Italia, sau đó một thời gian ông xuất hiện ở Uruguay, nhưng lại phải rời đi sau khi cảnh sát nghi ngờ ông làm giả đồng tiền Nga.

Những năm cuối đời, Isaac Smolyanov sống tại thành phố Porto Allegre ở Brazil. Tại đây vào năm 70 tuổi, với sự ngạc nhiên của nhiều người, với sự lạc quan vốn có, ông mở một cửa hàng sản xuất và bán đồ chơi trẻ em.

Lạc quan là một trong những tính cách của Isaac Smolyanov ngay cả khi còn sống trong trại tập trung. Điều này đã mang đến hy vọng cho những người xung quanh. Và khi đó có ai đó tuyệt vọng buông tay nói: “Dù sao chúng ta cũng sẽ phải vào lò thiêu”, thì ông đã phản đối “Hãy đợi xem, tôi cảm thấy là có điều gì đó sẽ xảy ra”. Dưới sự dẫn dắt của ông, mà 138 tù nhân Do thái từng tham gia làm tiền giả vẫn sống sót cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Theo Bích Nguyễn

Pháp luật Việt Nam