1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hòa đàm về Syria ở Astana: Phần thắng nghiêng về Nga?

Hòa đàm ở Thủ đô Astana (Kazakhstan) sẽ diễn ra vào ngày 23/1 do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian được dự đoán phần thắng sẽ nghiêng về Moskva

Thổ Nhĩ Kỳ đổi thái độ với tổng thống Assad

Ngày 20/1, trong một tuyên bố phát đi, ông Mehmet Simsek, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara không còn tỏ thái độ quá cứng nhắc về tương lai Tổng thống Bashar al- Assad.

Theo ông Simsek, do tình hình tại Syria đã có nhiều thay đổi, nên chính quyền Tổng thống Erdogan không còn giữ quan điểm để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Damascusmà không có sự tham gia của Tổng thống Bashar al-Assad.

“Đó là điều không thực tế”, ông Simsek nhấn mạnh.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ kiên định với quan điểm Tổng thống Assad cần phải từ chức để Syria có thể đạt được hòa bình ổn định.

Trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định, nước này muốn nối lại quan hệ với Syria, Iraq và các nước khác ở Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên đổi thái độ với Tổng thống Assad
Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên đổi thái độ với Tổng thống Assad

Cùng với đó, ông Yildirim lại khẳng định rằng Tổng thống Assad phải ra đi nếu không cuộc nội chiến ở Syria không thể giải quyết được.

Tuy nhiên, quan điểm này đã dịu đi sau khi Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ với Nga, nước ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad.

Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bảo trợ cho lệnh ngừng bắn ở Syria. Sự thay đổi của chính quyền Ankara được cho là một tín hiệu vui cho các bên trong đàm phán hòa bình để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Assad ngày 19/1 cũng bày tỏ tự tin trước cuộc hòa đàm Syria ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào tuần tới.

Nhà lãnh đạo Damascus khẳng định, hòa đàm sẽ tập trung vào sự tuân thủ việc ngừng các hành động thù địch nhằm cho phép các chuyến hàng viện trợ vào Syria.

Theo nội dung do Văn phòng Tổng thống Syria công bố, ông al-Assad cho biết cuộc hòa đàm sẽ chú trọng và dành ưu tiên đạt được một lệnh ngừng bắn nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân và cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến được nhiều khu vực ở Syria.

Tổng thống Syria cũng tin tưởng rằng cuộc hòa đàm này sẽ cho phép các nhóm nổi dậy đạt được các thỏa thuận hòa giải với chính phủ.

Phần thắng nghiêng về Nga?

Hòa đàm ở Thủ đô Astana (Kazakhstan) sẽ diễn ra vào ngày 23/1 do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian tổ chức giữa đại diện của chính quyền Syria và các nhóm đối lập, ngoại trừ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham trước đây được biết dưới tên gọi Mặt trận Al-Nusra - có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Bộ Ngoại giao Đức ngày 20/1 cho biết, các nhà ngoại giao của nước này đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Syria với mục đích chính là khôi phục nguồn cung cấp nước cho thủ đô Damascus.

Theo đó, thỏa thuận trên nhằm tạo cho phe đối lập cơ hội rút khỏi thung lũng Wadi Barada, lui tới căn cứ địa ở tỉnh Idlib, Syria.

Đàm phán hòa bình về Syria nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Nga khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều đang có những động thái tích cực
Đàm phán hòa bình về Syria nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Nga khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều đang có những động thái tích cực

Trước đó, ngày 19/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với báo giới rằng Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chuyển cho Washington lời mời tham dự cuộc đàm phán hòa bình về Syria vào ngày 23/1.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng xác nhận, nước này đang xem xét lời mời từ phía Moskva.

“Chúng tôi đã nhận được lời mời và đang cân nhắc về việc này”, vị quan chức nói.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga - Mỹ đang nồng ấm và bản thân tân Tổng thống Donald Trump cũng dành nhiều sự quan tâm đến Moskva, nhiều chuyên gia quân sự nhận định phiên hòa đàm vào ngày 23/1 sẽ nghiêng về phía điện Kremlin.

Trả lời phóng viên báo New York Times hồi cuối tháng 11/2016, ông Donald Trump tuyên bố ông có những “ý tưởng nghiêm túc” trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, đồng thời nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Nga để thực hiện nhiệm vụ này.

“Tôi có một số ý tưởng nghiêm túc về Syria. Tôi nghĩ những gì đang xảy ra hiện nay ở Syria là khủng khiếp... Hàng ngàn người bỏ mạng... Tôi nghĩ đó là điều thật đáng xấu hổ. Và chúng ta nên làm điều gì đó với Syria. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, ông Trump nhấn mạnh.

Ông Trump cũng bày tỏ mong muốn Mỹ dàn xếp thực sự được với Nga và cùng nhau chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nhận định trên lại càng có cơ sở khi mới đây, phát biểu với tờ nhật báo Rossiyskaya Gazeta, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Nga, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nêu rõ, nếu chính quyền mới của tổng thống Donald Trump quan tâm, Nga sẵn sàng nối lại các cuộc tham vấn ở nhiều thể thức khác nhau với Mỹ thông qua Hội đồng an ninh liên bang Nga.

Rõ ràng nếu nhận lời tham gia hòa đàm về Syria, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tỏ thái độ đồng tình với lập trường của điện Kremlin. Cùng với động thái tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ, hòa đàm Astana được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tất cả khoảng cách giữa các bên để Syria có thêm những bước tiến mới.

Theo Hoàng Sơn

Đất Việt