1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hoà đàm Astana: Phe đối lập Syria "già néo đứt dây"

Những tính toán của phe đối lập Syria không sáng suốt nên có thể họ chẳng đạt được điều gì từ hoà đàm Astana, thậm chi có thể còn có hệ lụy...

Quan điểm khác biệt giữa chính phủ Syria và phe đối lập về nội dung hòa đàm Astana

Theo Reuters ngày 23/1, phái đoàn của phe đối lập Syria tham dự hòa đàm diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan chỉ thảo luận về các biện pháp cứu vãn một lệnh ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian mà phe này cho rằng đã chủ yếu bị lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Syria vi phạm.

Người phát ngôn của phe đối lập cho hay : "Chúng tôi không tham gia bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào, ngoài việc tuân thủ lệnh ngừng bắn bị vi phạm. Chính quyền Syria đã tìm cách đẩy sự chú ý ra khỏi những vấn đề đó. Nếu chính quyền Syria cho rằng sự hiện diện của chúng tôi tại Astana là sự đầu hàng của chúng tôi, thì đó là một điều hoang tưởng".

Hoà đàm Astana
Hoà đàm Astana

Người đại diện lực lượng đối lập Syria Osama Abu Zeid cho biết lực lượng này không ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại nước này nếu không có bước tiến trong bảo đảm lệnh ngừng bắn. “Quân đội tự do Syria không quan tâm đến giải pháp chính trị, mà chỉ quan tâm đến vấn đề quân sự”.

Theo ông Abu Zeid, “Quân đội tự do Syria” yêu cầu thông qua quan điểm chung, theo đó tất cả các lực lượng nước ngoài, như nhóm của Iran và Afghanistan, cũng như các nhóm theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa và phong tỏa khu vực có dân thường sinh sống ở Wadi Barada, Đông Ghuta và các vùng ngoại ô phía nam của Damascus, đều phải rời khỏi Syria.

Người đứng đầu phe đối lập Mohammed Allyusha thì tuyên bố chế độ ngừng bắn phải được thực thi đầy đủ và lực lượng đối lập sẵn sàng cho cả giải pháp hòa bình cũng như tiếp tục hoạt động quân sự. Điều đó cho thấy phe đối lập Syria đến Astana với quan điểm là ngừng bắn để họ lấy lại vị thế trên chiến trường mà với lực của họ thì không thể làm được điều đó.

Ngay lập tức trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria – Đai sứ Syria tại Liên Hợp Quốc - Bashar Jaafari đã chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của phe đối lập. Nhà ngoại giao Syria cáo buộc ông Mohammed Allyusha và các thành viên phe đối lập không hợp tác mà muốn phá vỡ cuộc đàm phán tại Astana.

Ông Jaafari khẳng định mục tiêu của phái đoàn Syria đến Astana là để đạt tiến bộ, do vậy quan chức này bày tỏ sự ngạc nhiên và bất bình trước những tuyên bố xa rời ngôn từ ngoại giao của người đứng đầu phe đối lập Syria Muhammad Allyush. Dù phe đối lập Syria bày tỏ hoài nghi về hội nghị song cũng tuyên bố không rời bỏ bàn đàm phán.

Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura hy vọng các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập sẽ dẫn đến các cuộc thương lượng trực tiếp do LHQ điều phối. Ông Mistura cũng cho rằng không thể có một giải pháp bền vững cho xung đột ở Syria nếu chỉ thông qua các biện pháp quân sự, mà cần cả một giải pháp chính trị.

Ông Monzer Akbik, một thành viên của ủy ban chính trị, là phát ngôn viên chính thức của Phong trào Ngày mai cho Syria và là một cựu thành viên cấp cao của Liên minh Quốc gia Syria đối lập từng nhìn nhận thực trạng hiện nay là thất bại toàn diện của phe đối lập, cả trên mặt trận quân sự lẫn mặt chính trị, theo tường thuật của CNN.

Chính vì vậy, cá nhân người viết cho rằng quan điểm của phe đối lập tại hòa đàm Astana là thiếu thực tế, thiếu khôn ngoan, không thể hiện khả năng của những nhà đàm phán chuyên nghiệp. Điều đó làm cho phe đối lập vốn yếu thế có thể yếu thế hơn bởi đòi hỏi của họ không phù hợp với tình hình thực tế tại chiến trường, trên chính trường Syria lúc này.

Phe đối lập Syria “già néo” có thể “đứt dây”

Mong muốn có được vị thế lớn hơn trên chính trường Syria trong tương lai, nhưng phe đối lập tại Syria lại yếu về tiềm lực nên họ không thể tự tạo ra được. Lực của họ yếu chủ yếu do họ tự làm yếu đi khi nó chưa mạnh, đó là sự mất đoàn kết và thiếu tôn trọng nhau giữa các thành phần liên kết chống chế độ Assad. Điều này chính họ đã phải thừa nhận.

Thực chất là họ không tin nhau, không muốn nhường nhịn nhau – nghĩa là lợi ích của các thành phần không được thỏa mãn theo ý họ. Các lực lượng chống Assad hình thành nên phe đối lập tại Syria chỉ có điểm chung là chống Assad, muốn thay thế Assad bằng một chế độ khác, mà họ phải là thành phần chính của chế độ ấy.

Trên chiến trường họ yếu về lực nên phải nhận nhiều thất bại, song trên chính trường họ cũng không có những bước tiến quan trọng nào. Niềm tin của phe đối lập vào những lực lượng hòa giải quốc tế muốn giúp họ không được chính họ khẳng định và củng cố. Còn niềm tin của người dân Syria hướng về họ cũng rất nhạt nhòa.

Phe đối lập tại Syria được tạo điều kiện tham gia các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria và ngay cả hòa đàm Astana, vì những nhà hòa giải muốn có một giải pháp hòa bình cho Syria cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Tuy nhiên, với quan điểm qua các cuộc đàm phán, phe đối lập Syria cho thấy họ ngày càng chứng tỏ họ chưa thể tham gia vào việc nắm giữ vận mệnh quốc gia.

Điều quan trọng nhất mà những nhà hòa giải quốc tế không tin phe đối lập tại Syria bởi họ không phải là lực lượng đại diện cho nhân dân Syria. Có thể thấy quan điểm của họ dường như không hướng tới lợi ích cho người dân Syria khi trong bất cứ cuộc đàm phán nào họ cũng thể hiện lập trường không phù hợp với lực của họ trên chiến trường, thế của họ trên chính trường.

Nếu phe đối lập không kịp thời thay đổi lập trường, họ có thể phải nhận kết quả “già néo đứt dây”. Yêu cầu của phe đối lập tại Syria cho thấy họ thiếu tự tin vào khả năng của mình, có lẽ do họ đến Astana trong bối cảnh thiếu cả thế và lực, còn lực lượng bảo trợ của họ - mà cụ thể là Mỹ - cũng chỉ được mời tham dự hòa đàm Astana, chứ không phải đồng tổ chức.

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Hòa đàm Astana, Bashar Jaafari
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Hòa đàm Astana, Bashar Jaafari

Thoạt nghe có cảm tưởng mục đích hành động của phe đối lập Syria là rất nhân văn, nhưng thực ra qua những yêu cầu đó càng chứng minh phe đối lập không xem lợi ích của toàn dân tộc Syria làm động lực, làm mục đích cho hành động của họ. Bởi lẽ mong muốn của họ chỉ nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích cho họ trong bối cảnh lực yếu, thế kém.

Cá nhân người viết cho rằng, những tính toán của phe đối lập Syria không sáng suốt nên có thể họ chẳng đạt được điều gì từ hòa đàm Astana, thậm chí có thể còn có hệ lụy, khi những người bảo trợ cho chưa thể giúp thêm lực cho họ trên chiến trường – mặt trận quân sự, thì họ thì lại đánh mất thế của mình trên chính trường – mặt trận ngoại giao.

Như vậy, đạn pháo có thể vẫn chưa ngừng rơi trên đất nước Syria, người dân Syria vẫn chưa thể hết đổ máu vì xung đột, vì nội chiến mà nguyên nhân chính là do toan tính cho mưu đồ của những lực lượng có lợi ích gắn liền với tính mạng của người dân Syria, trong đó có phe đối lập Syria. Thực tế đó có thể gây nguy hại cho phe đối lập Syria khi không thể thay đổi được vị thế và vai trò của họ trong bàn cờ chính trị tại Syria.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt