1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồ sơ Panama: Những công ty "ma" và chiêu che giấu tài sản

(Dân trí) - Chỉ cần chi 825 USD các khách hàng của công ty Mossack Fonseca đã có thể thành lập một công ty ở những "thiên đường thuế", và có thể sử dụng công ty đó làm vỏ bọc cho mục đích giấu kín tài sản, danh tính, né thuế thu nhập và cả rửa tiền.

Thông tin từ 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ công ty Mossack Fonseca đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận thế giới cũng như các cơ quan điều tra, khi rất nhiều nhân vật nổi tiếng, quan chức chính trị bị phát hiện sở hữu các công ty bí mật tại các “thiên đường thuế” - các quốc gia, vùng lãnh thổ không đánh thuế thu nhập hoặc thuế thặng dư vốn đầu tư.

Road Town, thủ phủ của Đảo Virgin, nơi có dân số chỉ 30.000 người nhưng có tới hơn nửa triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập. (Ảnh: NatGeo)
Road Town, thủ phủ của Đảo Virgin, nơi có dân số chỉ 30.000 người nhưng có tới hơn nửa triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập. (Ảnh: NatGeo)

Theo BBC, có những cách hợp pháp để sử dụng những thiên đường thuế này, nhưng hầu hết những gì đang bị phanh phui liên quan đến việc che giấu danh tính của chủ sở hữu thực sự các món tiền, nguồn gốc số tiền, cũng như việc tránh bị đánh thuế.

Cách thức để đạt được những mục tiêu trên là khá giống nhau, cho dù là một doanh nhân giàu có muốn trốn thuế, hay một băng đảng mua túy muốn rửa tiền.

Mossack Fonseca đến nay vẫn khẳng định họ luôn tuân thủ các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo các công ty họ giúp thành lập không được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố, hoặc các mục đích phi pháp khác.

Công ty vỏ bọc

Một công ty vỏ bọc về bề ngoài giống như mọi công ty hợp pháp khác. Dù vậy công ty vỏ bọc đơn giản chỉ là một cái vỏ rỗng, không có hoạt động kinh doanh thực sự. Những công ty như vậy không làm việc gì khác ngoài việc quản lý số tiền có được, trong khi che giấu những chủ sở hữu thực của số tiền đó.

Quản lý của một công ty vỏ bọc có thể là các luật sư, kế toán, hoặc thậm chí là nhân viên lau dọn văn phòng, những người không làm việc gì khác ngoài việc ký hồ sơ, chứng từ. Khi cơ quan chức năng muốn tìm hiểu ai thực sự sở hữu hay kiểm soát tiền trong các công ty vỏ bọc, họ chỉ được báo rằng ban lãnh đạo làm việc đó, nhưng sự thật không phải vậy.

Ông Ian Cameron, cha của Thủ tướng Anh David Cameron, đang bị báo giới Anh tố dùng cách này để tránh phải đóng thuế. Quỹ đầu tư Blairmore Holdings Inc mà ông Ian Cameron từng quản lý được thành lập tại Bahamas. Một “đội quân nhỏ cư dân Bahamas được thuê để ký chứng từ, bao gồm cả một mục sư làm việc bán thời gian”, tờ Guardian khẳng định. Sau 30 năm hoạt động, Blairmore chưa nộp một đồng nào tiền thuế cho chính phủ Anh.

Thiên đường thuế

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các công ty vỏ bọc thường được đặt tại những thiên đường thuế. Đây thường là những quốc đảo nhỏ, có đạo luật giữ bí mật ngân hàng nghiêm ngặt và áp dụng mức thuế rất thấp hoặc bằng 0 đối với các giao dịch tài chính. Những “thiên đường thuế” phổ biến được biết đến gồm Đảo Virgin, Macao, Bahamas và Panama.

Tại những nơi này, hầu hết các dịch vụ tài chính đều hợp pháp, nhưng điều khiến chúng trở nên hấp dẫn với những phần tử tội phạm tài chính, rửa tiền đó là các quy định về giữ bí mật. Những nơi có sự quản lý yếu kém hoặc đơn giản là ngó lơ cho các hành vi đáng ngờ lại càng hấp dẫn hơn.

Mossack Fonseca có chi nhánh tại Đảo Virgin, đặt trong cùng tòa nhà với Cơ quan du lịch hòn đảo này. (Ảnh: ICIJ)
Mossack Fonseca có chi nhánh tại Đảo Virgin, đặt trong cùng tòa nhà với Cơ quan du lịch hòn đảo này. (Ảnh: ICIJ)

Đảo Virgin hiện có tới 80% nguồn thu ngân sách từ hoạt động tài chính, nhưng nơi đây không áp đặt thuế thu nhập, không đánh thuế doanh thu và cũng miễn luôn các loại thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động thương mại diễn ra bên ngoài hòn đảo này. Chi phí duy nhất một doanh nghiệp thành lập tại đây phải chịu là lệ phí đăng ký doanh nghiệp thường niên, theo tờ The Star.

Cũng chính vì vậy, từ năm 1984 đến này, hơn 1 triệu công ty đã thành lập tại Đảo Virgin, và hơn một nửa số đó vẫn đang hoạt động. Với dân số chỉ 30.000 người, trung bình mỗi người dân trên hòn đảo này có tới 16 công ty. Dù vậy, đại đa số các công ty chi tồn tại trên giấy tờ và có một hộp thư gọi là có. Chính quyền không yêu cầu cổ đông hay lãnh đạo công ty phải sống tại đảo này.

Theo các email của Mossack Fonseca bị rò rỉ, khách hàng của công ty này chỉ cần chi 825 USD để mở một công ty tại những thiên đường thuế như Đảo Virgin. Chi ra thêm 450 USD nữa công ty tại Panama này sẽ “lo” luôn nhân sự ban lãnh đạo. Và nếu khách hàng muốn công ty của mình có vẻ ít "ảo" hơn nữa, với chi phí trọn gói 3000 USD, Mossack Fonseca sẽ làm thủ tục thành lập công ty, cung cấp danh sách ban lãnh đạo và các cổ đông, mở một tài khoản ngân hàng tại đảo St. Lucia ở Carribe hoặc đảo Bahamas. Hàng năm, khách hàng trả phí thường niên từ 622 USD – 2.600 USD.

Trong vòng 40 năm hoạt động, Mossack Fonseca đã cho ra đời 214.488 công ty vỏ bọc, quỹ tín thác, quỹ từ thiện ở nước ngoài, điều tra của Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế cho biết. Trong đó, có tới hàng nghìn công ty Mossack Fonseca không biết chủ thực sự là ai.

Cổ phiếu vô danh và trái phiếu

Cổ phiếu vô danh và trái phiếu là những công cụ hữu hiệu để giúp luân chuyển lượng lớn tiền mặt một cách dễ dàng. Có tính chất tương tự như tiền mặt nhưng thường có giá trị rất cao, cổ phiếu vô danh khiến việc vận chuyển trở nên thuận tiện, và khi cần chối bỏ quyền sở hữu cũng dễ dàng.

Nếu cổ phiếu vô danh hoặc trái phiếu đó được cất trong két sắt tại một văn phòng luật sư ở Panama, rất khó có ai biết đó là tài sản của bạn, thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của nó. Đây cũng là lí do vì sao chính phủ Mỹ từ năm 1982 đã dừng phát hành cổ phiếu vô danh do chúng quá dễ dàng bị các đối tượng tội phạm lợi dụng.

Rửa tiền

Những người sở hữu các khoản tiền phi pháp khi muốn che giấu quyền sở hữu của mình có thể chuyển tiền tới một công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế. Tại đây công ty vỏ bọc có thể giúp họ chuyển đổi tiền thành các cổ phiếu vô danh và được công ty vỏ bọc đó sở hữu mà không ai hay biết.

Người sở hữu số “tiền bẩn” cũng có thể dùng nó để mua bất động sản ở nước ngoài, trả tiền du học cho con cái, hay chi cho những chuyến du lịch mua sắm đắt tiền của người thân ở nước ngoài.

Lách lệnh cấm vận

Một trong những cách đề trừng phạt và hạn chế quyền lực của những chính quyền tai tiếng khắp thế giới là áp đặt các lệnh cấm vận, trừng phạt. Việc này có thể được tiến hành dưới dạng hạn chế nhập khẩu thiết bị quân sự, đạn dược, cấm xuất khẩu dầu mỏ, các hàng hóa khác hoặc cấm vận cá nhân, phong tỏa tài khoản ngân hàng của các nhà độc tài, người thân và người ủng hộ họ.

Nhưng các lệnh trừng phạt càng hà khắc, số tiền các công ty thu được từ giúp đối tượng bị cấm vận lách luật càng nhiều. Và việc sở hữu rất nhiều tài khoản ngân hàng bí mật và các công ty vỏ bọc tại những khu vực cơ quan chức năng sẵn sàng làm ngơ chính là chìa khóa để thu lời “khủng” một cách an toàn từ việc hỗ trợ đối tượng bị trừng phạt.

Thanh Tùng

Theo BBC, Guardian