1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hệ lụy của chính sách nhà ở Trung Quốc: Đám cưới hợp đồng và ly hôn chớp nhoáng

(Dân trí) - Nhiều công dân Trung Quốc đã lựa chọn phương án cưới hợp đồng hoặc ly hôn với bạn đời dù đang sống hạnh phúc để có thể hưởng lợi hoặc “lách” luật từ các chính sách nhà ở của Trung Quốc.


(Ảnh minh họa: Xinhua)

(Ảnh minh họa: Xinhua)

Khi bà Feng Ping lần đầu được thông báo vào năm 2008 rằng căn hộ nhỏ ở trung tâm thành phố Thượng Hải của bà sẽ bị di dời cho một dự án bất động sản, người phụ nữ đã ly dị này đã suy nghĩ tới việc lấy chồng mới.

Căn nhà rộng vỏn vẹn 20 m2 là nơi cư ngụ của bà Feng, vợ chồng con trai và đứa cháu nhỏ tuổi. Nhưng nếu có thêm 1 nhân khẩu nữa vào sống cùng trong căn hộ này, mức tiền đền bù sẽ được tâng lên đáng kể.

Bà Feng, hiện 65 tuổi, từng nghĩ tới việc mua một tờ giấy chứng nhận kết hôn giả để đánh lừa chủ đầu tư. Nhưng họ hàng của bà đã nhanh chóng cản người phụ nữ này lại vì họ cho rằng đó là một nước đi quá mạo hiểm. Nếu chính quyền phát hiện ra, bà Feng có thể sẽ phải đón nhận một số hình phạt khá nặng.

Nếu tên bà xuất hiện trong danh sách đen những người có tiền sử làm giấy tờ kết hôn giả, bà sẽ bị cấm làm việc trong các cơ quan chính phủ, bị từ chối khi đi xin trợ cấp và hàng loạt những quy định khác đã được luật nêu rõ.

Cuối cùng bà Feng đã chấp nhận cưới một người lạ mặt trong một cuộc hôn nhân trên giấy tờ để có thể có được căn nhà 3 tầng ở ngoại ô với tổng diện tích mặt sàn 170 m2. Bà trả cho “người chồng hợp đồng” gần 16.000 USD, trước khi họ ly dị trong hòa bình.

Cuộc hôn nhân giấy tờ của bà Feng nằm ngoài danh mục quy định của danh sách đen vì bà đã tuân thủ đúng pháp luật trên giấy tờ. Theo luật sư Lu Xiaoquan từ công ty luật Qianqian, giấy kết hôn hay ly dị chỉ quy định 2 người có sẵn sàng thành vợ chồng hoặc chia tay, chứ không thể quy định mục đích của việc kết hôn.

Ly hôn trên giấy tờ

(Ảnh minh họa: Imaginechina)
(Ảnh minh họa: Imaginechina)

Trong nhiều trường hợp, để lách qua các quy định về nhà ở do Trung Quốc ban hành, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly dị. Bà nội trợ Sue Ma ở thành phố Phúc Châu đã ly hôn chồng 3 năm trước để đóng khoản thế chấp và tiền lãi thấp hơn cho căn nhà thứ 2.

Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cố gắng làm “giảm nhiệt” giá nhà đất bằng cách tăng thuế với các cặp đôi vợ chồng mua ngôi nhà thứ 2. Sau khi ly dị chồng, bà Ma trở thành người độc thân và đã tránh được một khoản tiền lớn.

Căn nhà ở Thượng Hải được đứng tên chồng sau khi ly hôn, còn bà Ma đứng tên căn nhà thứ 2 ở Phúc Châu. Sau khi thủ tục mua bán hoàn thành, cặp đôi này đã tái hôn.

Bà Ma cho biết bà không cảm thấy bất tiện vì việc phải ly hôn tài hôn vì đó là vì lợi ích gia đình và cũng vì rất nhiều cặp đôi khác cũng làm như vậy. “Tại cơ quan dân sự, các cặp đôi đi làm thủ tục trông rất vui vẻ, trừ những cặp có trục trặc thật sự. Các cán bộ, những người có nhiệm vụ thuyết phục và hòa giải hôn nhân còn không buồn làm công việc của họ vì họ đã biết nguyên nhân đằng sau của cuộc chia tay”, bà Ma kể.

Phương pháp lách luật này đã trở nên phổ biến đến mức hồi tháng 8/2016 thành phố Thượng Hải phải ban hành luật giới hạn số hồ sơ nộp đơn ly hôn mỗi ngày do bị quá tải với hồ sơ và đơn từ.

Luật sư Lu cho rằng Trung Quốc cần có những chính sách chặt chẽ hơn nhằm phòng ngừa các lỗ hổng trong hệ thống và các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát hoạt động vay vốn của người vừa ly hôn.

Bà Xu Weihua, chuyên gia về gia đình và quyền phụ nữ cho rằng sự xuất hiện của bản “danh sách đen” cho thấy tình trạng đáng báo động khi những giá trị thiêng liêng của gia đình và hôn nhân bị biến tướng thành những toan tính tiền bạc.

Bà Xu cho biết bà đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn từ các phụ nữ sau khi ly hôn với chồng. Sau những cuộc ly hôn chớp nhoáng, khi tất cả tài sản chung của 2 người đã về tay người chồng, nhiều người đàn ông đã từ chối tái hôn với người vợ cũ. Lòng tin tưởng và thủy chung, những giá trị tốt đẹp của hôn nhân, bị “bóp méo” trong những trường hợp này, bà Xu nhận xét.

Đức Hoàng

Theo SCMP