1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hận thù bao trùm quê nhà Gadhafi

(Dân trí) - 2 tuần sau khi Muammar Gaddafi bị giết, họ hàng của ông ở Sirte, làng chài được cựu lãnh đạo Libya biến thành thành phố xinh đẹp, vẫn sục sôi trong giận dữ và oán hận - dấu hiệu cho thấy khó khăn nhãn tiền cho tương lai của Libya.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1818/Ong-Gadhafi-bi-ban-chet.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Ông Gadhafi bị bắn chết</b></a>

 
Hận thù bao trùm quê nhà Gadhafi - 1
Không khí oán hận vẫn bao trùm thành phố quê hương ông Gadhafi, 2 tuần sau khi thành phố này sụp đổ và ông Gadhafi bị giết chết.

 

Hiện chưa biết không khí hận thù này có thể biến thành hành động hay không, nhưng rõ ràng là có sự căm hận đối với những binh sỹ đã lật đổ người bà con của họ. Không khí hận thù cằng tăng khi ông Gadhafi bị lạm dụng sau khi bị bắt và thi thể của ông bị làm nhục.

 

“Bạn có quên được không nếu ai đó giết con trai của bạn một cách vô lý? Không, bạn sẽ không thể quên. Người dân ở đây cũng sẽ không bao giờ quên”, Hajj Abu Mohammed, một thành viên của bộ lạc Gaddadfa của ông Gadhafi ở Wadi Garif cho biết. Wadi Garif là nơi sinh của nhà lãnh đạo bị lật đổ, nằm gần Sirte.

 

“Đó sẽ là nợ máu”, ông cho biết khi đứng ở nơi được cho là mộ của mẹ và 3 người thân của ông Gadhafi. Những phần mộ này giờ trống rỗng và đã bị các chiến binh báng bổ trong khi diễn ra các cuộc giao tranh ở Sirte.

 

Người dân ở Sirte đặc biệt oán ghét các tay súng đến từ Misrata, thành phố lớn tiếp theo ở miền tây, cách đó khoảng 250km. Lý do bởi theo họ những người này đã chủ ý phá các phần mộ đó và chịu trách nhiệm cho gần như toàn bộ cảnh đổ nát và giết chóc ở Sirte.

 

Thương tiếc ngày xưa

 

Hàng trăm gia đình không có nơi để đi sau khi nhà của họ bị phá hủy trong cuộc chiến. Giờ đây họ sống rải rác ở các làng quanh Sirte. Một số ở với người thân. Số khác dựng lều sống trên sa mạc, sống trong các lán bỏ hoang hoặc trường học cũ.

 

Họ cho biết lính chống ông Gadhafi vẫn tiếp tục cướp bóc, đốt phá của cải của họ thậm chí sau khi chiến tranh đã kết thúc và ông Gadhafi đã chết. Người dân cho biết các tay súng chính phủ mới đã chĩa súng vào họ, bắt họ ra khỏi xe rồi cướp xe của họ.

 

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi chính quyền mới đảm bảo trật tự và tôn trọng quyền công dân, trước các bằng chứng về nhiều vụ lạm dụng. Có trường hợp, hàng chục thi thể, với một số bị trói tay, đã được tìm thấy bắn chết ở khuôn viên nơi lực lượng ủng hộ ông Gadhafi từng làm căn cứ.

 

Nhiều người Sirte vẫn ủng hộ mạnh mẽ cho ông Gadhafi. Trong khi đó, số khác chỉ đơn giản mong mỏi một cuộc sống an toàn và thịnh vượng như dưới 42 năm nắm quyền của ông Gadhafi. Một số bí mật giữ ảnh của ông Gadhafi lẫn trong đồ đạc, của cải của mình. Nhiều người coi ông là “nhà lãnh đạo cảm tử”.

 

“Chúng tôi chỉ có 4 thứ trong cuộc sống này”, một cô gái trẻ ở Sirte cho biết khi giơ  4 ngón tay lên. Giờ cô phải sống cùng với gia đình trong một ngôi trường bỏ hoang tại Wadi Garif. Cô cầm lấy cuốn sổ và cây bút phóng viên đưa cho và viết: “Allah, Muammar, Libya. Và….Đó là tất cả”. Đây cũng là khẩu hiệu thường thấy của người Libya dưới chế độ cũ.

 

“Chúng tôi được bảo vệ dưới thời Muammar. Chúng tôi không bao giờ nghĩ cuối cùng sẽ phải sống ở trường học như thế này”, cô nói. “Hãy nhìn quanh, không có lương thực hỗ trợ từ bất kỳ tổ chức nào, không có chuyến thăm chính thức nào. Không có ai cả”.

 

Cảnh báo về một cuộc “tắm máu”

 

Hành động “trưng” xác của ông Gadhafi ở trong một phòng lạnh tại Misrata trong suốt 4 ngày cũng khiến các thành viên bộ lạc cùng người dân quê nhà của ông Gadhafi nổi giận. Họ lại càng bất bình khi cuối cùng ông bị chôn bí mật.

 

“Các tộc trưởng trong bộ lạc của chúng tôi đã tới Tripoli để xin nhận xác Muammar. Nhưng sau đó người Misrata từ chối giao nộp xác. Họ nói ông ấy sẽ không được chôn cùng với người Hồi giáo”,  Hajj Abu Mohammed cho hay. “Chúng tôi thậm chí còn đào sẵn mộ ở đây để chôn cất ông. Nhưng họ đã nói không”.

 

Một người dân khác cho biết: “Thậm chí khi ông Gadhafi chết, họ vẫn sợ ông ấy. Có thể họ sợ sẽ có nổi loạn nếu người ta biết ông ấy chôn cất ở đâu”.

 

Nhiều người dân Libya lo ngại nội chiến có thể bùng phát giữa các bộ lạc và các vùng nếu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) không hòa giải được những oán hận do cuộc chiến tạo ra và không giải quyết được ổn thỏa số vũ khí còn nằm ngổn ngang khắp cả nước.

 

“Libya là một nền văn hóa bộ lạc và nếu họ không hòa giải được giữa các bộ lạc, sẽ có một cuộc tắm máu”, Abdullah, một thanh niên thuộc bộ lạc Gaddadfa cho hay.

 

Phan Anh

Theo Reuters