1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Giới học giả "bắt bài" Trung Quốc

Một số nhà phân tích nhìn nhận, hành động leo thang của Trung Quốc gần đây chính là kế nghi binh nhằm phục vụ cho quá trình chuyển giao hàng ngũ lãnh đạo, để cho chính phủ có dịp phô diễn sức mạnh ở một thời điểm cực kỳ nhạy cảm.

Thực tế, Trung Quốc muốn 80% Biển Đông. Ông Ngô là một chính trị gia lão luyện của Trung Quốc, có sở thích tranh sơn dầu và những bộ đồ nội thất đẹp đẽ mang phong cách châu Âu. Ông thực tế rất gắt gao ủng hộ cho những tuyên bố chủ quyền lâu nay của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông trong trong một cuộc tranh chấp mà Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngang ngạnh với một số quốc gia trong khu vực khiến các nước này lôi kéo Mỹ tham gia sâu hơn và cuộc xung đột.

Trung Quốc mới đây vừa thành lập một lực lượng quân đội đồn trú lớn hơn và mở rộng quy mô một cơ quan lập pháp đặt đảo Phú Lâm, (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - người dịch) nơi cách Hải Nam hơn 200 dặm về phía tây nam. Mục tiêu của động thái này, ông Ngô ngang nhiên nói, là để cho phép Bắc Kinh "thực thi chủ quyền đối với tất cả các đảo và bãi đá trong Biển Đông" bao gồm hơn 40 đảo "đang bị chiếm giữ trái phép" bởi Việt Nam, Philippine và Malaysia.

Trong mấy tuần vừa qua, Trung Quốc liên tục gia tăng áp lực, cử đi các đội tuần tra với các tàu lớn hơn và liên tục đưa ra các các cảnh báo trên các tờ báo do chính phủ quản lý đối với Washington, yêu cầu Mỹ ngừng ủng hộ các đối tác châu Á chống lại Trung Quốc.

Giới học giả "bắt bài" Trung Quốc - 1
Ảnh minh họa

Giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như đang cố gắng xiết chặt Biển Đông như một cách thể hiện cho người dân trong nước thấy rằng Bắc Kinh giờ đã là một cường quốc khu vực, có thể làm mọi thứ theo ý mình tại một khu vực từ lâu đã "được coi" là thuộc sở hữu chính đáng của mình.

Một số nhà phân tích thì nhìn nhận, hành động leo thang chính là kế nghi binh nhằm phục vụ cho quá trình chuyển giao hàng ngũ lãnh đạo sau 10 năm mới diễn ra, để cho chính phủ có dịp phô diễn sức mạnh ở một thời điểm cực kỳ nhạy cảm.

Kishore Mahbubani, hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói về hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc: "Họ phải cố gắng thể hiện để người dân trong nước thấy họ mạnh mẽ và táo bạo cho đến vài tháng tới. Họ phải chắc chắn rằng họ không bị nhìn nhận là kẻ yếu đuối".

Chính quyền Obama, bị báo động bởi sự quá trớn của Trung Quốc, đã lên tiếng, tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán, và do là một trong những hành lang thương mại quan trọng bậc nhất thế giới, Biển Đông nên được hưởng sự tự do hàng hải. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong một tuyên bố mạnh mẽ hơn bình thường vừa qua nhằm cảnh báo Trung Quốc nên ôn hòa hơn trong thái độ, nêu rõ, Washington tin rằng những tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết hòa bình, "không ép buộc, không dọa nạt, không đe dọa sử dụng vũ lực và không sử dụng vũ lực".

Washington đã phản ứng lại với những gì mà Mỹ coi là một chiến dịch ngoan cố của Trung Quốc đối với Biển Đông sau khi Bắc Kinh góp phần ngăn cản ASEAN, tại một hội nghị thượng đỉnh tại Campuchia hồi tháng 7, ra bản thông cáo chung nêu cách tiếp cận chung về Biển Đông.

Tranh chấp không ngừng leo thang. Ngày 31/7, đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố thành lập "một hệ thống tuần tra trực chiến" tại các vùng biển "thuộc quyền tài phán" của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc sau đó cho biết, đã hạ thủy một tàu tuần tra mới nhất, loại 5.400 tấn. Tàu được thiết kế đặc biệt để bảo vệ "chủ quyền biển", tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin.

Các nước láng giềng càng không khỏi quan ngại khi một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc bị phát hiện mắc cạn gần một khu vực bãi đá có tên là bãi Trăng Khuyết hồi tháng 7, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippine. Vụ tai nạn đặt ra câu hỏi về năng lực của hải quân Trung Quốc và mối hoài nghi về mục đích hoạt động của con tàu tại đây.

Thế nhưng, Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải, một viện nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông, thậm chí vẫn quả quyết, mọi hành động của Trung Quốc đều không hề khiếm nhã.

Khi được phỏng vấn tại văn phòng rộng rãi được trang trí các bức tranh phong cảnh của Ý và Nga, ông vừa trở về sau một ngày tham dự buổi lễ mở rộng cơ quan lập pháp và đơn vị đồn trú trên đảo Phú Lâm.

Phú Lâm, một hòn đảo đầy cát bao quanh, rộng chưa đầy một dặm vuông, với một đường băng có khả năng phục vụ các máy bay hành khách hạng trung, thực tế là một đảo trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một chiếc Boeing 737 đưa những hành khách đặc biệt tới tham dự buổi lễ, trong đó có người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Hải Nam, đến để chúc mừng các cán bộ, và đơn vị đồn trú mới, ông Ngô tiết lộ.

Sự hiện diện lớn hơn của quân đội Trung Quốc trên hòn đảo khiến Philippine đặc biệt lo ngại bởi nó đưa Trung Quốc có mặt tới gần hơn các đảo thuộc Biển Đông mà Philippine tuyên bố chủ quyền.

Kể từ những năm 1990, khoảng 620 cư dân hòn đảo Phú Lâm đã được hưởng nước uống, điện sinh hoạt và có máy điều hòa nhiệt độ. Cơ quan lập pháp 45 thành viên mới, đặt tại ngôi nhà gạch hai tầng với các trụ và mái vòm treo các tấm rèm xanh đỏ để chuẩn bị cho buổi lễ, được thành lập để ban hành luật lệ về các vấn đề biển trên Biển Đông, ông nói.

Tại viện nghiên cứu của ông Ngô, trên đảo Hải Nam, một tòa nhà mới đẹp đẽ, khách tới thăm được mời vào một phòng kính hiện đại và được mở xem một đoạn video tuyên truyền về chính sách. Đoạn băng dám nói Trung Quốc có các quyền biển với khu vực rộng lớn của Biển Đông, mặc dù không nói cụ thể là bao nhiêu. Chừng 1,4 triệu dặm vuông Biển Đông "có tầm quan trọng đối với tương lai trở thành một quốc gia biển không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc", bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại nối giữa Trung Quốc và Mỹ, châu Phi và châu Âu, đoạn băng phân tích.

Phó giám đốc viện nghiên cứu Lưu Phong (Liu Feng), nói Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền với phần lớn các đảo trên Biển Đông, mà còn cả các quyền hàng hải, khai thác thủy hải sản và khoảng sản "trong toàn bộ đường chín đoạn".

"Đường chín đoạn", xuất hiện trong các văn kiện chính phủ và thậm chí trong tờ tạp chí hàng không nội địa của hãng Air China, là một trong những điểm chính gây xung đột trong các tranh chấp Biển Đông. Đường chữ U này kéo dài về phía nam, ép sát Việt Nam và Philippine ở hai bên trước khi "liếm" gần tới Malaysia. Bản đồ được vẽ từ trước khi nhà nước Trung Quốc hiện nay thành lập, nhưng không được bất cứ quốc gia nào công nhận.

Về vấn đề mất bao lâu để Trung Quốc giành lấy các đảo đang yêu sách chủ quyền, ông Ngô cho biết, ông không thể đoán trước. Các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác vẫn rất kiên định, ông phải thừa nhận. Tuy nhiên, sự tái can dự của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nghĩa là "chúng tôi sẽ gặp trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác".

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức lên tiếng cáo buộc Washington hùa theo các nước châu Á nhỏ hơn để chống lại Trung Quốc. Ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Robert S. Wang, phó trưởng đoàn đại diện Mỹ tại Bắc Kinh, và gửi đi một tuyên bố nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã thể hiện "hoàn toàn thiếu tôn trọng sự thật, gây nhầm lẫn đúng sai, và phát đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng".
 
Theo Đình Ngân
Vietnamnet/NYtimes