1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ở Thái Lan?

(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng Thái Lan đang tiến tới nhiều năm bất ổn chính trị và để tìm được giải pháp chấm dứt tình trạng đối đầu hiện nay, phải hiểu nguyên nhân gốc rễ của xung đột dai dẳng này.

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ở Thái Lan? - 1
Bất ổn chính trị Thái Lan được "mã hóa" bằng màu sắc: Đỏ và Vàng.
 
Tình trạng hỗn loạn chính trị được đánh mã bằng mầu sắc một lần nữa lại khiến vương quốc Thái Lan trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, khi những người biểu tình áo đỏ thân Thaksin và chống chính phủ đột nhập vào địa điểm diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Á, buộc chính phủ của Thủ tướng Ahbisit phải tuyên bố tạm hoãn các cuộc họp đến tháng 8.

 

Do tình hình ngày càng nghiêm trọng, xe tăng đã được triển khai trên các đường phố Bangkok, khiến người ta nhớ lại cuộc đảo chính quân sự năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, châm ngòi cho tình trạng bất ổn kéo dài suốt ba năm qua ở nước này. Chưa dừng ở đó, đã có tiếng súng và ít nhất 77 người biểu tình bị thương trong các cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ khi phe áo đỏ bắt đầu xuống đường hôm 26/3.

 

Khi Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva tuyên bố những người biểu tình có thể phải đối mặt với vũ lực của chính phủ, các nhà phân tích cho rằng việc hoãn tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Pattaya sẽ chỉ dẫn đến thêm những chia rẽ. “Sự việc này sẽ càng khoét sâu hơn những bất hòa trong xã hội Thái Lan. Thái Lan sẽ bị chia rẽ và bất ổn trong vài năm tới”, viện sĩ Somchai Phagaphasvivat của Đại học danh tiếng Thammasat ở Thái Lan nói. “Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai – ngay kể cả là một chính phủ quân sự”.

 

Thaksin, dù đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh lệnh truy nã do tham nhũng, nhưng vẫn là nhân vật đầy ảnh hưởng. Thaksin đang là trung tâm của những chia rẽ này: ông nhận được sự ủng hộ của những người nghèo ở thành thị và nông thôn – mà đại diện là phe áo đỏ vừa buộc chính phủ đương nhiệm tạm hoãn hội nghị thượng đỉnh khu vực. Phía kia là phe Bảo hoàng, quân đội và bộ máy chính phủ - mà đại diện là phe áo vàng chống lại Thaksin và sát cánh cùng chính quyền Abhisit.

 

Ông Abhisit mới chỉ cầm quyền từ tháng 12 năm ngoái, khi tòa án ra phán quyết giải tán chính phủ thân Thaksin, nhưng nhiều nhà phân tích trong nước cho rằng giống như những người tiền nhiệm, ông đã thất bại trong việc thực thi tốt cam kết thống nhất đất nước. Là vị thủ tướng thứ tư của Thái Lan trong vòng một năm, những vấn đề số phận của cá nhân ông Abhisit hiện không quan trọng bằng việc tìm ra một giải pháp lâu dài để khôi phục dứt điểm nền hòa bình trong nước. Không có ổn định, đầu tư nước ngoài và du lịch sẽ tránh xa Thái Lan, làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn ảm đạm của nước này.

 

Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ở Thái Lan? - 2
Bất ổn ở Thái Lan được dự đoán khó mà giải quyết trong một sớm một chiều.
 

“Sự thật, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các đối tác bị hoãn lại đang khiến chính phủ mất mặt”, nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện an ninh và Nghiên cứu quốc tế của đại học Chulalongkorn ở Bangkok nói. “Sự việc này cho thế giới thấy rằng những diễn biến xảy ra năm ngoái không phải sẽ chỉ xảy ra một lần” – ông ám chỉ vụ người biểu tình áo vàng phong tỏa hai sân bay chính ở Bankkok. Ông cho rằng đây là trò chơi nguy hiểm nhất mà người ta từng thấy ở Thái Lan trong vòng 4 năm qua. Những người biểu tình đang nhằm vào các ủy viên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia, cấp thậm chí còn cao hơn chính phủ.

 

Theo ông, người dân Thái Lan cần sự hòa giải. “Tôi không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự hòa giải. Những chỉ dấu đang cho thấy chiều hướng ngược lại, rằng mọi việc đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn”. 

 

Đó là lý do ông Thitinan nhận định, việc học cách chung sống với những mâu thuẫn xã hội là hy vọng duy nhất để Thái Lan tránh được đổ máu trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang rơi vào suy thoái. 

 

Báo chí Thái Lan thì dẫn lời các nhà phân tích trong nước nhấn mạnh chỉ có thể tìm được một giải pháp nếu hai bên ngồi vào bàn thương lượng, tìm một giải pháp chung. Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử trước thời hạn là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

 

Nguyễn Viết

Theo Asiatimes, Bangkok Post

Dòng sự kiện: Biểu tình ở Thái Lan