1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã tên lửa mạnh nhất vừa “trình làng” của Triều Tiên

(Dân trí) - Sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-15 vào sáng qua 29/11, giới quân sự của nhiều nước đã nhanh chóng vào cuộc để giải mã loại tên lửa được cho là mạnh nhất hiện nay của Bình Nhưỡng.

Người Triều Tiên hân hoan theo dõi vụ phóng tên lửa mạnh chưa từng có

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 trong vụ phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 trong vụ phóng ngày 29/11 (Ảnh: Reuters)

Trong thông báo chính thức phát trên kênh truyền hình nhà nước hôm qua 29/11, Triều Tiên cho biết đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn với khả năng tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng nói rằng Hwasong-15 đã bay cao 4.475 km, gấp hơn 10 lần so với độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế, bay xa 950 km trong khoảng thời gian là 53 phút. Những thông tin do Triều Tiên đưa ra cũng gần như trùng khớp với các con số mà quân đội Hàn Quốc tính toán được sau khi phát hiện Bình Nhưỡng phóng tên lửa.

Quân đội Hàn Quốc cho rằng tên lửa Hwasong-15 do Triều Tiên phóng đi sáng qua là loại tên lửa mới được phát triển, chứ không phải là một biến thể của tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 mà nước này từng thử nghiệm trước đây. Nhận định trên được đưa ra sau khi Triều Tiên chính thức công bố các bức ảnh chụp tên lửa Hwasong-15 vào sáng nay và người xem có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt về thiết kế của 2 loại tên lửa này.

Tên lửa Hwasong-15 được đặt trên xe mang phóng tự hành với 9 bánh xe mỗi bên (Ảnh: Reuters)
Tên lửa Hwasong-15 được đặt trên xe mang phóng tự hành với 9 bánh xe mỗi bên (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi cho rằng Hwasong-15 là loại tên lửa mới. Có thể thấy sự khác biệt rõ ràng về thiết kế của đầu đạn tên lửa Hwasong-15, phần kết nối giữa tầng thứ nhất và tầng thứ hai của tên lửa, cũng như kích thước tổng thể”, Đại tá Roh Jae-cheon, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc, cho biết sau khi trích dẫn các dữ liệu phân tích sơ bộ.

Căn cứ trên bức ảnh do Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên công bố, phần chóp của tên lửa Hwasong-15 có hình tròn và tương đối tù trong khi chóp của tên lửa Hwasong-14 được thiết kế nhọn. Ngoài ra, các hình ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy tên lửa Hwasong-15 được chở trên xe mang phóng tự hành (TEL) 18 bánh trong khi xe chở tên lửa Hwasong-14 chỉ có 16 bánh. Điều này đồng nghĩa với việc tên lửa Hwasong-15 dài hơn so với tên lửa trước đây.

Nhà phân tích Shin Jong Woo thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc (KODEF) có trụ sở tại thủ đô Seoul cho biết Triều Tiên có thể đã trang bị động cơ kép cho giai đoạn đầu của quá trình phóng tên lửa Hwasong-15.

“Tên lửa Hwasong-14 được trang bị một động cơ rocket Peaktusan nhưng Hwasong-15 dường như có tới 2 động cơ”, ông Shin cho biết.

Ẩn số kỹ thuật

Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có phần chóp nhọn và kích thước ngắn hơn tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có phần chóp nhọn và kích thước ngắn hơn tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: KCNA)

Theo tuyên bố của Triều Tiên, tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 là tên lửa uy lực nhất hiện nay trong kho vũ khí và sức mạnh của tên lửa này đã góp phần hoàn thiện chương trình phát triển hệ thống vũ khí của Bình Nhưỡng. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận rằng tên lửa mới của Triều Tiên mạnh hơn so với các tên lửa trước đây.

Hồi tháng 7, Triều Tiên đã phóng thử 2 tên lửa ICBM Hwasong-14 với độ cao khoảng 3.000 km bay qua lãnh thổ Nhật Bản. So với hai vụ phóng ICBM ngày 4/7 (kéo dài 37 phút) và ngày 28/8 (kéo dài 47 phút), tên lửa mới nhất của Triều Tiên không chỉ bay xa hơn mà còn bay lâu hơn. Các chuyên gia cho rằng đây là tên lửa tầm bắn xa nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng.

Một số chuyên gia nhận định nếu bay ở quỹ đạo chuẩn thay vì phóng ở góc độ cao, tên lửa do Triều Tiên phóng đi sáng 29/11 sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km. Như vậy tầm bắn của Hwasong-15 xa hơn 3.000 so với Hwasong-14 và hoàn toàn có thể vươn tới các thành phố lớn trên thế giới. Ước tính Hwasong-15 sẽ mất khoảng 40 phút 30 giây để tới New York, 41 phút để tới Washington và 32 phút 20 giây tới London. Đối với các nước lân cận Triều Tiên, Hwasong-15 cũng chỉ mất chưa đầy 5 phút để tới Bắc Kinh hay Tokyo và chưa đầy 50 giây để tới thủ đô Seoul.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa ngày 29/11 qua màn hình (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa ngày 29/11 qua màn hình (Ảnh: Reuters)

Việc giải mã chi tiết tên lửa Hwasong-15 vẫn đang là ẩn số đối với giới phân tích nước ngoài vì Triều Tiên vẫn chưa tiết lộ chính thức các thông số kỹ thuật của loại tên lửa này. Hơn nữa, Bình Nhưỡng chọn phóng tên lửa trong khoảng thời gian buổi đêm và sáng sớm, do vậy các phương tiện tình báo của các nước rất khó để theo dõi loại vũ khí này.

“Vụ thử nghiệm bất thường ở chỗ nó diễn ra vào đêm muộn, có lẽ do Triều Tiên muốn tránh bị lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ đánh chặn”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp