1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Giải mã" quan hệ Nga - Triều giữa lúc căng thẳng

(Dân trí) - Trong khi Triều Tiên liên tục cho thấy sự tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này và đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh tay từ cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng được cho là vẫn nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Giới phân tích cho rằng Moscow có lý do để làm như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp mặt cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Vladivostok hồi tháng 8/2002 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp mặt cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại Vladivostok hồi tháng 8/2002 (Ảnh: Reuters)

Quan hệ lâu dài

Theo Fox, quan hệ Nga - Triều chính thức “bắt rễ” từ giai đoạn cuối Thế chiến II khi Triều Tiên đóng vai trò là một đồng minh của Liên Xô ở khu vực phía đông. Mặc dù Nga và Triều Tiên chỉ có chung khoảng 17 km biên giới trên đất liền và 19 km biên giới trên biển, tuy nhiên đây lại là những tuyến đường mang lại hiệu quả cao cho giao thương hai nước.

Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên đã từng ca ngợi các mối quan hệ gần gũi về thương mại và kinh tế giữa hai nước, đồng thời cho biết các công ty tư nhân của Nga đang tìm cách khai thác thị trường còn mới mẻ như Triều Tiên. Trong khi đó, chính phủ Nga cũng có các dự án lớn để đầu tư vào quốc gia Đông Bắc Á như đường ống dẫn dầu hay hệ thống đường dây điện.

Năm 2012, Nga đã nhất trí xóa tới 90% khoản tiền 11 tỷ USD mà Triều Tiên nợ Nga từ thời Liên Xô. Trong khi đó, số tiền nợ còn lại sẽ được trả vào một tài khoản để góp phần phát triển thương mại chung giữa Nga và Triều Tiên.

Nga là một trong những nước viện trợ lương thực lớn nhất cho Triều Tiên. Ngoài ra, Nga từ lâu cũng là nước tiếp nhận chủ yếu các lao động giá rẻ của Triều Tiên. Hơn 50 năm qua, nhiều người Triều Tiên đã được gửi sang làm việc tại các khu rừng ở vùng Siberia của Nga. Gần đây, Nga cũng đã thuê người lao động Triều Tiên làm công nhân xây dựng tại các thành phố như St. Petersburg để chuẩn bị cho giải bóng đá thế giới World Cup 2018, hoặc làm việc tại các hộ gia đình trên khắp nước Nga.

Cách đây 4 tháng, một tuyến phà mới cũng đã được thiết lập để vận chuyển hàng hóa và hành khách di chuyển qua lại giữa hai khu vực Vladivostok của Nga và Rason của Triều Tiên. Theo báo cáo của Washington Post, giới chức Mỹ tin rằng các đối tượng buôn lậu người Nga vẫn đang hoạt động trên tuyến phà nối giữa hai cảng Vladivostok và Rason để né tránh các lệnh trừng phạt, trong đó các ông chủ Nga thành lập các công ty bình phong để che đậy các khoản giao dịch với Triều Tiên.

Các động thái trên của Nga được cho là nhằm tạo “đường sống” cho Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng không bị sụp đổ sau các lệnh trừng phạt ngày càng mạnh tay của cộng đồng quốc tế.

Thay đổi nhận thức

Hội đồng Bản an Liên Hợp Quốc họp thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 11/9 (Ảnh: Reuters)
Hội đồng Bản an Liên Hợp Quốc họp thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 11/9 (Ảnh: Reuters)

Theo một số chuyên gia, mục đích của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tìm cách giúp đỡ Triều Tiên và làm nhẹ bớt các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng là nhằm làm thay đổi nhận thức của chính các nước về các lệnh trừng phạt này.

Bản thân Nga cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của cộng đồng quốc tế. Do vậy, nếu Nga có thể giúp Triều Tiên vượt qua các lệnh trừng phạt thì đó cũng là cách để Moscow chứng minh rằng các lệnh trừng phạt này vốn không hề phát huy tác dụng.

Tổng thống Putin có thể đang tìm cách “tiếp thêm động lực” cho những tiếng nói phản đối các lệnh trừng phạt tại chính các nước phương Tây. Đây là những ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia khác hoặc là không hiệu quả, hoặc chỉ mang tính khiêu khích.

Theo ông Geoff Hellman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Diễn đàn Chính sách Kinh tế chuyên nghiên cứu các hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nga, việc chính quyền Tổng thống Putin giúp đỡ Triều Tiên còn nhằm nâng cao hình ảnh của chính nước Nga tại quê nhà.

Theo đó, người dân Nga sẽ nhìn nhận đất nước họ như một quốc gia “yêu hòa bình, mong muốn duy trì trật tự và luật pháp, đồng thời cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế”, khác hoàn toàn so với một quốc gia “hiếu chiến” như Mỹ.

“Nga chỉ ủng hộ các hành động mang lại lợi ích cho Nga. Mặc dù tỏ ra là ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, nhưng thực chất Nga lại ủng hộ Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt này. Chẳng hạn, Nga đã thành lập các công ty bình phong ở Singapore để vận chuyển dầu bằng tàu (tới Triều Tiên)”, ông Hellman cho biết.

Khẳng định vị thế

Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Một lý do nữa khiến Nga muốn hỗ trợ Triều Tiên đó là nhằm khẳng định vị thế của Moscow. Mặc dù Tổng thống Putin gần đây lên tiếng phản đối các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố không ủng hộ giải pháp quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng vì lo ngại điều này sẽ dẫn tới “thảm kịch toàn cầu”.

Chính quyền Tổng thống Putin từ lâu đã theo đuổi lập trường chống lại toan tính lật đổ chế độ Triều Tiên của Mỹ. Bằng cách bảo vệ Triều Tiên trước sức ép của Mỹ, Nga có thể khẳng định vai trò của nước này như một nhân vật chủ chốt trên bàn cờ chính trị quốc tế.

“Nga có thể không thích những gì Triều Tiên đang làm, nhưng bằng cách duy trì lập trường này (ủng hộ Triều Tiên), Nga sẽ trở thành một nhân vật có vị thế trên trường quốc tế, và đây chính là một trong những mục tiêu của họ”, Clint Watts, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho biết.

Ngoài ra, bằng cách xích lại gần Triều Tiên, quốc gia vốn được xem là “cái gai” trong mắt Mỹ, Nga có thể tạo ra một quân bài mặc cả mạnh hơn với Mỹ để đổi lại những gì mà Moscow muốn ở Washington.

“Theo tính toán của ông Putin, chính những động thái gây căng thẳng của Triều Tiên lại làm cho vị thế của Nga tăng lên, vì khi đó Mỹ sẽ phải nài nỉ sự trợ giúp của Nga. Xét từ góc độ thương lượng, Nga cần hỗ trợ Triều Tiên và sau đó chờ xem Nga có thể nhận lại từ Mỹ những gì để đổi lại việc Nga giúp Mỹ (giải quyết vấn đề Triều Tiên)”, chuyên gia an ninh quốc gia Ryan Mauro tại Dự án Clarion nhận định.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “Nga ủng hộ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Washington cũng hy vọng Moscow sẽ “tuân thủ các cam kết của họ”.

“Nên nhớ rằng, Nga không nhìn nhận vấn đề Triều Tiên giống Mỹ và Hàn Quốc. Các tên lửa Triều Tiên không nhắm tới lãnh thổ Nga”, một quan chức Nga cho biết.

Thành Đạt

Theo Fox