1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã đề xuất cuộc gặp lịch sử với Hàn Quốc của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thư mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng và tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều hiếm hoi dường như ẩn chứa những thông điệp quan trọng.

Ông Kim Jong-un mời Tổng thống Hàn Quốc tới Triều Tiên


Bà Kim Yo-jong trao thư của ông Kim Jong-un cho Tổng thống Moon Jae-in tại Nhà Xanh ngày 10/2 (Ảnh: Yonhap)

Bà Kim Yo-jong trao thư của ông Kim Jong-un cho Tổng thống Moon Jae-in tại Nhà Xanh ngày 10/2 (Ảnh: Yonhap)

Bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un và là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ngày 10/2 đã đích thân mang thư của anh trai tới Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul và trao cho Tổng thống Moon Jae-in. Nội dung bức thư là lời mời ông Moon tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất và tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Bà Kim Yo-jong là một trong 22 đại biểu của phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa Đông do Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam dẫn đầu. Bà cũng là thành viên đầu tiên trong gia đình lãnh đạo Kim tới Hàn Quốc từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953).

Nếu Tổng thống Moon Jae-in chấp thuận lời mời của ông Kim Jong-un, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra trong hơn 10 năm. Sự kiện này sẽ đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều năm căng thẳng, xuất phát từ chương trình vũ khí gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Triều Tiên và Hàn Quốc từng tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007 ở Bình Nhưỡng khi các chính quyền theo đường lối tự do tại Hàn Quốc nắm quyền lãnh đạo đất nước. Sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2017, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ mong muốn Hàn Quốc sẽ là nước nắm vai trò chủ động trong việc “chèo lái” mối quan hệ với Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Moon hy vọng việc cải thiện quan hệ liên Triều có thể mở đường cho một giải pháp về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cuộc đàm phán xa hơn giữa Mỹ và Bình Nhưỡng.

“Việc ông Kim Jong-un mời Tổng thống Moon tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh liên Triều là cách nhanh nhất để cải thiện quan hệ song phương”, Giáo sư Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul nhận định.

Lệnh trừng phạt

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (trái) nắm tay cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2007 (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun (trái) nắm tay cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2007 (Ảnh: Reuters)

So với thời điểm diễn ra hai hội nghị thượng đỉnh trước đây, bối cảnh hiện tại của Triều Tiên và quan hệ liên Triều đã có sự thay đổi. Chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có sự phát triển với tốc độ đáng báo động. Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, trong đó vụ thử mạnh nhất diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. Chỉ riêng năm 2017, Bình Nhưỡng đã phóng 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong đó có những tên lửa được cho là đủ khả năng đặt lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm.

Trong những năm qua, Triều Tiên phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt đơn phương và đa phương từ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang phát động chiến dịch gây sức ép “tối đa” để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

“Lời mời của Triều Tiên dường như nhằm phá vỡ thế cô lập ngoại giao thông qua việc cải thiện mối quan hệ liên Triều”, Giáo sư Shin Beom-chul tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho biết.

Khi Triều Tiên ngỏ lời tham dự Thế vận hội mùa Đông từ ngày 9-25/2, Hàn Quốc đã ngay lập tức thể hiện thái độ hoan nghênh và tìm nhiều cách hỗ trợ phái đoàn Triều Tiên tại sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này.

Hàn Quốc tạm dừng các lệnh trừng phạt đơn phương liên quan tới lệnh cấm tàu Triều Tiên di chuyển vào lãnh thổ Hàn Quốc. Động thái này của Seoul nhằm cho phép tàu Mangyongbong-92 của Bình Nhưỡng chở đoàn nghệ thuật Triều Tiên cập cảng hồi đầu tuần này. Ngoài ra chính phủ Hàn Quốc cũng đề nghị Liên Hợp Quốc tạm dỡ lệnh cấm nhập cảnh đối với ông Choe Hwi, Chủ tịch Ủy ban Hướng dẫn Thể thao Quốc gia Triều Tiên, để ông có thể sang Hàn Quốc dự Thế vận hội.

“Các cuộc hội đàm liên Triều rõ ràng là kết quả của các lệnh trừng phạt và gây sức ép. Chúng ta có thể khiến Triều Tiên thay đổi khi gia tăng sức ép tới phút cuối cùng để buộc họ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân”, Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Toàn cầu Handong nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Bong Young-shik tại Đại học Yonsei ở Seoul, đề xuất của ông Kim Jong-un là dấu hiệu cho thấy sức ép từ cộng đồng quốc tế đã buộc Triều Tiên phải hành xử theo chiều hướng ngoại giao.

“Các lệnh trừng phạt kinh tế cuối cùng cũng phát huy hiệu quả. Ông ấy rõ ràng đã bày tỏ ý định hợp tác toàn diện với Hàn Quốc”, ông Bong cho biết.

Chia rẽ đồng minh


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải hàng dưới), Tổng thống Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) và bà Kim Yo-jong (thứ hai từ trái sang hàng trên) dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Reuters)

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải hàng dưới), Tổng thống Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái hàng dưới) và bà Kim Yo-jong (thứ hai từ trái sang hàng trên) dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: Reuters)

Một số chuyên gia cho rằng đề xuất đối thoại liên Triều của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm chia rẽ mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Hàn Quốc và Mỹ. Mặc dù để ngỏ khả năng hợp tác với Hàn Quốc, song Triều Tiên vẫn tuyên bố nước này “không cầu xin đối thoại” với Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều có thể sẽ diễn ra vào thời điểm “gay cấn” khi Hàn Quốc và Mỹ nối lại các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn vào đầu tháng 4. Trước đó, để tránh gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul và Washington đã quyết định tạm hoãn kế hoạch tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội Pyeongchang và Thế vận hội dành cho người khuyết tật, dự kiến kéo dài tới ngày 18/3.

“Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với bài toán là làm sao để hợp tác với Mỹ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt và tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong khi vẫn phải đưa Triều Tiên tới bàn đối thoại”, Giáo sư Shin nói.

Các hội nghị thượng đỉnh trước đây thường diễn ra trong bối cảnh các bên đạt được tiến triển trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này.

Thế khó của Hàn Quốc

Ông Kim Jong-un dự lễ duyệt binh tại Triều Tiên ngay trước khi Thế vận hội khai mạc tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un dự lễ duyệt binh tại Triều Tiên ngay trước khi Thế vận hội khai mạc tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Moon cần cử một phái đoàn đặc biệt tới Triều Tiên sau khi cân nhắc thời điểm phù hợp và có sự tham vấn chặt chẽ với các nước liên quan. Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang tại Viện nghiên cứu Sejong nhận định chính quyền Hàn Quốc nên xây dựng một chiến lược cụ thể về việc làm thế nào để kết hợp chính sách Triều Tiên với mong muốn của Mỹ và các nước khác.

Tổ chức một cuộc đối thoại với Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Moon “đau đầu” vì nhà lãnh đạo Hàn Quốc không chỉ đối mặt với sự phản đối của cả Mỹ và Nhật Bản, mà còn từ chính người dân và các đảng phái trong nước.

Hàn Quốc và Triều Tiên cho đến nay vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình, sau chiến tranh liên Triều. Mặc dù thế hệ lớn tuổi tại Hàn Quốc, những người vẫn chưa quên cảm giác xa cách người thân do chiến tranh, vẫn ủng hộ việc hai miền thống nhất, song lớp trẻ Hàn Quốc sinh ra sau chiến tranh dường như không mặn mà với viễn cảnh này.

Trong khi đó, các đảng phái ở Hàn Quốc vẫn đang tranh cãi về đề xuất đối thoại của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nếu đảng Dân chủ cầm quyền hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều và xem đây là cơ hội lịch sử để hòa hợp quan hệ song phương, các đảng đối lập tỏ ra thận trọng hơn và kêu gọi chính phủ cẩn trọng với ý định thực sự của Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo Yonhap, LAT