1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gần 3.000 người nhập cư trái phép được giải cứu trên Địa Trung Hải

(Dân trí) - Cảnh sát Biển Italy và các tổ chức nhân đạo đã cùng hợp tác giải cứu ít nhất 2.900 người nhập cư trái phép khỏi 21 tàu buôn người từ bờ biển Libya, giới chức Italy cho biết hôm 28/6 .

Gần 3.000 người nhập cư trái phép được giải cứu trên biển Địa Trung Hải

Đội tàu tìm kiếm và cứu nạn liên quốc gia đã cứu hơn 2.900 người nhập cư trên biển Địa Trung Hải hôm 28/6. (Ảnh: AFP)

Hãng thông tấn AP dẫn thông tin từ cảnh sát biển Italy cho biết các đội tàu quân sự từ Italy, Tây Ban Nha, Ireland và Anh, cùng với một con tàu thuộc tổ chức nhân đạo đã tiến hành các hoạt động giải cứu nêu trên.

Theo giới chức quân sự Israel, hôm qua 28/6, tàu hải quân Le Eithne của nước này đã tham gia ít nhất 6 hoạt động, giải cứu gần 600 người di cư khỏi những con thuyền buôn người cũ nát tại các vùng biển tây nam Libya.

Theo AP, khoảng 100 người nhập cư trái phép đã được đưa đến một hòn đảo Lampedusa, thuộc Sicily. Giới chức cho biết các cảng miền nam lớn hơn của Italy sẽ tiếp nhận nhiều người di cư khác vào hôm nay 29/6.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 60.000 người nhập cư trái phép đã được cứu và đưa đến các cảng biển của Italy trong nỗ lực tìm kiếm và giải cứu liên quốc gia. Rất nhiều người tị nạn muốn chạy trốn khỏi các điểm nóng chiến sự hoặc tình cảnh bị ngược đãi tại châu Phi và Trung Đông, hay đơn giản hơn là họ chỉ muốn được gặp lại những người thân trong gia đình tại Bắc Âu.

Các nước "tuyến đầu", đặc biệt là Italy, đã bị quá tải cả về cơ sở hạ tầng lẫn nguồn tài chính hỗ trợ cho những đối tượng này. Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/6 nhất trí tái phân bổ 40.000 người nhập cư tại Italy và Hy Lạp đến các nước thành viên khác trong hai năm tới theo cơ chế tự nguyện, nhằm giảm bớt gánh nặng cho hai quốc gia này.

Các chuyên gia thuộc Văn phòng hỗ trợ cư trú châu Âu (EASO), Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và Giám sát biên giới châu Âu (Frontex) cũng sẽ phối hợp với các quốc gia "tuyến đầu" sàng lọc và xác định những đối tượng cần được bảo vệ và tiếp nhận.

Nghi Phương
Theo AP