1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Eurozone quyết định “cứu”, Hy Lạp vẫn chưa “thở phào”

(Dân trí) - Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vừa quyết định “cứu” Hy Lạp bằng thỏa thuận về gói cứu trợ lớn chưa từng có, trị giá tới 130 tỷ euro, nhưng rõ ràng Athens vẫn chưa thể “thở phào” vì diễn tiến này.

 
Eurozone quyết định “cứu”, Hy Lạp vẫn chưa “thở phào” - 1

Hàng nghìn người Hy Lạp biểu tình tại Athens hôm qua, để phản đối các biện pháp cắt giảm công chi và lương bổng.
 
Một quan chức Liên minh Châu Âu (EU) sáng nay xác nhận sau 12 giờ bàn luận căng thẳng tại Brussels, các quan chức khu vực đã đồng ý tháo khoán 130 tỷ euro trợ giúp Hy Lạp và khu vực tư nhân xóa 100 tỷ euro nợ cho nước này, tránh để Hy Lạp bị vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói rằng Hy Lạp đã thông qua một kế hoạch cải cách mạnh mẽ và rất khó khăn, và như thế xứng đáng được sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế. Ông Geithner cũng tuyên bố Mỹ khuyến khích Quỹ tiền tệ Quốc tế ủng hộ một khoản cho vay mới cho Hy Lạp.

Như vậy, với quyết định mới, Eurozone đã "bật đèn xanh" cho khoản hỗ trợ tài chính trị giá lên tới 230 tỷ euro (300 tỷ USD) cho Athens.

Quyết định trên ngay lập tức nâng tỷ giá đồng euro tăng so với đồng USD tại các thị trường châu Á.

Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker khẳng định việc thông qua gói cứu trợ khổng lồ nói trên sẽ "đảm bảo tương lai của Hy Lạp trong Eurozone".

Tuy nhiên theo giới quan sát, Hy Lạp vẫn còn phải vượt qua nhiều thử thách trước khi nhận được khoản trợ giúp đầu tiên trong gói hỗ trợ 130 tỷ euro mà khối euro và IMF đã hứa cho Athens vay từ mùa thu năm ngoái.

Để nhận được gói hỗ trợ 130 tỷ euro nói trên và được khu vực tư nhân xóa bớt một phần nợ tương đương với 100 tỷ euro, Hy Lạp đã phải chấp nhận hàng loạt các biện phát cắt giảm chi tiêu, giảm lương công nhân viên chức nhà nước, kể cả mức lương tối thiểu và tiền thù lao của nhân viên trong khu vực tư nhân, hay tiền hưu trí.

Chính quyền của Thủ tướng Papademos cũng đã chấp nhận sa thải hàng loạt công nhân viên nhà nước, đóng cửa nhiều dịch vụ công cộng từ trường học đến bệnh viện...
 
Chính phủ Hy Lạp cũng sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong những năm tới.

Hàng triệu người Hy Lạp than phiền rằng họ đã hy sinh đủ rồi, và nói họ không biết làm cách nào để có thể xoay sở trong tình trạng lương bổng và quyền lợi bị cắt giảm. Hàng nghìn người Hy Lạp biểu tình tại Athens hôm qua, để phản đối các biện pháp cắt giảm công chi và lương bổng.

Các kế hoạch khắc khổ liên tiếp nối đuôi nhau ra đời. Dù vậy, Athens vẫn chưa đủ sức thuyết phục bộ ba các nhà tài trợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu.

Hy Lạp sẽ phải đương đầu với tình trạng vỡ nợ, nếu không thanh toán món nợ 19 tỉ USD còn thiếu của các nhà đầu tư dưới hình thức công trái đáo hạn vào tháng tới.

Cùng lúc, nợ công của Hy Lạp lại càng chồng chất. Tổng sản phẩm nội địa Hy Lạp trong quý tư 2011 giảm 7%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20 % và một nửa thanh niên không có việc làm.

Việt Hà
Theo AP, AFP