1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đưa quân vào Syria liệu có lợi bất cập hại

(Dân trí) - Cách đây 4 năm khi cuộc khủng hoảng nổ ra, chính quyền Syria đã khẳng định một cách tự tin rằng quân đội Syria sẽ bách chiến bách thắng. Nhưng rồi tình thế đổi thay hoàn toàn theo hướng ngược lại, đấu tranh chính trị chuyển thành bạo lực dựa trên sức mạnh súng đạn...

Đưa quân vào Syria liệu có lợi bất cập hại - 1

Câu hỏi khó: Nên chăng đưa quân vào Syria? (Ảnh minh họa: Uncredit/AP)

Quân đội Syria nhanh chóng đuối sức, thể hiện rõ nhất là tại các điểm nóng như Idlib – nơi người dân không còn chỗ dựa nào khi không thể thấy bóng dáng quân đội chính phủ ở đâu, buộc họ phải cậy nhờ vào lực lượng vũ trang Hezbollah do Iran bảo trợ hiện diện như nguồn lực thay thế.

Trước tình thế nguy ngập đó, chính quyền Damas phải kêu gọi sự giúp đỡ của Nga, đặc biệt là để thực thi trách nhiệm nặng nề bảo vệ thành phố Lattaquié – nơi được coi là thành trì của gia tộc Tổng thống Al-Assad.

Báo Pháp Le Figaro ngày 11/9 nhận định: đáp lại lời kêu gọi này, Moskva đã hỗ trợ một phần về quân sự và hậu cần để giúp Syria không thất thủ vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nhưng khi Nga cố gắng giúp duy trì sự tồn tại của chính quyền hợp pháp của Tổng thống Al-Assad thì lực lượng nổi dậy đối lập tại Syria mà ai cũng biết được các thế lực nào chống lưng, không thể chấp nhận cảnh “bị bỏ rơi”.

Trong bài viết có tựa đề “Chúng tôi một mình chống thánh chiến”, nhật báo Libération số ra cùng ngày 11-9 nhận định: lực lượng đối lập vũ trang ở phía bắc Syria đang bị biến thành nạn nhân phải chịu sức ép từ hai lập trường tương phản của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân cận của Phương Tây.

Washington muốn thành lập một khu vực an toàn do liên minh đối lập Syria (được Mỹ huấn luyện) và người Kurd ở Syria kiểm soát, nhưng kế hoạch này lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Ankara.

Trong khi đó, hàng triệu người Syria tuyệt vọng vì chiến tranh triền miên phải tiếp tục trốn chạy sang châu Âu lánh nạn, gây nên cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng chưa từng có khiến Liên minh châu Âu phải gồng mình đối phó.

Theo nhật báo Le Monde ngày 11-9, châu Âu chỉ có thể tiếp nhận chưa tới 10% trong khoảng 4 triệu người tị nạn Syria. Các nước vùng Vịnh giàu có thì vẫn từ chối mở cửa biên giới đón dòng người di cư bất đắc dĩ này.

Cũng là nước châu Âu phát triển, nhưng Đan Mạch không theo gương nước Đức mà lại ngả theo xu hướng của các nước Trung Âu từ chối nhận người tị nạn...

Trước viễn cảnh xấu châu Âu sẽ càng bị đẩy vào thế khó xử hơn bởi làn sóng người tị nạn tràn ngập, một câu hỏi lớn được đặt ra là: có nên đưa quân vào Syria hay không?

Báo Les Echos ngày 11-9 dẫn lời nhà phân tích Roger-Pol Droit nhấn mạnh: phải can thiệp!

“Hãy nhìn những tội ác mà tổ chức tự xưng là thánh chiến Hồi giáo IS đã, đang và sẽ tiếp tục thực thi tại Iraq và Syria. Nếu IS chiến thắng thì không có giải pháp nào khác là phải thực thi cuộc chiến trên bộ. Dĩ nhiên đây là giải pháp “xấu nhất” nhưng ít tồi tệ hơn thái độ thụ động vì thời gian đang có lợi cho IS” – ông Roger-Pol Droit vạch rõ.

Trái lại, Le Monde nêu các ý kiến cho rằng lựa chọn can thiệp trên bộ là “điên rồ” vì nhiều lý do mà một trong đó là có nguy cơ trúng kế của IS. Tổ chức “thánh chiến” này được cho là vẫn muốn khoét sâu thêm xung đột giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo tại châu Âu, với mục tiêu tiếp theo được IS nhắm tới là khiến cho các nước châu Âu không thể yên ổn bởi các vụ khủng bố trả thù.

Theo một chiều hướng khác, Le Monde bày tỏ không chống lại phương án: để một liên minh quân sự có “cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo, cùng khẩu vị, sinh trưởng cùng quê hương với lực lượng khủng bố IS” đổ quân vào Syria.

Quý Cao (theo RFI)

Đưa quân vào Syria liệu có lợi bất cập hại - 2