1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dư luận nghi Triều Tiên phóng tên lửa Taepodong

Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên sáng 5/4 đã gây ra làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì nghi ngờ đây là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định nhóm họp khẩn cấp cùng ngày để xem xét vấn đề này.

Dư luận nghi Triều Tiên phóng tên lửa Taepodong  - 1

Ngoại trưởng Hàn Quốc Myung-hwan (phải) và Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Kathleen Stephens bàn về vụ phóng của Triều Tiên ngày 5/4.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama, đang có chuyến công du châu Âu, đã chỉ trích vụ phóng của Triều Tiên là hành động khiêu khích, đồng thời cáo buộc trên thực tế, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa tầm xa ba tầng Taepodong-2, có khả năng vươn tới khu vực Alasca hoặc Hawaii của Mỹ.

Tổng thống Obama nhấn mạnh với hành động khiêu khích này, Triều Tiên đã phớt lờ các quy định của quốc tế cũng như những lời kêu gọi kiềm chế, càng tự cô lập hơn nữa với cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng tránh có thêm “các hành động khiêu khích khác” và từ bỏ theo đuổi chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhật báo “Yomiuri” ngày 5/4 cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và các lực lượng Mỹ đang cố gắng xác định loại tên lửa mà Triều Tiên đã phóng. Theo “Yomiuri”, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng đây là tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2 có tầm bay 4.300-6.000 km hoặc một phiên bản cải tiến có phạm vi hoạt động hơn, lên tới 10.000 km.

Báo trên dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa của Triều Tiên đã bay qua không phận Nhật Bản, tầng 1 của tên lửa này đã rơi xuống khu vực phía Tây biển Nhật Bản, cách tỉnh Akita khoảng 280 km. Tầng thứ hai được cho là đã rơi xuống vùng biển Thái Bình dương, cách bờ biển Nhật Bản gần 1.300 km về phía Đông.

Trong khi đó, một quan chức quân đội Nga nói với hãng tin Interfax rằng các hệ thống radar phòng không của nước này đã phát hiện tên lửa được Triều Tiên phóng sáng 5/4 có mang theo một vệ tinh.

Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc chưa khẳng định điều này. Phủ Tổng thống Hàn Quốc sáng 5/4 đã đưa tin Triều Tiên phóng vệ tinh nhưng sau đó lại cho rằng “còn quá sớm” để khẳng định đây là vụ phóng vệ tinh.

Mặc dù vậy, chuyên gia Baek Seung-Joo thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc nói “Căn cứ vào các phân tích đường quỹ đạo thì tên lửa Taepodong-2 đã được Triều Tiên dùng để phóng vệ tinh lên quỹ đạo”.

Theo ông, vụ phóng sáng 5/4 có thể coi là thành công, đặc biệt khi so sánh với vụ thử tháng 7/2006, khi đó tên lửa Taepodong-2 đã phát nổ 40 giây sau khi rời bệ phóng. Đây là bước tiến lớn về công nghệ tên lửa của Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định nhóm họp khẩn cấp vào 19 giờ GMT ngày hôm nay 5/4 để thảo luận tình hình sau vụ phóng thử.

Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ và Nhật Bản muốn Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết mới lên án vụ phóng tên lửa và áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng.

Ngay sáng 5/4, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Hirofumi Nakasone đã có cuộc điện đàm và nhất trí rằng cần phải đưa ra một “thông điệp mạnh mẽ” với Bình Nhưỡng tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng tuyên bố lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đồng thời kêu gọi nước này tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Cùng ngày, thông qua các kênh ngoại giao, Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Triều Tiên phóng tên lửa, yêu cầu Bình Nhưỡng ngay lập tức chấm dứt tất cả các hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo.

Tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản nêu rõ hành động của Bình Nhưỡng là “nguy cơ” đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như các thỏa thuận đàm phán sáu bên.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã triệu tập ngay một hội nghị an ninh quốc gia, trong đó xem xét khả năng áp đặt các biện pháp cấm vận mới đối với Triều Tiên.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Takeo Kawamura cho biết Tokyo có thể sẽ gia hạn lệnh cấm vận kinh tế hiện nay đối với Triều Tiên thêm 1 năm chứ không phải là 6 tháng như công bố trước đây.

Một loạt nước và các tổ chức quốc tế và khu vực, như Anh, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động “liều lĩnh”, “khiêu khích” và “cực kỳ đáng tiếc”.

Cùng ngày, các đảng phái chính trị ở Hàn Quốc đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng hành động này gây gia tăng cẳng thẳng trên trường quốc tế và ảnh hưởng xấu đến quan hệ liên Triều.

Phát ngôn viên đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền Yoon Sang-hyun nói rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ buộc phải thực hiện các hành động chống lại miền Bắc thông qua Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Liên minh dân chủ (DP) - đảng đối lập chính ở Hàn Quốc dù lên án vụ phóng tên lửa nhưng kêu gọi kiềm chế và đối thoại nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga kêu gọi các bên kiềm chế và bình tĩnh sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Matxcơva sẽ theo sát các diễn biến tiếp theo trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Nakasone đã kêu gọi Tokyo phản ứng bình tĩnh với vụ phóng tên lửa.

Theo TTXVN