1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dòng "thác lũ" chiến binh nước ngoài gia nhập IS tăng gấp đôi

(Dân trí) - Trong vòng 12 tháng qua, “dòng thác” chiến binh nước ngoài tới Syria gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan trong đó có IS đã tăng gấp đôi, lên gần 30.000, bất chấp nỗ lực truy quét của cộng đồng quốc tế.

Lực lượng IS vẫn đang hoành hành tại Syria và Iraq bất chấp bị Mỹ và đồng minh tấn công (Ảnh: AP)
Lực lượng IS vẫn đang hoành hành tại Syria và Iraq bất chấp bị Mỹ và đồng minh tấn công (Ảnh: AP)

Đáng chú ý, theo tờ New York Times, trong số chiến binh nước ngoài gia nhập IS tại Iraq hoặc Syria có hơn 250 người Mỹ, tăng mạnh so với con số khoảng 100 người một năm về trước, giới chức tình báo và thực thi pháp luật khẳng định.

Số lượng quốc gia có công dân tham chiến tại Iraq và Syria cũng tăng mạnh từ 80 quốc gia năm ngoái lên hơn 100 quốc gia. Hầu hết những người này tới để gia nhập IS.

Bản báo cáo đầy u ám trên xuất hiện đúng thời điểm kết quả cuộc điều tra của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, về những kẻ khủng bố và chiến binh nước ngoài chuẩn bị được công bố, dự kiến vào thứ Ba tới.

Ủy ban điều tra này khẳng định “bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng chảy này, chúng ta đã thất bại lớn trong việc không để người Mỹ ra nước ngoài tham gia các nhóm jihad”.

Đây được xem như một thất bại nữa của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến chống IS, sau khi có thông tin cho thấy chương trình huấn luyện và vũ trang chiến binh đối lập tại Syria của Lầu Năm Góc trị giá 500 triệu USD, chỉ tuyển mộ được vài chục tay súng. Hôm 25/9, chính cơ quan này thừa nhận một số tay súng Mỹ huấn luyện và vũ trang đã giao nộp vũ khí cho một tổ chức có liên hệ với Al Qaeda.

Một năm trước, chính quyền Tổng thống Obama đã rất nỗ lực để vận động Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết có tính ràng buộc pháp lý, yêu cầu 193 quốc gia thành viên có biện pháp “ngăn chặn và chấm dứt” dòng người từ nước mình gia nhập các nhóm vũ trang bị xem là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, đầu tháng này, quan chức chống khủng bố hàng đầu của Bộ ngoại giao Mỹ Tina S. Kaidanow thừa nhận một thực tế đầy u ám. “Xu hướng ấy vẫn đang gia tăng”, bà Kaidanow nói. “Chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến nó vì một loạt các lí do”.

Theo vị quan chức này, nguyên nhân chính đằng sau dòng “thác lũ” chiến binh gia nhập IS đó là năng lực tuyển mộ chưa từng có và cực đoan hóa các tín đồ của IS, thông qua mạng Internet và mạng xã hội.

Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày thứ Ba tới với sự tham dự của đại diện 104 quốc gia, cuộc chiến chống IS sẽ tiếp tục là đề tài được bàn thảo, giới chức Mỹ cho biết.

Dù các báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích và loại khỏi vòng chiến đấu chừng 10.000 tay súng, IS vẫn đang không ngừng lớn mạnh. Ước tính mỗi tháng nhóm này tăng quân số thêm trung bình 1000 tay súng.

“Cho đến nay đã xuất hiện một dạng “tác động mạng lưới” khi nhiều cá nhân cũng như các gia đình mang theo bạn bè và gia đình mình”, Daniel L. Byman, chuyên gia chống khủng bố kiêm giáo sư đại học Georgetown khẳng định.

Sau 6 tháng điều tra, báo cáo của Ủy ban an ninh nội địa, Quốc hội Mỹ đang chỉ trích Nhà Trắng và các đồng minh đã không thể nỗ lực nhiều hơn để ứng phó với mối đe dọa từ các chiến binh nước ngoài.

“Các đối tác nước ngoài vẫn đang chia sẻ thông tin về các nghi phạm khủng bố một cách có tính toán, gián đoạn và thường không đầy đủ”, bản báo cáo dài 85 trang viết. “Hiện không có một cơ sở dữ liệu toàn diện nào về danh tính các chiến binh nước ngoài. Thay vào đó, các nước bao gồm cả Mỹ đều dựa và một hệ thống yếu, chắp vá để trao đổi danh tính những phần tử cực đoan”.

Thanh Tùng

Theo NY Times