1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đón Tết Việt tại Nga: Tràn đầy hy vọng

Theo tập quán từ ngàn đời nay, những con dân đất Việt dù đang làm gì và ở đâu thì cũng đều chung một ý nghĩ và hành động – tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc. Cộng đồng người Việt ở Nga những ngày này cũng đang cuốn theo dòng chảy tâm linh ấy.

Cộng đồng người VN tại Nga họp mặt dịp Tết (ảnh: VOV)
Cộng đồng người VN tại Nga họp mặt dịp Tết (ảnh: VOV)

Đồng bào ta tại LB Nga có ước chừng trên dưới 100.000 người. Dịp này, không khí Tết của người Việt ở đây vẫn rộn ràng, mặc dù còn chất chứa không ít tâm tư khi nền kinh tế nước Nga gặp nhiều khó khăn.

Mọi năm, vào khoảng thời gian này, nhiều loại thực phẩm được vận chuyển bằng máy bay sang Moscowđể phục vụ Tết mà đặc biệt là lá dong để gói bánh chưng, thường đắt đỏ và thậm chí “cháy hàng”. Vậy mà năm nay tại các khu buôn bán của người Việt, lá dong thì nhiều mà quy ra USD thì rẻ chỉ bằng gần một nửa so với mọi năm. Chưa kể, do mặt hàng không trữ được lâu, nên người bán phải xuống giá để lôi kéo người mua. Tết là nhất nên những hương vị quê nhà trong những ngày này  không thể thiếu được, nhưng do làm ăn ngày càng khó khăn nên không khí không rôm rả như mọi năm.
 
Các tiết mục văn nghệ mừng Xuân  (ảnh VOV)
Các tiết mục văn nghệ mừng Xuân  (ảnh VOV)
 
Căng thẳng trong quan hệ giữa LB Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine cũng đã và đang gây nên những áp lực cho mỗi gia đình người Việt tại đây. Phần đông đồng bào mưu sinh bằng con đường kinh doanh, thương mại. Kinh tế khó khăn, đồng ruble mất giá nên thu nhập của bà con cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Chẳng hạn, hàng hóa mà cụ thể là quần do người Việt sản xuất tại Nga phụ thuộc nhiều vào tỷ giá ngoại tệ vì nguyên phụ liệu gần như 100% phải nhập khẩu. Trước đây, khi tỷ giá đồng ruble ổn định ở mức 30-35 ruble/USD thì mỗi công nhân người Việt làm việc trong lĩnh vực này còn dành dụm và gửi về cho gia đình từ vài trăm thậm chí cả nghìn USD/tháng. Nay tỷ giá đang ở ngưỡng khoảng 65 ruble/USD, nên thu nhập giảm bớt, việc kinh doanh cũng khó khăn hơn, chi phí đón Tết có xu hướng giảm bớt. Cũng may nhờ mấy năm gần đây kinh doanh, buôn bán không đến nỗi nào nên với những ai đã từng ở Nga vài năm trở lên vẫn còn có lực để trụ qua thời buổi gian nan này. Với một số người mới sang, tiền tích lũy chưa có nên những ngày cận Tết tâm trạng có phần nặng nề.
 
Các tiết mục văn nghệ mừng Xuân  (ảnh VOV)

Tuy vậy, không khí Tết, dù trong thời gian ngắn ngủi, cũng đã xua đi ưu tư, phiền muộn của người Việt ở Nga, nhen thêm kỳ vọng cho năm mới Ất Mùi với một số “cánh én” lạc quan.

Đó là các bữa cơm tất niên vui vẻ, đầm ấm của các du học sinh không có điều kiện về quê hương đón Tết, tập trung lại với nhau để cùng đón xuân. Những năm gần đây, vẫn có nhiều sinh viên sang Nga học tập, chủ yếu bằng con đường tự túc. Nhiều nhất vẫn là sinh viên ở Moscow, sau đó là các thành phố lớn, còn ở các thành phố xa như Omsk, Orenbua, Khabarovsk, Chiumen, Irkut... có nơi thì hàng chục, nơi mươi người, họa hoằn lắm có nơi chỉ năm bảy sinh viên.                                        

Điều đáng quý nhất, là dù đi đâu, cái Tết dân tộc đối với họ vẫn thiêng liêng và gần gũi. Dẫu không làm bàn thờ tiên tổ như các gia đình do sống ở ký túc xá, nhưng thỉnh thoảng một số sinh viên vẫn dành một khoảng nhỏ trên bàn học, thắp nén hương để bái vọng về quê cha, đất tổ.

Những Trường Đại học ở gần cộng đồng người Việt, sinh viên luôn được ưu ái và dành cho một sự quan tâm về mặt vật chất. Các cô chú, các đơn vị cộng đồng hỗ trợ cho các đơn vị sinh viên những đồ ăn Tết đủ đầy để giúp các cháu vợi đi nỗi nhớ nhà.

Lần đầu tiên xa nhà, ở một nơi cách xa đất nước cả vạn cây số, Thanh Thảo (sinh viên năm nhất, ngành báo chí, Trường Đại học sư phạm quốc gia Moscow) không khỏi buồn khi những ngày Tết cổ truyền Việt Nam cận kề. Thảo chia sẻ, ở Việt Nam, vào những ngày này trong năm, khi mọi người bắt đầu rục rịch hoàn tất mọi công việc để về bên gia đình, cùng tận hưởng khoảng thời gian ấm cúng hạnh phúc bên nhau thì ở đây em càng cảm thấy nhớ gia đình nhiều hơn.

Tuy nhiên, Thảo cho biết: “May mắn là ở trường em theo học cũng có nhiều bạn sinh viên người Việt. Bọn em đã lên kế hoạch, phác thảo chương trình đón Tết”.

“Cánh én mùa xuân” cũng đưa thêm tin mừng nữa, dù chưa được kiểm chứng, là nhờ có thông tin mạng mà nhiều mảnh đời được kết nối, đoàn tụ. Mới đây một cô gái mang trong mình hai dòng máu Việt-Nga (có bố là người Việt) với cái tên cũng rất Việt - Viven Ngọc ( Вивьен Нгок Кыонг, sinh năm 1993) cũng nhờ kênh thông tin này đã tìm được cha mình tại quê nội - Việt Nam.

Hay như khu nhà số 10, nơi bà con ta lâu nay vẫn quen gọi là Khu Thương vụ, tọa lạc ngay trong trung tâm Moscow, chỉ cách Quảng trường Đỏ chưa tới 5km, do tỷ giá biến động, giá thuê nhà tăng thêm khiến bức tranh Tết năm nay tại khu vực này kém phần tươi sáng. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng cơ quan ngoại giao của ta ở Nga đang tích cực triển khai các giải pháp (tiến hành đàm phán và thỏa thuận với phía bạn) nhằm giảm được giá thuê nhà, đỡ đần giúp bà con vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Trong các mối quan hệ bang giao, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và nay LB Nga thật đặc biệt. Lâu nay đã có biết bao nhiêu người Việt Nam, gia đình Việt Nam coi xứ Bạch Dương là quê hương thứ hai của mình. Ngoài Tết âm lịch, họ cũng đón năm mới như những người Nga và cùng với cả cộng đồng Nga…

Thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine đã được ký kết. Hy vọng mọi khó khăn sẽ qua đi, niềm vui, nụ cười lại đến với mỗi người, mỗi nhà trên đất nước này như cái kết có hậu như câu chuyện của cô gái Viven Ngọc đã được kể ở trên.
Theo Phạm Hoàng (từ Moscow)
Chinhphu.vn