1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đội tàu cá Trung Quốc càn quét khắp thế giới

(Dân trí) - Trung Quốc đang không ngừng mở rộng đội tàu đánh bắt cá, nhằm củng cố nguồn cung thực phẩm. Tuy vậy, khi những tàu này đánh bắt quá mức tại cả những vùng biển của nước khác thì những hành động đó đang gây lo ngại và chịu chỉ trích.

Tàu cá Trung Quốc bị tố đánh bắt trộm ngày một nhiều (Ảnh:
Tàu cá Trung Quốc bị tố đánh bắt trộm ngày một nhiều (Ảnh: AFP)

Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới, với khoảng một nửa sản lượng thủy sản dành cho xuất khẩu sang các quốc gia phát triển. Đây cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới.

Theo Duncan Ledbetter, giám đốc một công ty tư vấn nguồn lợi thủy sản và thiên nhiên cho biết, một cuộc chạy đua khai thác nguồn thủy sản đang ngày một cạn kiệt này khiến Trung Quốc không ngừng mở rộng tìm kiếm cá ở khắp thế giới, sau khi nơi sinh sống của cá quanh bờ biển nước này bị ô nhiễm và đánh bắt quá mức.

Đến nay, đội tàu đánh bắt cá xa bờ của Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về độ đông đảo, với hơn 2000 tàu. Một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu ước tính trong giai đoạn 2000 - 2011, các ngư dân Trung Quốc đánh bắt khoảng 4,6 triệu tấn/năm, mà đại đa số từ các vùng biển châu Phi, kế đến là châu Á và một lượng nhỏ ở trung và Nam Mỹ, Nam Cực.

Một số nhà quan sát, như Peter Jennings - giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Úc và cựu lãnh đạo cấp cao của Bộ quốc phòng úc cho rằng, hoạt động mở rộng phạm vi đánh bắt đem đến cho Trung Quốc có hội tạo ra sự hiện diện đáng kể tại các khu vực có tầm quan trọng chiến lược dài hạn.

“Tôi cho rằng họ sử dụng cùng một cách tiếp cận không chỉ với nguồn thủy sản tại Nam Cực mà còn cả khả năng định vị Trung Quốc vào khu vực có triển vọng khai thác nguồn lợi dài hạn trong tương lai tại thềm lục địa Nam Cực”, Jennings nói.

Hồi tháng trước, một công ty Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động đánh bắt tới Nam Cực để đánh bắt thêm các loài nhuyễn thể. Thông báo trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh mở cửa trạm nghiên cứu thứ tư tại Nam Cực, đồng thời triển khai 2 tàu phá băng và 2 máy bay có thể hạ cánh trên băng.

Gây căng thẳng khắp các khu vực

Căng thẳng với các quốc gia nơi Trung Quốc tăng cường hiện diện trên biển đã tăng lên. Hồi tháng trước, Indonesia đã cho nổ tung một tàu cá Trung Quốc bị bắt khi đang đánh bắt trộm trong vùng biển Indonesia.

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước mình tăng hàng năm. Trong năm ngoái, con số này là hơn 1000 tàu.

Tổ chức Hòa bình xanh cho biết, các tàu cá Trung Quốc cũng cũng đang đánh bắt phi pháp với số lượng khổng lồ ngoài khơi khu vực Tây Phi. Rashid Kang, đại diện của tổ chức này tại Bắc Kinh khẳng định, các tàu cá lạc hậu, lưới quét sâu của Trung Quốc đang không ngừng mở rộng phạm vi đánh bắt, đe dọa tới hệ sinh thái tại các vùng biển nước ngoài, do luật pháp Trung Quốc chỉ cấm các tàu này hoạt động trong nước, mà không cấm tham gia đánh bắt ở nước ngoài.

Một đoàn các nhà khoa học quốc tế mới đây đã tìm cách ước tính lượng cá đánh bắt xa bờ của các tàu Trung Quốc giai đoạn 2000 – 2011. Họ cũng kêu gọi Trung Quốc phải minh bạch hơn trong công bố sản lượng và chủng loại thủy sản được đánh bắt. Trong khi các nhà khoa học ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 4,6 triệu tấn/năm, số liệu nước này báo cáo Liên Hợp Quốc chỉ là 368.000 tấn.

Thanh Tùng
Theo VOA