1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đối đầu Nga-phương Tây: Từ trừng phạt đến “tuốt kiếm” dọa nhau

Cuộc đối đầu Nga - phương Tây đang nóng hơn bao giờ hết. Không những chỉ trích nhau, 2 bên liên tục tăng cường sức mạnh quân sự “răn đe” đối phương.

Tranh cãi gay gắt về lệnh trừng phạt

Mới đây nhất ngày 22/6, các Ngoại trưởng EU đã nhất trí gia hạn thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đến ngày 31/1/2016.

Tổng thống Putin bình thản trước việc EU gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. (Ảnh
Tổng thống Putin bình thản trước việc EU gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. (Ảnh AP)

Cùng ngày, Washington đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: “Mỹ và các đối tác EU và G-7 đã nêu rõ, các lệnh trừng phạt này có liên quan trực tiếp đến việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk”.

“Chúng tôi hy vọng rằng các nước sẽ lên án hành động của Nga tại Ukraine và tham gia vào cộng đồng quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”, ông Kirby nói.

Cùng chung quan điểm với Mỹ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh quan điểm của NATO và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nga phải đón nhận hậu quả từ những hành động mà họ gây ra.

“Các lệnh trừng phạt là một tín hiệu rõ ràng rằng, một nước cư xử như Nga về vấn đề Ukraine sẽ luôn phải đón nhận những hậu quả nghiêm trọng”, ông Stoltenberg nói.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức và Pháp đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk và không quên chĩa mũi dùi về phía Nga.

Người phát ngôn Chính phủ Đức nêu rõ: “Các báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho thấy việc sử dụng vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí hạng nặng vẫn diễn ra”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, có quá ít tiến bộ trong những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài 15 tháng qua tại Ukraine, cuộc xung đột đã khiến 6.500 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người mất nhà cửa.

Trong khi đó, Nga bày tỏ thất vọng về quyết định trên của NATO và nhấn mạnh: “Chúng tôi cực kỳ thất vọng khi những kẻ chống lại Nga lại có thể đóng vai trò quyết định trong việc kéo dài những lệnh trừng phạt phi lý nhằm vào Nga”.

Cùng chung quan điểm với Nga, nhà báo, chính trị gia và cựu thành viên Nghị viện châu Âu Giulietto Chiesa khẳng định, dù các lệnh trừng phạt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga, nó cũng sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế các quốc gia châu Âu khác.

Theo đó, 3 tờ báo châu Âu ước tính, thiệt hại mà các lệnh cấm vận của châu Âu đối với nền kinh tế của khối lên đến “100 tỷ USD/năm và khiến khoảng 2 triệu người thất nghiệp”.

“Điều đó cho thấy, sức ép của Mỹ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga cũng “giáng một đòn chí mạng” vào nền kinh tế và tính độc lập của châu Âu”, ông Chiesa nói.

Mỹ, NATO đưa quân áp sát biên giới, Nga sẵn sàng đáp trả

Không chỉ đổ lỗi cho Nga về việc vi phạm thỏa thuận Minsk và đáng phải nhận các lệnh trừng phạt kéo dài, Mỹ và NATO cũng đã có những động thái đưa trang thiết bị quân sự và binh sĩ đến các nước Đông Âu sát biên giới với Nga.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ: “Chúng tôi sẽ chuyển các trang thiết bị quan trọng đến đó trước”. Các trang thiết bị này bao gồm xe tăng, xe bộ binh, các loại vũ khí hạng nặng cùng với 5.000 binh sĩ Mỹ.

Xe thiết giáp Mỹ tham gia tập trận tại Estonia
Xe thiết giáp Mỹ tham gia tập trận tại Estonia

Theo đó, số trang thiết bị đủ để trang bị cho khoảng 150 binh sĩ sẽ được chuyển đến trữ tại 3 nước Lithuania, Latvia và Estonia. Trong khi đó số trang thiết bị đủ để trang bị cho khoảng 750 binh sĩ sẽ được chuyển đến trữ tại 3 nước Ba Lan, Romania, Bulgaria và có thể cả Hungary.

Quyết định đưa các loại vũ khí hạng nặng đến các nước Đông Âu được Mỹ lý giải là nhằm trấn an các đồng minh của mình trước sự leo thang quân sự từ phía Nga.

Để đáp lại, Tổng thống Nga Putin đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn nhằm vào phương Tây. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ tăng thêm 40 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của nước này.

“NATO đang tiến sát biên giới của Nga trong khi chúng tôi không di chuyển đi đâu cả”, ông Putin nói.

Căng thẳng nhưng vẫn muốn tránh đối đầu quân sự

Dù tình hình đang nóng hơn bao giờ hết, cả Nga và phương Tây đều hiểu rằng, đối đầu là không có lợi và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, việc Nga bổ sung 40 quả tên lửa đạn đạo để đối phó với việc Mỹ đưa vũ khí sang các nước Đông Âu không có nghĩa chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra.

Ông Putin khẳng định: “Nga không phải là kẻ xâm lược và không muốn làm leo thang căng thẳng nhưng Nga buộc phải phản ứng trước những hành động của phương Tây nhằm vào Nga”.

“Việc gia tăng giọng điệu gay gắt giữa Nga và Mỹ không có nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ đối đầu hạt nhân”, ông Putin nói.

Tên lửa Iskander của Nga được điều đến biên giới phía Tây nước này để đối phó với NATO. (Ảnh
Tên lửa Iskander của Nga được điều đến biên giới phía Tây nước này để đối phó với NATO. (Ảnh RIA)
 
Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng, điều tốt nhất cần làm để giải quyết tình hình Ukraine chính là quân chính phủ và phe đối lập phải tuân thủ thỏa thuận Minsk và ngồi vào bàn đàm phán. Đây cũng chính là điều kiện mà phương Tây đưa ra để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN