1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Điểm mặt” những cường quốc hạt nhân trên thế giới

(Dân trí) - Trong số các cường quốc hạt nhân trên thế giới, có những cường quốc chính thức, như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga. Ngoài ra, có những nước “tự xưng” như Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan; và những quốc gia được cho là bí mật phát triển hạt nhân như Israel, Iran.

“Điểm mặt” những cường quốc hạt nhân trên thế giới - 1


Mặc dù Mỹ là một cường quốc hạt nhân, nhưng Tổng thống Obama đã cam kết sẽ hướng tới mục tiêu phi hạt nhân. 

 

Những cường quốc hạt nhân chính thức

 

Mỹ: Theo cách tính của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), đến tháng 1/2009, Mỹ ước tính có 5.200 đầu đạn hạt nhân và đã triển khai sẵn sàng hành động 2.700 đầu đạn (trong đó có 2.200 đầu đạn chiến lược và 500 phi chiến lược).
 

Hiệp ước Mátxcơva tháng 5/2002 (Hiệp ước cắt giảm tấn công chiến lược hay SORT) giữa Mỹ và Nga quy định hai nước phải giảm các lực lượng hạt nhân chiến lược đã được triển khai của họ xuống còn 1.700-2.200 cho tới năm 2012.

 

Trong “Bài phát biểu Prague” vào tháng 4/2009, Tổng thống Mỹ Obama đã cam sẽ thực hiện mục tiêu dài hạn không có vũ khí hạt nhân.

 

Nga: Nga ước tính có khoảng 14.000 đầu đạn hạt nhân, mặc dù tổng số này vẫn chưa chắc chắn vì không có số chính xác về loại vũ khí chiến thuật. Theo điều khoản của START, kho hạt nhân của Nga đã giảm xuống còn khoảng 4.138 đầu đạn hạt nhân chiến lược cho tới tháng 7/2008.

 

Pháp: Pháp là thành viên của Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) kể từ năm 1992. Năm 2008, Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố nước ông sẽ từ bỏ các tên lửa tàu ngầm của mình trong khi cắt giảm vũ khí phòng không xuống 1/3, còn khoảng 290 đầu đạn.

 

Đến tháng 9/2008, Pháp đã giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống xấp xỉ 300 đầu đạn hạt nhân.

 

Anh: Kho hạt nhân của nước này có chưa đến 200 đầu đạn chiến lược và “dưới chiến lược”, được triển khai trên các tầu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Vanguard.

 

Trung Quốc: Ước tính có khoảng 40 vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật và có kho nhiên liệu đủ để sản xuất một số lượng vũ khí lớn hơn thế. Quốc gia này gia nhập NPT vào năm 1992 vớ tư cách là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đã cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia phi hạt nhân.

 

Các cường quốc hạt nhân “tự xưng”

 

Triều Tiên: Triều Tiên thử thiết bị nổ hạt nhân đầu tiên của mình vào tháng 10/2006 và lần thứ hai vào tháng 5 vừa qua. Nước này rút khỏi NPT vào tháng 1/2003. Ngoài ra, Triều Tiên cũng tiến hành thử rất nhiều tên lửa.

 

Vòng đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ bắt đầu vào năm 2003, nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhưng vòng đàm phán đã bị đổ bể vào năm 2005.

 

Vòng đàm phán được nối lại vào năm 2007 và vào tháng 6/2008, Triều Tiên đệ trình danh sách các chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, vào tháng 4 vừa qua, Triều Tiên cho biết họ sẽ tái khởi động nhà máy hạt nhân sản xuất pluton ở cấp độ vũ khí.

 

Ấn Độ: Đã chính thức tự tuyên bố là một quốc gia hạt nhân. New Delhi được cho là đã sản xuất được pluton ở cấp độ vũ khí, đủ để sản xuất ít nhất 100 đầu đạn hạt nhân. Trong báo cáo năm 2007, Uỷ ban quốc tế về nhiên liệu tách ước tính nước này đã lắp đặt 50-60 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó cả Ấn Độ và Pakistan đều không ký kết hiệp ước NPT.

 

Pakistan: Pakistan được cho là có xấp xỉ 580-800kg urani làm giàu cao, đủ để sản xuất 30-50 quả bom hạt nhân. Theo LHQ, Pakistan đã được Trung Quốc hỗ trợ về nhiên liệu, kỹ thuật và chuyên gia. Hiệp hội các nhà khoa học nguyên tử vào năm 2007 ước tính kho vũ khí của Pakistan gồm khoảng 60 đầu đạn hạt nhân.

 

Những nước hạt nhân “bí mật”

 

Israel: Người ta luôn ngầm hiểu Israel sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khá lớn, tuy nhiên nước này vẫn duy trì chính sách nhập nhằng về vấn đề này. Dựa trên ước tính về khả năng sản xuất pluton của lò phản ứng Dimona, Israel có xấp xỉ 100-200 thiết bị nổ hạt nhân tiên tiến. Một cách chính thức, Israel tuyên bố rằng họ sẽ không phải là nước đầu tiên giới thiệu vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Israel cũng không ký hiệp ước NPT.

 

Iran: Iran đã ký kết NPT với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân từ năm 1970. Tuy nhiên, nước này có chương trình làm giàu urani mà theo họ là để phục vụ cho nhu cầu điện năng. Các cường quốc phương Tây ngờ rằng Iran đang nỗ lực phát triển cách thức để tạo bom nguyên tử, do nước này đã không thông báo các cơ sở hạt nhân của mình cho cơ quan theo dõi hạt nhân của LHQ và tiếp tục giới hạn sự thanh sát của LHQ. Hiện Iran đang phải chịu 3 lệnh trừng phạt của LHQ vì từ chối ngừng chương chình làm giàu urani gây tranh cãi của mình.

 

Vũ Quý

Theo Reuters