1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đảng Cộng hòa và những sóng gió trước thềm bầu cử

(Dân trí) - Việc hạ nghị sĩ bang Ohio Bob Ney vừa từ bỏ tư cách nghị sĩ hôm 3/11 vừa rồi giáng thêm một cú đòn nữa vào Đảng Cộng hòa khi mà kỳ bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ chỉ vài ngày nữa sẽ diễn ra. Đảng Cộng hòa của ông Bush đang mất tín nhiệm nghiêm trọng với người dân Mỹ và bế tắc với những vụ scandal liên tiếp.

Ngỡ tưởng như scandal tình dục của hạ nghị sĩ Mark Foley sẽ là vụ bê bối cuối cùng của một năm đầy biến động trên chính trường nước Mỹ. Tuy nhiên, với việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân thành công đúng vào thời điểm chỉ cách cuộc bầu cử Quốc hội chưa đầy 1 tháng, tổng thống Bush cũng như Đảng Cộng hòa của ông lại một phen lao đao.

 

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm nay rất quan trọng vì nó quyết định đảng nào sẽ giành vị trí lãnh đạo trong Quốc hội. Cái rủi của kẻ này lại là cái may của kẻ khác, những scandal liên tiếp đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Đảng Cộng hòa và nhường lại sự lợi thế cho Đảng Dân chủ.

 

Theo một điều tra mới nhất do Newsweek thực hiện, Đảng Dân chủ đang dẫn trước Đảng Cộng hoà trong những vấn đề liên quan tới “giá trị đạo đức”. Trong khi đó, cuộc khảo sát của The Time cho thấy, 54% người Mỹ cho rằng ông Bush đã sai lầm khi thực hiện chiến tranh tại Iraq, còn kết quả điều tra của AP và Ipsos lại đưa ra gợi ý, Đảng Dân chủ nên giúp đỡ Đảng Cộng hòa của tổng thống Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố - lĩnh vực luôn được coi là sức mạnh của Đảng Cộng hòa.

 

Vũng lầy Iraq

 

Tháng 3/2003, nghi ngờ Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ đã phát động cuộc chiến nhằm lật đổ tổng thống Saddam Hussein và hi vọng có thể nhanh chóng thiết lập một nền dân chủ kiểu mẫu tại Trung Đông. Tuy nhiên, ông Bush đã không thể ngờ rằng, sau 3 năm 7 tháng, với hàng loạt các trang thiết bị hiện đại và sự hỗ trợ to lớn của các đồng minh, Mỹ vẫn không thể ổn định tình hình tại Iraq.

 

Xét về khía cạnh nền dân chủ mà Mỹ muốn dựng lên tại Iraq, dự án đã thất bại thảm hại khi sự mâu thuẫn giữa những người Hồi giáo dòng Shiite và Sunnis đang diễn ra hết sức ác liệt. Bằng chứng là hàng loạt cuộc giao tranh, đánh bom vẫn diễn ra trên khắp các đường phố Iraq hàng ngày.

 

Theo thống kê mới nhất do một trường đại học Mỹ thực hiện, kể từ ngày ông Bush phát động cuộc chiến tại Iraq, đã có gần 650.000 người dân nước này thiệt mạng, trong khi con số báo cáo của chính quyền Mỹ chỉ là khoảng 40.000 người.

 

Phía Mỹ cũng có những thiệt hại không nhỏ về vật chất cũng như quân sự. Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho các hoạt động quân sự cũng như tái thiết Iraq. Con số binh sĩ Mỹ thiệt mạng, tính tới hết tháng 10/2006, đã lên tới hơn 2.800 người và số bị thương khoảng 16 nghìn người. Còn tổng thống Mỹ, sau khi thú nhận “cuộc chiến tại Iraq dựa trên những thông tin tình báo sai lầm”, cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc rút bớt binh sĩ về nước như đã hứa.

 

Mặc dù cuộc chiến tại Iraq đã bắt đầu từ cách đây 3 năm nhưng hậu quả chiến tranh vẫn đang đè nặng lên vai tổng thống và Đảng Cộng hoà. Đa phần người Mỹ đều không bằng lòng với cách giải quyết cuộc chiến của ông Bush và nhiều người đang đặt câu hỏi lính Mỹ sẽ còn phải ở Iraq bao lâu nữa. Có thể Iraq sẽ vẫn mãi là một gánh nặng của Mỹ khi tới khi binh lính rút hoàn toàn khỏi nước này.

 

Jack Abramoff - Vụ bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

 

Đầu năm 2006, một vụ bê bối tham nhũng, chính trị lớn nhất trong lịch sử quốc hội Mỹ trong vòng 100 năm đã chính thức bị phơi bày tại Washington. Điều đáng nói hơn là, vụ tham nhũng, hối lộ vô cùng lớn này lại xảy ra tại một đất nước luôn tự cho mình là dân chủ nhất thế giới.

 

Sự việc liên quan tới nhà cựu vận động hành lang tiếng tăm Jack Abramoff khi người đàn ông này thú nhận 3 tội danh trốn thuế, gian lận và hối lộ với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

 

Vụ việc, xét về bản chất vốn đã rất ầm ĩ, lại trở nên nghiêm trọng hơn khi có dính líu hàng chục thượng nghị sĩ trong Đảng Cộng hoà của ông Bush mà chính tổng thống Mỹ cũng không nẳm ngoài số này. Trong chiến dịch tranh cử năm 2004, Abramoff là nhà gây quỹ hàng đầu của ông Bush với khoản đóng góp hơn 100.000 đô la.

 

Im ắng được vài tháng, scandal của Jack Abramoff lại tiếp tục trỗi dậy vào cuối tuần trước và quật vào Công Đảng Mỹ vào thời điểm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa.

 

Bob Ney, nghị sĩ của Đảng Cộng hoà tiếp tục là một trong số những móc xích quan trọng trong vụ làm ăn nhiều sai trái của Jack Abramoff khi ông này thú nhận đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để đổi lại được nhận tiền hối lộ và quà tặng từ nhà vận động hành lang. Hôm 3/11 vừa qua, ông Bob Ney đã chính thức từ chức nghị sĩ Quốc hội bang Ohio.

 

Mark Foley - Scandal tình dục gây chấn động dư luận

 

Năm 2006 dường như là một năm đầy biến động với nội bộ nước Mỹ nói chung và Đảng Cộng hòa nói riêng khi phải đối mặt hết khó khăn này tới khó khăn khác. Trong khi người dân Mỹ chưa kịp trấn tĩnh sau bê bối tham nhũng của nhà cựu vận động hành lang Jack Abramoff, họ lại tiếp tục chứng kiến một scandal tai tiếng không kém của hạ sĩ Mark Foley.

 

Ngày 29/9 vừa qua, Foley đã phải từ chức sau khi hãng tin ABC đưa ra bằng chứng ông là chủ nhân của những bức email khiêu dâm với một cậu bé 16 tuổi. Mỉa mai là Foley cũng là người từng phê duyệt luật chống khiêu dâm tình dục trên mạng.

 

Foley từ chức không có nghĩa là vụ việc đã hoàn toàn chấm dứt. Những người liên quan cũng bị đưa ra ánh sáng khi biết rõ về hành động sai trái của đồng nghiệp mà vẫn làm ngơ, trong đó có cả lãnh đạo Đảng Cộng hoà Dennis Hastert. Mặc dầu Hastert vẫn kiên quyết không từ chức nhưng không ít những thông điệp với nội dung tương tự đã chỉ đích danh tới văn phòng của ông.

 

Bình Nhưỡng - Sự thất bại trong chính sách ngoại giao

 

Lần này thì chính ông Bush, đại diện cao nhất của Đảng Cộng hòa bị chỉ trích chứ không phải ai khác. Khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công vào ngày 9/10, nước Mỹ tiếp tục tiếp trở thành tâm điểm bị lên án do chính sách ngoại giao cứng rắn và không hiệu quả với Bình Nhưỡng.

 

Tại sao Bắc Triều Tiên lại quyết định thử hạt nhân vào thời điểm được cho là nhạy cảm này? Câu trả lời, dù là ở khía cạnh nào, Mỹ vẫn không thể chối bỏ trách nhiệm và sự liên quan. Về phía quốc gia thứ 9 trong câu lạc bộ hạt nhân, họ cho rằng chính sách bao vây cấm vận, cô lập của ông Bush với nước này là quá cứng rắn và Triều Tiên không thể chịu đựng được nữa. Họ buộc phải hành động như là một biện pháp đối phó.

 

Giới chuyên gia cho rằng, rõ ràng chính sách ngoại giao của Mỹ với Bình Nhưỡng cũng như vị thế của nó trong mắt nước Mỹ, vốn vẫn bị coi là một phần của trục ma quỉ cùng Iran và Iraq­, đã đẩy Bắc Triều Tiên tới ngày hôm nay.

 

Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, ông Bush đã phải đối mặt với những lời cáo buộc rất có cơ sở. Trong nước, đại diện Đảng Dân chủ, nghị sĩ John Kerry đã gọi chính sách ngoại giao của đương kim tổng thống Mỹ là “một thất bại tồi tệ” và “ông Bush đã ngủ quên đúng vào thời điểm Bắc Triều Tiên đang lớn mạnh một cách đáng sợ”.

 

Cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung buộc tội chính quyền Mỹ là nguyên nhân của vụ thử hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Trong một bài phát biểu tại thành phố Gwangju, ông không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Khách quan mà nói, chúng ta đã gần đạt đến sự thành công, nhưng đúng lúc đó, chính quyền Mỹ lại nhảy vào và loại bỏ những thoả thuận mà đáng nhẽ ra phải được thực hiện”.

 

Đồng quan điểm với ông Kim Dae-Jung, cựu tổng thống Liên bang Xô-viết Mikhail Gorbachev cho rằng Mỹ đã để lỡ cơ hội cải thiện tình hình chính trị thế giới. Thậm trí ông còn dùng những hình ảnh rất khắt khe để miêu tả về chính quyền Mỹ khi so sánh chính sách ngoại giao của nước này với một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất mà con người chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, bệnh AIDS.

 

VTH

(Tổng hợp)