1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân gipxi, hành trình khắp châu Âu và cuộc mưu sinh gian khổ

(Dân trí) - Quy định Pháp mới ban hành đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi về dân nhập cư - mà ở đây là người gipxi. Hành trình lang thang mưu sinh đầy bất ổn khắp châu Âu của sắc người thiểu số này lại một lần nữa được nhắc đến.

Dưới đây là bài viết của Trang Anh từ Paris cho trang tiếng Anh của báo điện tử Dân trí:

Trong những tuần gần đây, các tổ chức nhân quyền, chống phân biệt chủng tộc và các nghiệp đoàn lao động đã tham gia biểu tình phản đối biện pháp mới của Tổng thống Sarkozy nhằm giải quyết vấn đề tội phạm liên quan đến người nhập cư.

Trong quá khứ, Pháp được xem là một trong những điểm đến mơ ước nhất đối với dân du cư nhờ một hệ thống phúc lợi hào phóng. Tuy nhiên, Pháp đang phải đối phó với tình trạng tội phạm tăng cao và đặc biệt, hình ảnh của một nhóm người - người gipxi, đã trở nên xấu xí trong mắt nhiều người.

Dân gipxi, hành trình khắp châu Âu và cuộc mưu sinh gian khổ - 1
 
Những phụ nữ gipxi mang theo con nhỏ trên đường phố Anh (cuối thế kỷ 19)

Những người nay đây mai đó này đã tìm đường đến Pari từ cách đây rất lâu. Vào những năm 1400, ngay sau khi đến Pháp, họ đã bị những người dân bản xứ xua đuổi. Người gipxi đã cầu xin sự thông cảm và kể lể những câu chuyện về việc bị phân biệt đối xử và bị đuổi khỏi quê hương như thế nào.

Hầu hết những người du cư ở Pháp có nguồn gốc từ Romania, do vậy họ còn được gọi là người Rom. Họ tiếp tục lang thang khắp nước Pháp, kiếm ăn bằng các trò tiêu khiển. Một số phụ nữ trở thành các vũ công, ca sĩ hay thầy bói nổi tiếng. Hiện có ít nhất 1.800 người Rom sinh sống tại Pari. Dân địa phương thường coi họ là dân gipxi.

20 năm trước, chính quyền các thành phố ở Pháp được lệnh cung cấp khu cắm trại, kèm theo điện nước, cho tất cả những người du cư ở Pháp. Được trao quy chế tị nạn, mỗi gia đình gipxi bắt đầu nhận được hỗ trợ phúc lợi xã hội từ chính phủ. Họ cũng được khuyến khích tìm kiếm các công việc làm thuê ở địa phương.

Khi đã bắt đầu an cư, một số người Rom đã trở thành những nhạc sĩ thực sự, chơi trong những dàn nhạc ngoài trời hoặc lập thành những ban nhạc nhỏ. Để phụ thêm thu nhập từ phúc lợi xã hội, nhiều người bắt đầu các công việc như lao công, rửa chén đĩa, làm vườn... Một số ít người Rom đã có công việc buôn bán làm ăn riêng, cũng rất nhạy bén và sắc sảo.

Trang phục đặc trưng của phụ nữ và em gái Rom rất nhiều màu sắc, đi cùng khăn đội đầu, hoa tai và vòng cổ vàng. Tạp chí chuyên về thời trang Vogue đã từng tung hô hình ảnh của phụ nữ và trẻ em Rom trên trang bìa của báo này năm 1992.
 
Dân gipxi, hành trình khắp châu Âu và cuộc mưu sinh gian khổ - 2

Những “siêu mẫu” người Rom trên tạp chí Vogue, năm 1992

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người du cư đến Đông Âu bằng con đường bất hợp pháp với số lượng rất lớn. Họ bắt đầu tự dựng trại ở các khu vực hoang vắng, trên những cánh đồng, trong công viên và cả những nơi công cộng. Họ sống với hệ thống vệ sinh tối thiểu và không cần nước, điện.

Về văn hóa, người du cư không có bất kỳ ngôn ngữ viết hay nền văn học nào. Các ông bố bà mẹ người Rom thường không khuyến khích con cái đi học ở đất nước họ đang sinh sống. Những thanh niên thất nghiệp thường lang thang ở những ngôi làng gần nơi họ dựng trại. Đa số người Rom không làm việc gì ý nghĩa và cố định. Tội phạm vì thế bùng phát trong cộng đồng người này, từ mại dâm, móc túi, ăn cắp xe, trộm ngựa hay phá hoại tài sản công cộng.

Theo tài liệu của hãng tin BBC, hàng nghìn trẻ em người Rom đã bị ép buộc phải xuống đường ăn xin hoặc trộm cắp. Tại Pari, những cô gái gipxi thường chạy theo khách du lịch, vật nài họ chụp ảnh và sau đó xin tiền với thái độ rất hung hăng. “Trong khi họ đáng lạc hướng, một trong số đó có thể thò tay vào túi bạn”, một khách du lịch nói.

Có nhiều phụ nữ Rom mang theo con nhỏ, xuất hiện nhiều trên đường phố Pari, đặc biệt là những địa điểm du lịch như Bảo tàng Louvre, Tháp Eiffel… Mục tiêu của họ cũng là khách du lịch. Một du khách bị một người gipxi cướp trên đường phố Pari từng viết: “Cảnh sát không làm gì cả. Không có cảnh báo trên tàu điện ngầm hoặc phương tiện giao thông. Chính phủ Pháp chẳng làm gì để ngăn chặn loại tội phạm này. Họ thực sự đang khuyến khích những kẻ phạm tội”.
 
Dân gipxi, hành trình khắp châu Âu và cuộc mưu sinh gian khổ - 3

Các cô gái gipxi ở Tây Ban Nha (đầu thế kỷ 20)

Ở Madrid, những máy rút tiền tự động là mục tiêu chính của dân gipxi. Những người rút tiền nhiều lần bị cướp ngang nhiên giữa phố. Còn ở Italia, nơi có số lượng người Rom rất lớn, ước tính khoảng 150.000, gia đình những người Rom – cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, chiếm cả những khu đất lớn ở ven thành phố Rome và Naples làm nơi dựng lều trại. Không giống như ở các nước châu Âu, nhiều người Italia công khai tỏ thái độ thiếu thiện cảm với những người này.

Ở Nga, những người du cư có mặt trên khắp cả nước, vây quanh du khách ở trên đường phố, trong công viên – xin ăn với thái độ hăm dọa. Không ai biết chính xác con số là bao nhiêu. Họ cũng không được hưởng bất cứ khoản hỗ trợ nào từ chính phủ . Ở Anh, dân gipxi được cho là cộng đồng thiểu số bị ghét bỏ nhất. Cảnh sát gần đây bắt được một nhóm tội phạm có tổ chức có tên gọi là Băng đảng Gipxi là thủ phạm vụ mất trộm một loạt những món đồ cổ trị giá 80 triệu bảng.

Người Rom có lịch sử đầy đau khổ và bi kịch. Vào những năm từ 1933 đến 1939, rất nhiều người Rom ở Đức – khoảng nửa triệu, đã bị giết hại theo lệnh của Hitler. Hiện ở Đức chỉ còn khoảng 100 người Rom. Những người này đến giờ thậm chí vẫn rất sợ để lộ thân phận mình.

Hầu như ở nơi đâu, các gia đình người Rom cũng thường bị xem và đối xử như những người thừa của một xã hội bình thường. Bị từ chối đồng hóa, một lối sống vô tư lự và hình ảnh “đóng đinh” là những người lang thang, trộm cắp - đã khiến họ, dù ở nước nào, họ cũng bi coi như không đủ năng lực để được thuê làm việc.

Việt Hà
Dịch