1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dã tâm của Trung Quốc trên biển Đông tăng cao

Washington lo ngại việc Bắc Kinh sử dụng tàu không thuộc lực lượng hải quân để thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông

Vào tháng tới, Trung Quốc nhiều khả năng công bố ngân sách quốc phòng với mức tăng lớn không kém gì năm ngoái. Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc năm 2015 tăng 10,1% so với năm 2014, đạt mức 144 tỉ USD, bằng 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ cùng thời điểm.

Một nguồn tin quân sự nước này tiết lộ với Reuters ngày 16-2 rằng mức tăng 30% đã được nói đến trong giới quân sự dù con số cuối cùng khó có thể cao đến thế.


Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp mở rộng diện tích đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: THE DIPLOMAT

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp mở rộng diện tích đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: THE DIPLOMAT

Động thái trên được cho là nỗ lực nhằm xoa dịu nỗi lo của quân đội Trung Quốc về những cuộc cải tổ đang diễn ra, trong lúc vấn đề biển Đông và mối quan hệ với Đài Loan đè nặng lên Bắc Kinh. “Tổ chức tập trận, tiến hành cải cách, thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu đều cần kinh phí. Các hoạt động ở biển Đông sẽ có tác động đến vấn đề tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc” - ông Cổ Khánh Quốc, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Bắc Kinh kiêm cố vấn của chính phủ Trung Quốc về quan hệ đối ngoại, nhận xét.

Sau khi Mỹ tuần tra gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép vào tháng trước, Thời báo Hoàn Cầu lớn tiếng trong một bài xã luận: “Điều này nhắc nhở rằng phải duy trì tốc độ tăng chi tiêu quân sự ở mức cao dù nền kinh tế tăng trưởng chậm”.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục bộc lộ dã tâm độc chiếm biển Đông khi cho mở rộng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Hoàng Sa. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất đăng trên tạp chí The Diplomat cho thấy hoạt động nạo vét và bồi lấp đang diễn ra tại 2 địa điểm mới - cách một căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm mà Bắc Kinh đang chiếm giữ trái phép 15 km. Hoạt động này được cho là bắt đầu sau ngày 2-12-2015, hình thành một dải đất mới liền kề đảo Bắc thuộc nhóm đảo An Vĩnh.

Ngoài ra, theo hình ảnh vệ tinh, Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, qua đó cho thấy nước này có thể đang phát triển một mạng lưới căn cứ ở biển Đông để hỗ trợ hoạt động của trực thăng săn ngầm.

Trung Quốc không chỉ gây lo ngại bởi hoạt động xây dựng trái phép. Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, vừa cảnh báo việc Trung Quốc sử dụng tàu không thuộc lực lượng hải quân, như tàu hải cảnh, để thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Singapore hôm 15-2, ông Aucoin cho rằng các tàu ngoài biên chế hải quân của Trung Quốc “không chắc chắn về tính chuyên nghiệp” nên dễ phát sinh các tình huống không mong đợi trên biển. Tàu chiến Mỹ cũng khó tiếp cận những tàu này vì không có lý do chính đáng. Ông Aucoin thừa nhận quân đội Mỹ và Trung Quốc không có cuộc đàm phán chính thức nào về việc yêu cầu lực lượng bảo vệ bờ biển 2 nước chấp hành Bộ quy tắc chạm trán ngoài ý muốn trên biển.

Do vậy, trong thời gian tới, ông Aucoin dự định yêu cầu lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ mở rộng vai trò và hỗ trợ hoạt động của hải quân Mỹ vì tàu Trung Quốc hiện tại “không đơn giản chỉ khoác vỏ màu xám (tàu hải quân) nữa”.

Theo Huệ Bình - Phạm Nghĩa

Người Lao động