1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu ngoại trưởng Aso được bầu làm thủ tướng Nhật

(Dân trí) - Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản ngày hôm nay đã bầu cựu Ngoại trưởng Taro Aso làm chủ tịch đảng và đương nhiên sẽ trở thành thủ tướng kế tiếp của nước này.

Chủ tịch Uỷ ban bầu cử đảng LDP Hideo Usui cho biết ông Aso đã dễ dàng giành được đa số phiếu ủng hộ (tỷ lệ 351/527) trong vòng bầu cử đầu tiên trước 5 ứng cử viên cho vị trí này, và giành quyền kế nhiệm Thủ tướng Yasuo Fukuda.

 

"Cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng", ông Aso nói sau khi giành thắng lợi. "Kể từ giờ phút này, không có cuộc xung đột nào giữa 5 ứng cử viên tranh chức thủ tướng.

 

Quốc hội sẽ nhóm họp ngày 24/9 để làm lễ nhậm chức cho tân thủ tướng. Thời khắc này đồng nghĩa với những gánh nặng sẽ được chính thức đặt lên vai ông Taro Aso.

 

Rạn nứt trong nội bộ LDP

 

LDP đã tự cầm quyền ở Nhật Bản, hoặc cầm quyền cùng với liên minh trong nhiều năm, kể từ khi đảng này được thành lập năm 1955. Là đảng bảo thủ và thân Mỹ, LDP lâu nay dựa vào tầng lớp nông dân, kinh doanh quy mô lớn và tầng lớp trung lưu. LDP nói chung đã được ca ngợi về thành tích dẫn dắt đất nước đi từ hoang tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Nhưng đảng này cũng đang khủng hoảng vì những bê bối và chia rẽ bè phái trong nội bộ. Trước đó, tỉ lệ ủng hộ của cử tri vẫn ở mức rất thấp khiến LDP phải trì hoãn thời điểm tiến hành bầu cử Hạ viện.

 

LDP nhận thức rõ điều này và lập tức đánh động dư luận, cố gắng lấy lại danh tiếng bằng việc lần đầu tiên giới thiệu 5 ứng viên của đảng cho chức vụ chủ tịch đảng và thủ tướng. Đây được đánh giá là thao tác chính trị nhằm thu hút sự chú ý với hình ảnh của LDP, chứng tỏ sự năng động của đảng này và đưa ra thông điệp là đảng này vẫn hấp dẫn các cử tri.

 

Nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn tài chính

 

Vấn đề đầu tiên trong số những ưu tiên hàng đầu của cử tri là các biện pháp kinh tế, dường như sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu tình trạng bất ổn tài chính hiện nay ở Nhật Bản. Cử tri ngày càng quan tâm xem cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào và ban lãnh đạo Nhật Bản sẽ đối phó ra sao với tình trạng thiếu hụt thuế do tỷ lệ dân số lão hoá nhanh - có nghĩa là nhiều người cần lương hưu và chăm sóc y tế, trong khi ít người tham gia lao động và trả thuế.

 

Theo các nhà phân tích, tuyên bố phá sản của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) đã giáng một đòn mạnh vào cuộc bầu cử chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ưu tiên thúc đẩy các biện pháp kinh tế tiếp tục được đề cao và điều này có thể tạo làn sóng công kích mới vào chính phủ và đảng cầm quyền ở Nhật Bản.

 

LDP dự trù tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 26/10/2008. Tuy nhiên, đằng sau việc chọn chủ tịch mới cho LDP cầm quyền - người đương nhiên sẽ lên nắm quyền thủ tướng thay ông Yasuo Fukuda, một vấn đề nữa đặt ra là liệu đảng này có đủ uy tín để giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới hay không?

 

Trà Giang

Theo AFP, Reuters