1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc sống khốn khó của những người từng giúp kiến thiết Trung Quốc

(Dân trí) - Là lực lượng quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc nhưng các lao động di cư ở nước này lại đang phải đối mặt với căn bệnh viêm khí phế quản do điều kiện lao động độc hại. Cuộc sống của họ ngày càng bế tắc khi thiếu đi những sự hỗ trợ cần thiết.

Ông Liu Yanping. (Ảnh: SCMP)
Ông Liu Yanping. (Ảnh: SCMP)

Người nông dân 56 tuổi có tên Liu Yanping ở khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc phải thở bằng máy trong vòng 3 năm qua. Ông Liu từng là công nhân làm việc tại lò gạch và số bụi than mà ông hít phải trong hàng năm trời lao động chân tay đã làm phổi của ông bị tổn thương nghiêm trọng, khiến việc thở ngày càng khó khăn.

3 năm trước, tại một bệnh viện ở thủ phủ Ngân Xuyên của Ninh Hạ, ông bị chẩn đoán ông mắc bệnh khí phế quản, một căn bệnh không thể chữa khỏi do hít phải bụi công nghiệp trong thời gian dài.

Con trai Liu Yanping, Liu Zezhao cho biết gia đình họ hầu như không nhận được sự trợ giúp nào của chính quyền, và chính phủ chỉ chi trả 10% hóa đơn y tế của người cha ốm yếu. “Chúng tôi đã khánh kiệt sau khi chi 92.000 USD chi trả chi phí chữa bệnh. Tôi mượn tiền của người thân, bạn bè, đi vay nặng lãi và thậm chí bán cả nhà đi để lo cho bố”.

Đây là căn bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng và phổ biến nhất ở Trung Quốc sau một khoảng thời gian nước này tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên, những công nhân di cư như ông Liu mới chỉ nhận được sự quan tâm từ chính phủ Trung Quốc cách đây 2 năm sau khi 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc ban hành chung một thông tư hướng dẫn chính quyền địa phương phòng tránh và điều trị căn bệnh mãn tính quái ác này. Tuy vậy, một số người cho biết họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cho bệnh tình của họ.

Ông Liu vì mức lương hấp dẫn đã quyết định làm việc tại lò gạch cách nơi ở 2,5km từ năm 1998 tới năm 2011, với nhiệm vụ nghiền than. Thu nhập của ông chỉ vỏn vẹn 93 USD mỗi tháng. Sau khi mắc bệnh, ông chủ lò gạch đã từ chối trả bất cứ một khoản hỗ trợ nào vì ông Liu không có hợp đồng lao động, điều mà những công nhân di cư như ông hiếm khi có được.

Lò gạch vẫn hoạt động bình thường. Không một động thái nào được đưa ra dù trong làng của Liu Zezhao 6 người mắc khí phế quản và 5 người trong số đó đã qua đời.

Anh chia sẻ rằng nhà anh nghèo đến mức họ phải “chui rúc” trong một căn nhà xây bằng bùn. Tuy nhiên, các quan chức địa phương “5 lần 7 lượt” từ chối xin trợ cấp tài chính của gia đình. Tình hình sức khỏe của ông Liu ngày càng tồi tệ hơn với những cơn nghẹt thở diễn ra thường xuyên. Trong những lần khó thở kéo dài tới 10 phút, ông Liu toát mồ hôi, quằn quại đau đớn trong cơn bệnh tật.

Cuộc sống khốn khó của hàng triệu người mắc khí phế quản

Zhang Yuanjun, một nạn nhân của bệnh khí phế quản do lao động trong môi trường độc hại. (Ảnh: SCMP)
Zhang Yuanjun, một nạn nhân của bệnh khí phế quản do lao động trong môi trường độc hại. (Ảnh: SCMP)

Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Love Save Pneumoconiosis Foundation (LSPF), Trung Quốc đại lục có khoảng 6 triệu người mắc bệnh tương tự như ông Liu. Con số này cao gấp 9 lần số liệu các cơ quan chức năng Trung Quốc công bố.

Theo số liệu của Bộ Y tế Trung Quốc, có 676.541 người Trung Quốc nhiễm khí phế quản, trong đó 90% mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Guo Xiaoye, người đứng đầu LSPF, con số 6 triệu người đã được tổ chức của ông nghiên cứu và tổng kết trong hàng năm qua. LSFP là một trong những tổ chức lớn nhất Trung Quốc đấu tranh cho những nạn nhân của bệnh khí phế quản, hầu hết họ là công nhân di cư từ nông thôn lên thành thị, tham gia vào quá trình kiến thiết và góp phần giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng.

Theo ông Guo, sở dĩ số liệu có sự chênh lệch đáng kể như vậy, vì cơ quan chính phủ không thống kê những trường hợp không có hợp đồng lao động như ông Liu, họ chỉ thống kê những lao động làm tại các công ty quốc doanh. Vì vậy, những người như ông Liu không thể được xếp vào đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp vì ông thiếu đi giấy tờ và bằng chứng cần thiết.

Thông tư năm 2016 của chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận sự đóng góp to lớn của lao động di cư tới sự phát triển của Trung Quốc. “Từ năm 2014 tới 2017, 274 triệu lao động di cư ở Trung Quốc. Họ là một nguồn lực quan trọng cho sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc”, thông tư viết.

Nhiều các nạn nhân khí phế quản vẫn đang chật vật với sinh kế hàng ngày. Họ bế tắc khi kiện tụng ông chủ cũ của họ vì những người này đã “cao chạy xa bay” sau khi đóng cửa nhà máy, hầm lò. Thêm vào đó, cái nghèo và sự thiếu hiểu biết đã khiến những lao động này không nhận thức được việc họ phải bảo vệ quyền lợi bản thân như thế nào. Nhiều người mắc bệnh chỉ biết đổ lỗi cho vận xui của bản thân.

Tuy nhiên, chính sự vô trách nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc đã khiến số phận của những lao động ốm yếu càng trở nên khốn khó. Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm phòng bệnh cho công nhân bằng hệ thống quản lý khói bụi tại nhà máy, nơi làm việc. Trong khi đó, các cơ sở y tế được yêu cầu cần tích cực hơn trong việc chẩn đoán, điều trị và coi đó là bệnh nghề nghiệp.

Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí điều trị cho các nạn nhân mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Guo, mỗi vùng miền và địa phương lại có chính sách khác nhau với đối tượng này.

Zhang Yuanjun, một công nhân di cư 43 tuổi, đã cùng 42 công nhân đồng nghiệp chọn phương án đấu tranh chống lại chủ mỏ than tư nhân. Họ không được kí hợp đồng nhưng tòa án địa phương xác nhận những công nhân này có quan hệ lao động với chủ mỏ than. Tuy nhiên, người chủ này lại chần chừ không chịu chi trả tiền bồi thường vì ông ta muốn chờ càng nhiều người mắc bệnh qua đời để giảm thiểu chi phí phải bỏ ra.

Zhang hay Liu chỉ là số ít trong nhiều lao động Trung Quốc đang chật vật với con đường kiếm sống và chữa bệnh. Theo Zhang, hiện đã trở thành tình nguyện viên của tổ chức LSPF, nhiều công nhân di cư đã lựa chọn cái chết khi nghe tin mắc căn bệnh tốn kém này, nhiều người vợ đã bỏ đi khi chồng mình bị chẩn đoán mắc khí phế quản.

“Đó là một hiện thực đau đớn. Chúng tôi làm việc quần quật để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước và phải đánh đổi sức khỏe, mạng sống để được trả lương. Vậy mà chúng tôi không nhận được sự quan tâm đúng mức”, Zhang chia sẻ.

Đức Hoàng

Theo SCMP