1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Sức lan tỏa của lẽ phải

(Dân trí) - Hiện tại, vụ kiện ở Biển Đông chưa tới hồi kết vì Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới đang trong quá trình chờ tiếp nhận phản hồi của Trung Quốc trước khi ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, với sức lan tỏa của lẽ phải, Manila dường như đang chiếm phần ưu thế trước Bắc Kinh.

Cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông: Sức lan tỏa của lẽ phải - 1

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đang trở thành căn cứ chống lại chính nước này (Ảnh: World Press)

Theo quy định, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trách nhiệm quyết định về thẩm quyền của mình dựa trên cơ sở các sự kiện, bằng chứng và pháp lý được chứng minh một cách công bằng.

Trong vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, nếu các bằng chứng pháp lý và lập luận của Manila đủ sức thuyết phục, các quan tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu PCA có đủ thẩm quyền xem xét các nội dung trong đơn kiện của Philippines hay không. Dù kết luận của tòa thế nào, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và quốc tế từ ba khía cạnh: khả năng phán quyết của PCA, phản ứng của Trung Quốc và phản ứng của các nước trong khu vực.

Hiện có 3 khả năng có thể xảy ra:

Một là, PCA tuyên bố có thẩm quyền và tiếp tục mở phiên tòa xem xét nội dung đơn kiện của Philippines

Hai là, PCA chưa đưa ra quyết định về thẩm quyền, mà kết hợp xem xét cả vấn đề nội dung đơn kiện của Philippines rồi mới đưa ra phán quyết.

Ba là, PCA tuyên bố không có thẩm quyền xét xử đơn kiện.

Trong hai trường hợp đầu, phán quyết của tòa sẽ tạo cơ hội thúc đẩy phát triển Luật biển quốc tế, mang lại sức mạnh tâm lý và niềm tin cho các nước vào sự bảo vệ của UNCLOS; đồng thời tạo tiền lệ pháp lý cho các nước noi gương Philippines giải quyết các tranh chấp tương tự trên thế giới.

Tất nhiên, căn cứ vào những phát biểu và hành động của Trung Quốc, nước này sẽ không dễ dàng chấp nhận một phán quyết có lợi cho Philippines. Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách kéo dài vụ kiện và tranh thủ tạo thế đứng của mình ở Biển Đông. Các hoạt động như củng cố đảo nhân tạo, đưa lực lượng chấp pháp và tàu thuyền đánh cá xuống sâu Biển Đông, ép các nước cùng khai thác tài nguyên, thậm chí thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và mở rộng chiếm đóng một số bãi ngầm ở các vùng biển tranh chấp… là những việc được Bắc Kinh đẩy mạnh để tạo ra hiện trạng mới trước khi phán quyết được đưa ra.

Trong trường hợp PCA tuyên bố không có thẩm quyền xét xử đơn kiện, điều mà Trung Quốc mong muốn nhất, nước này sẽ chẳng còn gì để quan ngại. Bắc Kinh sẽ ráo riết thúc đẩy các hoạt động củng cố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Còn đối với Philippines và các nước trong khu vực, UNCLOS sẽ không còn là điểm tựa pháp lý đáng tin cậy, buộc từng nước phải tự củng cố tiềm lực quốc phòng và tìm cách liên minh quân sự để ứng phó với các hành động tiếp theo của Bắc Kinh.

Trên thực tế, mọi việc không diễn ra đơn giản như vậy và cũng sẽ không đi theo dự liệu của Trung Quốc.

Đơn cử một ví dụ. Khi công bố “Tài liệu lập trường về vụ kiện ở Biển Đông”, Bắc Kinh hy vọng có thể đạt được ít nhất hai điều: tác động đến việc ra quyết định của PCA về vấn đề thẩm quyền và ảnh hưởng đến các hành động tiếp theo của Manila. Cả hai điều này Trung Quốc đều không đạt được. Thứ nhất, vì các thẩm phán của PCA là những chuyên gia pháp lý hàng đầu, họ hoàn toàn độc lập trong quá trình đưa ra phán xét và không chịu áp lực từ bất kỳ bên nào, dù là nước lớn. Thứ hai, Philippines không hề chùn bước trước những “đòn phản công” của Trung Quốc, cho dù “Tài liệu lập trường” được coi là văn bản chính trị có hàm lượng nghiên cứu cao và được chính phủ Trung Quốc chuẩn bị rất chu đáo.

Khi nhận ra những điều này, tự Trung Quốc cũng thấy rằng nước này khó có thể nhận được một phán quyết có lợi cho mình nếu như không thay đổi cách tiếp cận. Việc “tạo sự đã rồi” ở Biển Đông sẽ hoàn toàn không đơn giản trong bối cảnh Mỹ ngày càng can sự sâu vào khu vực và các nước trong vùng đang có biểu hiện xích lại gần nhau, cùng nhau củng cố tiềm lực quốc phòng. Do vậy, cách lựa chọn duy nhất của Bắc Kinh là nên đặt vụ kiện trong tổng thể quan hệ với Philippines cũng như quan hệ với ASEAN.

Trong các tuyên bố gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện rõ sự thay đổi lập trường khi đồng ý xử lý tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ đa phương cấp khu vực, thay vì chỉ chấp thuận giải quyết song phương với từng nước liên quan như trước đây. Nói cách khác, Trung Quốc giờ đây đã chấp thuận cách tiếp cận “đa phương khi cần thiết” và “khu vực hóa khi thích hợp” để giữ mọi việc trong tầm kiểm soát, từ đó từng bước tháo gỡ vấn đề Biển Đông, mắt xích yếu nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN hiện nay.

Nói theo lời của ông Xue Li, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh cần đưa ra sáng kiến gay từ bây giờ, hơn là chờ đợi cho đến khi buộc phải hành động theo phán quyết không có lợi của Tòa Trọng tài.

Đức Vũ