1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine ngày một nóng

(Dân trí) - Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine càng trở nên nóng sau khi hôm qua tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống dẫn ở Ukraine.

Cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine ngày một nóng  - 1
Một phụ nữ đứng gần chiếc đồng hồ đo áp tại một trạm vận chuyển khí đốt ở thành phố Boyarka của Ukraine  

Gazprom đã cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tới châu Âu thông qua đường ống dẫn tại Ukraine, khiến việc cung cấp khí đốt tới châu Âu bị gián đoạn, Valentin Zemlyanski, phát ngôn viên công ty khí đốt nhà nước Naftogaz của Ukraine cho hay.

 

“Họ đã giảm nguồn cung khí đốt từ 221 triệu m3/ngày xuống còn 92 triệu m3/ngày. Chúng tôi không biết làm cách nào để có thể chuyển khí đốt tới châu Âu”, ông Zemlyanski nói. “Điều này có nghĩa trong một vài giờ tới, châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt”, ông Zemlyanski nói thêm.

 

Quyết định cắt giảm diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin yêu cầu Gazprom bắt đầu cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine để đáp trả việc Ukraine “ăn cắp” khí đốt của Nga. Ukraine phủ nhận điều này và cáo buộc Nga đứng đằng sau cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt hiện thời.

 

Châu Âu lao đao

 

Các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng nhận thấy ảnh hưởng của việc nguồn cung khí đốt bị cắt giảm. Bulgaria, Macedonia, Hi Lạp và Croatia cho hay nguồn cung khí đốt từ Nga không qua Ukraine đã bị ngừng. Bulgaria gọi đây là một “tình thế khủng hoảng” giữa mùa đông. Lượng khí đốt tới Áo và Romania cũng giảm 90% và 75%.

 

Thủ tướng Bulgaria Sergei Stanishev hôm qua cho hay, nguồn khí đốt mà Nga cung cấp đã bị cắt giảm 2/3 kể từ sáng thứ 3, ngày 6/1. Phát biểu tại buộc họp báo đặc biệt sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bộ trưởng bàn về tranh cãi khí đốt Nga-Ukraine, ông Stanishev nói Bulgaria giờ chỉ trông cậy vào nguồn dự trữ khí đốt duy nhất tại nhà máy Chiren với 570 triệu m3.

 

Tại Bucharest, Bộ kinh tế Romania cho biết, 2/3 nguồn cung khí đốt của Nga tới nước này đã bị tạm dừng và 1 trong 2 trạm nhập khẩu khí đốt bị cắt hoàn toàn. Cũng theo nguồn tin này, Gazprom đã cắt hẳn cuồn cung khí đốt qua trạm Isaccea vào lúc 3 giờ sáng giờ địa phương ngày 6/1.

 

Còn tại thủ đô Bratislava, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Lubomir Jahnatek nói trong một cuộc họp báo rằng Slovakia có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia sau khi nguồn cung khí đốt của Nga tới nước này giảm 70%.

 

Slovakia, nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn khí đốt của Nga, sẽ gửi thư phản đối tới Ukraine và Nga, yêu cầu họ giải tự quyết cuộc tranh chấp thương mại giữa 2 nước và không bắt châu Âu làm con tin”, ông Jahnatek nói.

 

EU kêu gọi sớm có giải pháp

 

Liên minh châu Âu gọi việc Nga bất ngờ ngừng cung cấp khí đốt cho châu lục này qua Ukraine là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. EU đã hối thúc Mátxcơva và Kiev tìm ra một giải pháp vào cuối tuần này.

 

“Việc nguồn cung khí đốt tới các quốc gia thành viên bị cắt đã đi ngược lại với cam kết của các lãnh đạo cấp cao của Nga và Ukraine. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Cộng hoà Séc, hiện đang giữ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), nói trong một tuyên bố chung với Liên minh châu Âu.

 

Cũng trong tuyên bố trên, EU đã yêu cầu việc cung cấp khí đốt phải được phục hồi ngay lập tức, đồng thời Nga và Ukraine phải nối lại các cuộc đàm phán ngay tức thì để đưa ra một thoả thuận cuối cùng nhằm giải quyết cuộc tranh cãi khí đốt.

 

“Theo tôi, Mátxcơva và Kiev phải có một thoả thuận vào tuần này”, Phó thủ tướng Séc Alexandr Vondra tuyên bố, và nói thêm rằng tình hình đang ngày càng xấu đi và sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu kéo dài thêm vài ngày.

 

Thủ tướng Séc Mirek Topolanek cho hay, Cộng hoà Séc đang cân nhắc “giải pháp cuối cùng” về một hội nghị thượng đỉnh 3 bên EU-Nga-Ukraine. “Tuy nhiên, giải pháp này chưa được sử dụng vì chúng tôi yêu cầu 2 phải đạt tới một thoả thuận”.

 

Trong khi đó, ông Oleh Dubina, Giám đốc công ty Naftogaz của Ukraine, cho hay ông sẽ tới Mátxcơva vào ngày mai (8/1) để nối lại các cuộc đàm phán về tranh chấp khí đốt với Nga.

 

Ánh Ninh
Theo AP, Xinhua