1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Cuộc chiến” bên ngoài Syria

Cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria cũng như tiến trình hòa bình ở Syria dự báo sẽ có bước chuyển tích cực hơn với sự tham gia tích cực từ phía Nga.

Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn còn rất gian nan bởi nó không chỉ diễn ra trong Syria, mà những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước khiến “cuộc chiến” bên ngoài vùng lãnh thổ này cũng nóng bỏng không kém...

Nga triển khai lực lượng không quân hỗ trợ Syria

Ngày 30-9, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) đã nhất trí chấp thuận đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai lực lượng vũ trang đến Syria.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Putin đã chính thức đề nghị Hội đồng Liên bang cho phép triển khai lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài "trên cơ sở các nguyên tắc được công nhận rộng rãi và quy định của luật pháp quốc tế".

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov nhấn mạnh, hoạt động triển khai tại Syria chỉ liên quan đến lực lượng không quân theo đề nghị của Tổng thống Syria Basha al Assad, nhằm hỗ trợ quân đội nước này chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Ivanov cho biết thêm, hoạt động triển khai lực lượng Nga tại Syria sẽ giới hạn về thời gian, song không tiết lộ hình thức triển khai lực lượng này. Từ nhiều tuần qua, Nga đã tăng cường hỗ trợ về quân sự cho chính quyền Syria chống lại IS, trong bối cảnh liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích các căn cứ của IS tại Syria và Iraq, nhưng không hiệu quả.

Tổng thống Nga Putin cũng đã đề xuất thành lập một liên minh mới chống IS tại Syria, trong đó Nga đóng vai trò nổi bật.

“Cuộc chiến” bên ngoài Syria - 1

Đoàn đại biểu cấp cao Nga-Mỹ gặp gỡ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: enca.com)

Rào cản từ quyền lợi nước lớn

Quyết định của Tổng thống Putin ngay từ đầu đã vấp phải sự cản trở của Mỹ. Phát biểu tại hội nghị cấp cao chống khủng bố với sự tham dự của khoảng 100 nhà lãnh đạo, được tổ chức bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 29-9 tái khẳng định quyết tâm tiêu diệt IS, đồng thời cam kết triển khai một "chiến dịch lâu dài", sử dụng mọi nguồn lực để đánh bại nhóm phiến quân cực đoan này cả trên chiến địa và về mặt tư tưởng, nhưng với điều kiện Syria phải có một "lãnh đạo mới"-ám chỉ sự ra đi của Tổng thống Assad.

Điều này rõ ràng mâu thuẫn với quan điểm từ phía Nga cho rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ hiện nay ở Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Putin nhấn mạnh, chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Tổng thống Pháp, có quyền quyết định người lãnh đạo của họ.

Nước Mỹ hiện đang bế tắc trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria đã rất thực tế khi hiểu rằng, không thể thiếu Nga trong giải quyết và chia sẻ gánh nặng về vấn đề Syria. Nước Mỹ cũng hiểu rõ, một khi Nga thành công, có nghĩa nước Mỹ sẽ mất quyền lợi. Và họ không thể không tính toán.

Nước Mỹ muốn tận dụng tối đa sức mạnh và ảnh hưởng của Nga để hạn chế thấp nhất những rủi ro của chính mình, nhưng lại được lợi nhiều nhất ở đây. Với lý do đó, Mỹ đã đề xuất đối thoại với Nga về hoạt động không kích tại Syria nhằm tránh "rủi ro đụng độ" trong bối cảnh Mátxcơva đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Chính phủ Syria và lực lượng người Cuốc trong cuộc chiến chống IS.

Phát biểu trước báo giới ngày 29-9, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chỉ đạo "mở các kênh liên lạc với phía Nga" về hoạt động của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Syria. Theo ông Cook, mục đích của kế hoạch trên là nhằm bảo đảm các cuộc không kích của liên quân chống IS tại Syria không bị "gián đoạn" và tránh xảy ra những "đánh giá và tính toán sai lầm" liên quan đến Nga.

Nhìn vào thực tế, Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đã không làm được gì nhiều khi để IS tiếp tục lớn mạnh. Phía Mỹ đã ý thức được vai trò của họ đang giảm ở Syria, trong khi đó, ảnh hưởng của Nga ngày càng lớn. Cho dù còn bất đồng, nhưng cách tốt nhất là hợp tác với Nga để bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp tại Syria cũng như chia sẻ cách thức đánh bại phiến quân IS.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội Nhân dân

“Cuộc chiến” bên ngoài Syria - 2