1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

COP21: Chia rẽ Bắc - Nam lại nổi lên

(Dân trí) - 9/12 là ngày quyết định cho các cuộc thương thảo kéo dài hơn một tuần qua để Hội nghị khí hậu quốc tế (COP21) ra được thỏa thuận cuối cùng mang tính “ràng buộc và áp dụng được “, nhưng chia rẽ vẫn tiếp diễn trong các phiên họp cuối cùng trước hạn chót trình văn kiện vào tối thứ Sáu (11/12).

COP21: Chia rẽ Bắc - Nam lại nổi lên - 1

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius giới thiệu Dự thảo Thỏa thuận Paris tại Bourget ngày 5/12/2015. (Ảnh: AFP)

Nhật báo Le Monde  ghi nhận vấn đề qua bài viết: “COP21: Đếm ngược thời gian cho một thỏa thuận", rằng 195 nước tham gia hội nghị sau hơn một tuần thảo luận vẫn còn vướng ở nhiều điểm, chưa tìm được một tiếng nói chung cho một thỏa thuận cuối cùng.

Từ ngày 7/12 hơn một 100 vị bộ trưởng môi trường, năng lượng và ngoại giao đã lần lượt lên diễn đàn bày tỏ mong muốn và quyết tâm để thỏa thuận Paris được hoàn tất vào tối 11/12. Thế nhưng những phát biểu, tuyên bố hùng hồn cũng chỉ như “tấm bình phong che đi những bất đồng về lợi ích của 195 quốc gia tham gia ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC)", Le Monde nhận xét.

Những cuộc thương lượng thực sự đều diễn ra sau ánh đèn sân khấu của diễn đàn, trong khu vực được các nhân viên của Liên Hiệp Quốc bảo vệ kỹ lưỡng mà báo chí không được hiện diện. Tại đó các hoạt động ngoại giao vẫn đang diễn ra hết sức hối hả để thương lượng từng chương mục, từng câu từng chữ của Dự thảo thỏa thuận. Cũng theo Le Monde, mặc dù nhịp độ làm việc của các chuyên gia, các nhóm đàm phán tại COP21 đã tích cực hơn, các vấn đề trong thỏa thuận cũng đã có tiến triển nhưng vẫn ở mức độ… rất chậm.

COP21: Chia rẽ Bắc - Nam lại nổi lên - 2

Các đoàn đại biểu theo dõi ông Laurent Fabius trình bày Dự thảo Thỏa thuận Paris. (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận Paris nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều quan trọng là thỏa thuận phải mang tính ràng buộc sao cho đạt được mục tiêu con số trên. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là làm sao ràng buộc được 195 quốc gia một cách công bằng, khi mà vẫn còn sự khác biệt quá lớn giữa các nước về mặt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như trình độ kinh tế xã hội của các nước giàu và nghèo.

Theo Libération, Công ước khí hậu Liên Hiệp Quốc không muốn lặp lại thất bại của Nghị định thư Kyoto (thông qua năm 1997 nhưng đến năm 2005 mới có hiệu lực). Nghị định thư Kyoto cũng đã áp đặt các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải với các nước phát triển và cũng có một cơ chế phạt. Thế nhưng một số nước hoặc không phê chuẩn Nghị định thư như Mỹ, hoặc rời bỏ như Canada và việc trừng phạt như vậy vẫn chỉ là hình thức.

Đến sát thời điểm quyết định để thỏa thuận Paris hình thành chiều 9/12, nhật báo Les Echos cho hay “chia rẽ Bắc-Nam lại nổi lên”. Theo đó, mặc dù phái đoàn Pháp - nước chủ nhà hội nghị, tỏ ra lạc quan về thỏa thuận nhưng “bất đồng vẫn tồn tại về một số điểm”.

Nguồn tài chính hỗ trợ về vấn đề khí hậu cho các nước đang phát triển vẫn chia rẽ các nước đàm phán, nhất là số tiền 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 mà các nước giàu hứa hẹn đóng góp để hỗ trợ các nước nghèo trong chương trình chống biến đổi khí hậu.

Đến nay dù số tiền này vẫn chưa hy vọng được đóng góp đầy đủ, thì các nước đang phát triển lại yêu cầu phải tăng thêm. Ngoài ra, nhiều nước còn đòi hạ chỉ tiêu kiềm chế nhiệt độ làm Trái Đất nóng lên xuống 1,5°C. Chỉ tiêu này bị các cường quốc sản xuất dầu mỏ, than và xi măng phản ứng mạnh.

Quý Cao (Tổng hợp từ báo chí Pháp)