1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Con trai bà Bhutto kế nghiệp mẹ

(Dân trí) - Người con trai cả 19 tuổi của bà Bhutto đang theo học ở Anh, hôm qua đã được chỉ định làm lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan (PPP), kế nhiệm vị trí của người mẹ quá cố. Do chưa có kinh nghiệm chính trường, chồng bà Bhutto mới là người lãnh đạo thực sự.

Phán quyết cho tương lai của đảng PPP đã được đưa ra trong một cuộc họp kín tại tư gia của bà Bhutto, phía nam Pakistan, nơi người từng làm hai nhiệm kỳ thủ tướng đã lớn lên.

 

Người con trai lớn trong số ba con của bà Bhutto, Bilawal Zardari, đã chấp nhận làm lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, anh cho biết vẫn sẽ ở đại học Oxford để học tiếp. Cha của anh, người được chỉ định là đồng chủ tịch đảng, mới là lãnh đạo chính.

 

“Cuộc đấu tranh dân chủ trường kỳ của đảng sẽ vẫn tiếp tục với sinh khí mới”, Bilawal phát biểu trong một cuộc họp báo liên tục bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay, hò reo hưởng ứng của những người ủng hộ bà Bhutto. “Mẹ tôi luôn nói nền dân chủ là sự trả thù tốt nhất”.

 

Việc chỉ định chồng bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari, làm đồng lãnh đạo được dự đoán sẽ gây ra một số rắc rối. Bởi ông từng là cựu thành viên nội các, phải sống 8 năm trong tù vì những cáo buộc tham nhũng. Ông còn được biết đến với cái tên “Ngài 10%” vì bị tố cáo ăn tiền lại quả. Ngoài ra, nhiều người Pakistan đánh giá ông với con mắt đầy hoài nghi.

 

Cũng tại cuộc họp báo hôm qua, ông Zardari cho biết, đảng đối lập, đảng lớn nhất của Pakistan, không tin tưởng vào khả năng của chính phủ trong việc đưa những kẻ giết hại bà Bhutto ra công lý. Ông kêu gọi LHQ thành lập một uỷ ban độc lập như uỷ ban điều tra về cái chết của cựu Thủ tướng Libăng Rafik Hariri năm 2005.

 

Như vậy triều đại chính trị lâu đời nhất Pakistan vẫn đang tiếp tục được duy trì.

 

Cha của bà Bhutto cũng là nhân vật quan trọng trong phong trào đấu tranh giúp Pakistan tách khỏi Ấn Độ, trở thành một nước độc lập vào năm 1947. Cha của bà, thủ tướng dân biểu đầu tiên của Pakistan, chính là người thành lập đảng PPP năm 1967. Những thành công vang dội của đảng này từ đó đến nay đều phần lớn nhờ vào tên tuổi của ông.

 

Bilawal cho biết cha của anh Zardari sẽ “phụ trách” đảng trong khi anh tiếp tục theo học. Tuy nhiên, sau đó, khi trả lời những câu hỏi thẳng thắn của phóng viên  Zardari nói con trai ông vẫn còn ở “tuổi non dại”.

 

Trong ngày hôm qua, bạo loạn đã giảm. Tuy nhiên, tổn thất trong những ngày qua không nhỏ; ít nhất 44 người thiệt mạng, và thiệt hại hàng chục triệu USD. Ngoài ra nhiều người cảm thấy không hài lòng với phản ứng của chính phủ đối với cuộc tấn công nhằm vào bà Bhutto.

Ngay sau đó ông tuyên bố đảng của ông sẽ tham gia tranh cử vào đầu tháng này, hi vọng sự thương tiếc đối với bà Bhutto và sự ủng hộ của mọi người đối với gia đình sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông cho biết một lãnh đạo đảng khác, ông Makhdoom Amin Fahim, sẽ có thể trở thành ứng cử viên thủ tướng nếu họ giành chiến thắng.

 

Ngoài ra ông cũng kêu gọi đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif xem xét lại quyết định tẩy chay cuộc bầu cử. Sau đó, đảng của ông Sharif đã đồng ý.

 

Các đảng phái chính trị có vẻ như nhất trí sẽ vẫn tiến hành cuộc bầu cử quốc hội như đã định vào ngày 1/8 tới, mặc dù bạo lực đường phố và hỗn loạn chính trị vẫn tiếp diễn sau vụ ám sát bà Bhutto. Ủy ban bầu cử dự định sẽ nhóm họp để bàn về thời gian cụ thể trong ngày hôm nay 31/12.

 

Nếu cuộc bầu cử diễn ra thành công, kế hoạch phục hồi nền dân chủ ở đất nước hạt nhân Pakistan được Mỹ ủng hộ có thể sẽ có tương lai.

 

“Các đảng phái ở Pakistan có quyền chọn lãnh đạo của riêng họ”, người phát ngôn của Nhà Trắng Scott Stanzel phát biểu sau khi biết tin đảng PPP có lãnh đạo mới.

 

“Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng đối với Pakistan là đối mặt với bọn cực đoan và tiếp tục trên con đường dân chủ bằng việc tổ chức bầu cử công bằng và tự do. Thời gian của cuộc bầu cử cũng tuỳ thuộc vào người Pakistan”.

 

Chính phủ Anh và Mỹ đã từng ủng hộ và vận động bà Bhutto, một lãnh đạo Hồi giáo thân thiện với phương Tây, chia sẻ quyền lực với Tổng thống Pervez Musharraf sau cuộc bầu cử. Đây được xem sẽ là liên minh hữu hiệu nhất để đánh bại lực lượng al-Qaeda đang tái hợp ở những vùng bộ lạc xa xôi của nước này.

 

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ bà Bhutto tố cáo các đồng mình chính trị của Musharraf đứng đằng sau vụ sát hại bà, mặc dù chính phủ cho rằng cáo chiến binh Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda mới là thủ phạm.

 

Còn chồng bà Bhutto, ông Zardari cho rằng chính phủ đã “lừa dối” về thông tin vợ ông đã chết như thế nào. Hiện vẫn có nhiều thông tin trái ngược nhau. Có thông tin cho rằng bà chết vì do trúng đạn, hoặc trúng mảnh bom. Cũng có thông tin nói bà chết do đập đầu vào cửa sổ trời trên nóc xe khi cúi nhanh xuống.

 

Theo thông tin từ chính phủ Anh, ông Musharraf đã đồng ý xem xét đến khả năng nhờ sự hỗ trợ của quốc tế trong việc điều tra vụ ám sát bà Bhutto.  

  

 

Trang Thu

Theo AP