1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

CIA khó xử vì gặp dàn tướng tình báo Nga

Giám đốc CIA Mike Pompeo nói ông chỉ bàn với lãnh đạo tình báo Nga chuyện hợp tác chống khủng bố, không bàn chuyện trừng phạt.

Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR) Sergei Naryshkin và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov vừa qua đã đến Mỹ và gặp gỡ Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo cùng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats. Đi cùng hai lãnh đạo tình báo Nga còn có Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU) Igor Korobov nhưng không rõ có gặp các quan chức phía Mỹ hay không.

Cuộc gặp “thượng đỉnh tình báo” này đã được Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tiết lộ ngày 30-1 gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Cuộc gặp gây tranh cãi

Thông tin được tiết lộ giữa thời điểm các cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vẫn còn nóng hổi. SVR chính là cơ quan tình báo bị phía Mỹ cáo buộc có vai trò chính trong vụ việc. Chưa hết, thông tin xuất hiện chỉ vài ngày sau khi chính phủ Mỹ quyết định không trừng phạt Nga theo tinh thần Luật Đối phó các kẻ thù nước ngoài thông qua trừng phạt (CAATSA). Luật này được Tổng thống Donald Trump thông qua giữa năm 2017, thống nhất trừng phạt Nga can thiệp bầu cử.

Tên ông Naryshkin có trong danh sách được Mỹ chuẩn bị cho bước trừng phạt này. Trước đó ông Naryshkin đã bị Mỹ trừng phạt, cấm đến Mỹ từ năm 2014 quanh vấn đề Nga can thiệp xung đột Ukraine. Khi được hỏi tại sao lãnh đạo SVR được nhập cảnh bất chấp lệnh trừng phạt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định quyết định này phục vụ quyền lợi an ninh quốc gia.


Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga Sergey Naryshkin (trái) và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov trong một cuộc gặp của Ủy ban Quân sự-Công nghiệp tại Nga ngày 19-9-2017. Ảnh: SPUTNIK

Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga Sergey Naryshkin (trái) và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov trong một cuộc gặp của Ủy ban Quân sự-Công nghiệp tại Nga ngày 19-9-2017. Ảnh: SPUTNIK

Giám đốc CIA lên tiếng

Ngày 1-2, trong một lá thư gửi đến lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã lên tiếng bảo vệ tính cần thiết của cuộc gặp. Theo ông Pompeo, các quan chức tình báo Mỹ gặp những đối tác phía Nga cũng vì cùng lý do như những người tiền nhiệm là nhằm “giữ gìn sự an toàn cho người Mỹ”. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể đã gặp những nhân vật nào.

Ông Pompeo cho biết các bên đã bàn về hợp tác chống khủng bố , cụ thể là việc CIA đã giúp Nga phá âm mưu khủng bố tại TP St. Petersburg. Ngoài ra, hai bên còn bàn về an ninh hàng không, ngăn chặn các tay súng nước ngoài xâm nhập Mỹ và Nga. Vấn đề trừng phạt không được bàn luận. Ông Pompeo cũng cho biết khi gặp phía Nga ông và các đồng nghiệp đã “né tránh các vấn đề hóc búa mà Mỹ và Nga không chia sẻ quyền lợi”. Trước đó, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ khẳng định bất kỳ sự tiếp xúc nào với các cơ quan tình báo nước ngoài đều được thực hiện phù hợp với luật pháp Mỹ và được tham vấn với các bộ, ngành liên quan.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn tiếp tục chờ phản hồi của ông Dan Coats về chi tiết các cuộc gặp vào ngày 9-2 tới.

Hợp tác tình báo Nga-Mỹ thiếu niềm tin

Bản thân Đại sứ Nga Antonov cũng nói cuộc gặp bàn về khả năng hợp tác chống khủng bố giữa Nga và Mỹ. Ông Antonov cho rằng thông qua các cuộc gặp này tình báo hai nước muốn cho thấy liên hệ giữa các cơ quan đặc biệt vẫn được duy trì ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất. Theo ông, quan hệ giữa các cơ quan tình báo Nga và Mỹ rất sâu sắc và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Lời ông Antonov có vẻ phù hợp với lời ông Andrew Weiss, Phó Chủ tịch Quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie Endowment giám sát nghiên cứu về Nga. Ông Weiss cũng đánh giá rằng tình báo Mỹ và tình báo Nga có lịch sử hợp tác rất lâu dài. Đỉnh điểm của hợp tác tình báo Mỹ-Nga là sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Weiss, bản chất sự hợp tác luôn hiện diện sự thiếu niềm tin cũng như bất đồng quan điểm về chống khủng bố giữa hai bên. Nói cách khác, quan hệ giữa các cơ quan tình báo hai nước thực chất là trong thế đối đầu. Ông nhận định môi trường chính trị hiện tại ở Mỹ càng làm cho sự hợp tác này khó khăn hơn. Các quan chức tình báo Mỹ phải cân nhắc cả yếu tố chính trị trong giao dịch với các đồng nghiệp Nga. Thành phần bên ngoài cộng đồng tình báo sẽ khó hiểu được một khi các quan chức tình báo Mỹ quyết định liên hệ với phía Nga.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cáo buộc Nga đã cố tình tiết lộ thông tin để gây xào xáo nội bộ Mỹ. Động thái này cũng có thể nhằm củng cố hình ảnh Nga không bị quốc tế cô lập. Đến ngày 1-2, Đại sứ quán Nga ở Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.

Trong khi đó, trang tin Sputnik ngày 1-2 cho rằng chuyện các lãnh đạo tình báo Nga đến Mỹ và gặp những người đồng cấp Mỹ là một điều rất bình thường nhưng lại bị truyền thông Mỹ phóng đại. Các cuộc gặp giữa các tướng tình báo nước ngoài, thậm chí từ các nước đối đầu nhau phần lớn diễn ra bí mật nhưng vẫn được duy trì. Tờ The Washington Post cho biết ông Pompeo từng có cuộc gặp với các lãnh đạo tình báo Nga trong chuyến công du tháng 5-2017.

__________________________

Theo ông Andrew Weiss, Phó Chủ tịch Quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, với hành động tiết lộ thông tin cuộc gặp, chính phủ Nga rõ ràng muốn cho mọi người thấy Mỹ vẫn cởi mở với Nga trong lĩnh vực tình báo. Tuy nhiên, theo ông, Nga đã tự tin thái quá khi mối quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn còn nhiều sóng gió.

Theo Thiên Ân

Pháp luật TP.HCM