1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình: Khiêm tốn và mờ nhạt

(Dân trí) - Kết quả chuyến thăm được coi là khá khiêm tốn so với tham vọng của 2 nước, vì lãnh đạo cấp cao hai bên đều chịu sức ép khá lớn từ nội tình đất nước. Sức ép từ đảng Cộng hòa đối với Tổng thống Obama và từ sự suy giảm kinh tế đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Khiêm tốn và mờ nhạt…

 


Lãnh đạo Mỹ, Trung tại Nhà Trắng ngày 25/9 (Ảnh: AP)

Lãnh đạo Mỹ, Trung tại Nhà Trắng ngày 25/9 (Ảnh: AP)

Sau chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước CHND Trung Hoa của ông Tập Cận Bình, báo giới đã có sự đánh giá khác nhau.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, nhưng hai bên đều kỳ vọng ở cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ đưa quan hệ song phương “định hình quan hệ trong thế kỷ XXI” và trước tiên là tháo gỡ những nút thắt đã tồn đọng lâu nay.

Tuy nhiên, những thỏa thuận đạt được như an ninh mạng, biến đổi khí hậu chỉ phản ánh bộ mặt của quan hệ Mỹ - Trung, còn vấn đề thực chất “vừa hợp tác, vừa xung đột, trong đó xung đột đang ngày càng gia tăng” thì vẫn không thay đổi.

Hai bên thực sự đã cố gắng để đạt được những thỏa thuận, cho dù là nhỏ nhất để quảng bá cho hình ảnh của hai nhà lãnh đạo, nên việc nhượng bộ lẫn nhau giữa hai bên được giới quan sát ghi nhận.

Các thỏa thuận về an ninh mạng là lĩnh vực “không gian ảo” thực tế rất khó kiểm chứng. Điều khoản cụ thể của thỏa thuận chưa được công bố, nhưng sự tố cáo lẫn nhau cho thấy, đây là công cụ “tình báo” hiện đại để thâm nhập, tìm hiểu đối phương, thậm chí cả đối tác cũng là lẽ thường.

Còn biến đổi khí hậu, chủ yếu đi vào tỷ lệ khí thải, thỏa thuận đã đạt được, nhưng kiểm soát là không dễ và cũng khó bề kiểm chứng. Vì thế, cả hai thỏa thuận nêu trên đều mang tính biểu tượng, chưa góp phần hóa giải mâu thuẫn gắt gắt giữa hai bên.

Về hợp tác kinh tế, so với kết quả hồi tháng 6 với 127 vấn đề được thông qua, thì lần này hợp đồng lớn nhất được ghi nhận là việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 230 dặm, trị giá 12,7 tỷ USD nối giữa Los Angeles và Las Vegas; việc Trung Quốc mua 300 máy bay Boeing của Mỹ và tạo điều kiện để các công ty Mỹ đầu tư 3 tỷ USD vào các dự án sử dụng năng lượng tại Trung Quốc.

Bất đồng mấu chốt vẫn tồn đọng

Giới nghiên cứu cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất trong quan hệ Mỹ - Trung là cách quản lý CA-TBD đã không có kết quả nào được ghi nhận. Đặc biệt là vấn đề nóng hổi trong việc Nhật Bản vừa thông qua “đạo luật an ninh mới”.

Về vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc vẫn phát biểu theo cách cổ truyền “lập lờ đánh lận con đen”, thì Tổng thống Obama lại có vẻ rốt ráo, nhưng là để làm giảm cơn “thịnh nộ” của các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Sự phản ứng cầm chừng, của chính quyền đương nhiệm trong thời gian vừa qua đã nói lên điều đó. Vấn đề Biển Hoa Đông cũng chẳng khá hơn.

Giới phân tích cho rằng, từ góc độ lợi ích “cốt lõi” trong quan hệ nước lớn Mỹ - Trung thì lý giải điều trên là không khó, tuy nhiên từ góc độ khác, nhất là các nước Đông Á thì còn lâu mới đạt được hài lòng.

Về “quan hệ nước lớn kiểu mới”

Nhân dịp này ông Tập Cận Bình đã tuyên bố chính thức về 4 điểm chính trong quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc sẽ cùng Mỹ xây dựng là: “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”.

Ông ủng hộ quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh vai trò đàm phán 6 bên theo sáng kiến của Bắc Kinh nhằm từng bước tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách triệt để và xác thực thông qua đối thoại.

Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng gấp đôi, tạo 1 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ trong thời kỳ tại nhiệm của ông Obama. Ông Tập cũng trấn an các doanh nhân Mỹ và khẳng định Mỹ - Trung là hai nền kinh tế có tiềm năng to lớn để tiếp tục hợp tác bổ sung cho nhau.

Trong phát biểu cũng như trả lời báo giới, ông Tập không quên nhắc đến cam kết của Mỹ về kế hoạch cải cách hệ thống điều hành và phân bổ quyền lực tại IMF, theo đó vị trí của Trung Quốc trong điều hành tài chính thế giới sẽ được tăng lên.

Các sáng kiến “Một vành đai Một con đường”, “Con đường tơ lụa”, Ngân hàng AIIB… cũng được Trung Quốc nêu ra và kêu gọi sự hợp tác của Mỹ. Và rằng, Trung Quốc phát triển nó sẽ mang lại lợi ích cho thế giới và cả nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, “Xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới”, mà Trung Quốc đang quảng cáo là “mơ hồ” và khó chấp nhận, vì mô hình thế giới hai cực và đơn cực đã qua rồi, thế giới đa cực đang chuyển từ định hướng sang định hình thì quan hệ Mỹ - Trung khó mà vượt trên tất cả. Vì thế, giới phân tích cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ là mỹ từ ngoại giao mà thôi.

Chưa tạo ra hiệu ứng có tính đột phá

Điều dễ nhận thấy nhất là, ông Tập Cận Bình đến Washington lần này trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao đốc, đồng Nhân dân tệ mất giá, tốc độ tăng trưởng suy giảm, nguy cơ “bong bóng” đang hiện hữu… cho thấy sức mạnh kinh tế là công cụ lớn nhất để Trung Quốc thâm nhập quốc tế và mặc cả trên bàn hội nghị với Mỹ, nay đã không còn, khiến ông Tập Cận Bình cũng khó ăn, khó nói hơn.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục giữ lãi suất gần bằng 0% được giới chức tài chính cho là chịu tác động từ những động thái của Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự tùy thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai này.

Về hiệu ứng sau chuyến thăm, giới nghiên cứu dự báo cho rằng, với những thỏa thuận mới đạt được trong lĩnh vực an ninh mạng, biến đổi khí hậu và những vấn đề đang tồn đọng thì quan hệ  Mỹ - Trung sẽ chưa tạo ra hiệu ứng nào có tính đột phá.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc giải quyết những bất đồng giữa Trung Quốc với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông và với các nước ASEAN ở Biển Đông, Mỹ rất có thể tỏ thái độ không rõ ràng, ít nhất cho đến sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào năm 2016. Khiến câu nói nổi tiếng của Trung Quốc rằng: “ngươi không động đến ta, thì ta cũng không động đến ngươi” có thể được dư luận nhớ lại.

Như vậy, chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vừa kết thúc với một Tuyên bố chung, thể hiện xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa hai siêu cường này là “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, trong đó mâu thuẫn và cạnh trang, đấu tranh đang có xu hướng gia tăng.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, vị thế “nước lớn có trách nhiệm” Mỹ - Trung đối với việc giải quyết các điểm nóng về an ninh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn đang ở phia trước và có thể còn rất xa vời.

Nguyễn Nhâm

 

Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình: Khiêm tốn và mờ nhạt - 2